Lưu bút và "phây bút"

BA BÊ 18/05/2014 10:17

Hồi tôi học ở trường xã, trường huyện, thời buổi hoang sơ, internet chưa ai biết là gì, mạng xã hội là điều xa xỉ bởi Mark Zuckerberg hãy còn là thằng mặt đầy tàn nhang và đang háo hức chờ mỗi năm đến hè như tôi. Tôi nhớ cái thời điện thoại rất hiếm, máy nhắn tin là một phát minh vĩ đại và điện thoại di động là thứ gì đó phi thường. Bởi thế nên nghỉ hè bạn bè ít có cơ hội gặp nhau. Cũng chẳng biết tụi nó làm gì trong ba tháng hè. Quan trọng hơn là nhỏ bạn mà mình thương thầm trộm nhớ nhưng chưa dám nói, nếu không kiếm được lớp học thêm nào để học chung là xem như hết hy vọng. Lỡ nó buồn buồn lấy chồng thì... Không có internet, không có mạng xã hội, bọn tôi dùng một hình thức khác. Nó gần như “phây bút” (facebook) bây giờ, lúc đó người ta gọi là lưu bút.

Lưu bút không có tính cập nhật, nó chỉ ghi lại những gì ngay tại thời điểm đó, mặc dù đầy tình cảm nhưng thật ra vẫn vui là chính. Lưu bút được chuyền từ tay đứa này sang đứa kia, để được trang trí hoành tráng, ghi lại những cảm xúc lãng mạn đầy nhớ nhung bằng khả năng hội họa yếu kém và chút vốn liếng văn chương ít ỏi của mỗi người. Lớp tôi có bốn mươi người thì cũng có khoảng hơn hai mươi quyển lưu bút như vậy, nghĩa là riêng tôi phải viết lách vẽ vời hơn hai mươi trang cho các bạn. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy tốt nghiệp đại học rồi tôi trở thành cử nhân, nhưng hồi học trung học, tôi đúng là một nghệ nhân. Lưu bút thường bắt đầu bằng một trang nói về cá nhân mình, tôi tên gì, ngày tháng năm sinh, tôi thích màu gì, nhà tôi ở đâu, ước mơ thầm kín và ước mơ lộ liễu là gì… Rất nhiều thứ, chỉ thiếu số chứng minh nhân dân và nghề nghiệp của ba mẹ mà thôi. Các trang còn lại tôi sẽ viết cái gì đó, về lớp học, tình bạn hay những ngày hè. Thực tế, những điều tưởng chừng đơn giản đó lại rất khó diễn đạt thành lời nên đa số bạn bè tôi thường hay vẽ một chữ “lưu niệm” to “vật vã” ngay chính giữa trang. Rồi từ đó các loại dây leo, hoa lá cành mọc ra tua tủa, đầy màu sắc của đủ các loại bút lông, bút mực.

Nếu quyển lưu bút của ai đó chuyền được đến tay mình mà đã có quá nhiều chữ lưu niệm to vật vã rồi thì mình đành phải sáng tạo ra một từ khác kiểu như slogan vậy, có thể là “tình bạn”, “mùa hè” hay “nhớ mãi”… Dù sáng tạo có lúc bế tắc đến cỡ nào cũng không được ghi nguyên chữ “trời ơi” to tướng vào đó được, nhất thiết phải lãng mạn và nói về tuổi học trò, chứ không phải là tâm trạng khi viết lưu bút. Sau đó khuyến mãi thêm vài câu thơ không rõ nguồn gốc. Những câu thơ ngây ngô buồn cười đại khái như “Sống trong bể ngọc kim cương/không bằng sống giữa tình thương bạn bè”, dù tôi biết chắc chỉ có cục kim cương thôi chứ không có bể kim cương. Hoặc “Mùa hè là mùa thi cử, chúc bạn hiền hai chữ gặp may”, câu này lúc viết lưu bút tôi cảm thấy có lỗi vì dường như tôi đang ám chỉ bạn mình học bết bát, thi cử nếu không gặp may chắc qua năm học mới khó có cơ hội gặp nhau lắm. Một phiên bản khác dễ chịu hơn lại không kém phần huyền bí: “Mùa hè là mùa đi biển, chúc bạn hiền hai chữ bình an”. Đến giờ đọc lại câu thơ này tôi cũng không hiểu vì sao thời đó bọn tôi lại nghĩ đến sự kết nối quái gở giữa mùa hè và đi biển. Giờ nghĩ lại đã có kết nối: mùa hè nóng nên đi biển, chúc bình an là chúc bạn không bị kẹt xe hay bị đuối nước... Chắc vậy lắm.

Trước khi đặt bút viết vào lưu bút, các bạn tôi thường hay nhìn những bài đã viết trước. Nếu bạn và thằng A đều thích con B, kiểu gì lưu bút mà bạn viết cho con B phải hoành tráng hơn thằng A, không có khiếu họa sĩ thì phải nghĩ ra câu thơ nào độc độc, kiểu như: “Dù cho chữ có phai màu/ Xin đừng xé bỏ mà đau lòng này”. Mà chả riêng gì chuyện thầm yêu trộm nhớ, bọn tôi - những người trẻ chuẩn bị bước vào đời, vẫn còn thói sân si y hệt trẻ con, bao giờ cũng muốn trang viết của mình thật đặc biệt. Có đứa cảm thấy bất lực trong việc sáng tạo, bèn ghi: “Tớ và cậu ít kỷ niệm. Chả biết viết gì. Chúc may mắn.” rồi ký tên cái rẹt. Có đứa chưa nghĩ ra, bèn đem về nhà, để đó, ngâm cứu hết ngày này qua ngày khác rồi thất lạc luôn cuốn lưu bút của bạn. Chủ nhân cuốn lưu bút đó không còn cách nào hơn là làm ra cuốn lưu bút mới và mời bạn viết lại từ đầu, vẽ lại từ đầu, và nắn nót viết lại những câu thơ tâm đắc đã sưu tầm được... Ôi thôi, cực nhọc không thể nói…

Học sinh bây giờ có lẽ không còn hoặc ít dùng đến lưu bút. Các phương tiện truyền thông đã xóa mờ khoảng cách của mùa hè. “Phây bút” sẽ chỉ cho nhau biết chi tiết bạn bè đang ở đâu, làm gì, kèm theo cả hình ảnh, không cần phải vẽ vời như thời chưa có internet. Không có những chữ “lưu niệm” to vật vã chiếm hết cả màn hình, không hoa lá, dây leo, kim cương hột xoàn các loại. Thay vào đó là tin nhắn trên tường, bình luận qua lại chóng vánh và đầy đủ. Có khi khuyến mãi thêm vào đường link dữ dội kiểu như “Lý Nhã Kỳ mua trang sức tiền tỷ ở Chợ Lớn”… Tuy vậy, qua mạng xã hội dường như những tâm sự giữa bạn và một người bạn, không còn là “của riêng” cho chính mình nữa. Vì bàn phím không tạo nên sự riêng biệt, nhìn vào màn hình cũng không thể đoán được phía bên kia bạn mình đang vui hay buồn, cho dù nó dùng vài biểu tượng (icon) nhí nhảnh đi chăng nữa. “Phây bút” có thể giữ lại dữ liệu, nhưng không giữ lại cảm xúc, thời gian.

Rất nhiều quyển lưu bút đã cũ đi, ngả màu, úa vàng, quăn góc theo thời gian. Đọc lại những điều trong đó mới thấy sự ngây ngô đáng yêu của một thời mới lớn. Còn tôi, khi nhìn lại những dòng chữ và hình vẽ tưởng chừng như ngớ ngẩn của bạn mình, không khỏi chạnh nhớ về những năm tháng học cấp 3 ở trường huyện. Và tôi bâng khuâng tự hỏi mình đã để lại những gì trong các cuốn lưu bút của các bạn mình? Kim cương, hoa lá hay là những lời chúc may mắn trên đường đời...

BA BÊ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lưu bút và "phây bút"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO