Lưu dân thời nhà Hồ

HỒ TRUNG TÚ 08/02/2016 10:40

Lâu nay, khi nói về các đợt di dân người Việt vào Nam người ta thường nhắc đến sự kiện Lê Thánh Tông bình Chiêm năm 1471 mà quên rằng còn có một đợt di dân lớn khác trước đó gần 100 năm. Dấu ấn cuộc di dân đó là để lại khá rõ trong giọng nói của người nam Thu Bồn, tức các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tiến Phước, Tam Kỳ và Núi Thành nay.

Có một hiện tượng lạ là người Quảng Nam ở bắc Thu Bồn nhiều người tự nhận là quê Thanh Hóa trong khi người nam Thu Bồn không có ai nhận là Thanh Hóa thì lại nói giọng giống Thanh Hóa nhiều nhất. Tại sao vậy?

Hiện số tộc họ được xác định là đã di dân vào Nam dưới thời nhà Hồ (1402) là không nhiều, chúng tôi mới chỉ thấy có gia phả họ Hồ ở Cẩm Sa (nay thuộc Điện Nam, Điện Bàn) là được ghi rõ và số đời đến nay được ghi nhận đã lên đến con số 26 đời. Việc xác định được số lượng người Việt di dân vào Nam dưới thời nhà Hồ sẽ giúp cho ta hình dung được phần nào đời sống của người Việt trên vùng đất mà sau đó vài năm (1407) đã lại thuộc về sự cai trị của người Chàm. hơn thế nữa đây là số lượng người thực sự được gọi là “dân kinh cựu” và chính họ đã đặt nền móng tạo nên một vùng văn hóa về sau này.
Ước tính số lượng người Việt di dân dưới triều nhà Hồ

Một nhóm người Đàng Trong, tranh minh họa trong sách của J.Barrow năm 1793.
Một nhóm người Đàng Trong, tranh minh họa trong sách của J.Barrow năm 1793.

Hiện không có đủ cứ liệu để hình dung số lượng người Việt vào Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa trong 5 năm dưới triều Hồ. Ngày nay chúng ta khó có thể hình dung đời sống xã hội của vùng đất Thăng Hoa ngày ấy, tức nam sông Thu Bồn đến Quảng Ngãi ngày nay, là như thế nào. Thế nhưng có vài sự kiện giúp ta hình dung phần nào không gian xã hội lúc đó.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy giọng nói người các huyện ở nam Thu Bồn có nhiều nét giống với người Thanh Hóa. Nếu ở Thanh Hóa nói “Iêm ợ Thên Húa” (Em ở Thanh Hóa), đặc trưng là âm a rất dài, thì người các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Hiệp Đức, Tam Kỳ và Núi Thành khi nói các âm như trái banh thành gần giống như “trái bênh”, Thanh-Thên, banh-bênh.

Phải chăng điều này là do chính sự kiện Hồ Quý Lý đã đưa người Thanh Hóa vào đất Thăng Hoa Tư Nghĩa? Có thể Hồ Quý Ly đã cảm nhận sự bất an của mình nên đã sớm lo gầỳ dựng cơ sở cần vương ở phương Nam từ rất sớm? Thanh Hóa là quê ông và ông đã đưa người quê mình vào Nam để có gì thì có chỗ chạy về?

Nhưng Hồ Quý Ly đã đưa bao nhiêu người vào Nam, và số lượng người đó có đủ đông để áp đặt cả một giọng nói lên một vùng để dấu ấn đó còn lại đến hôm nay? Chúng tôi đồ chừng rằng số lượng người di dân là không hề nhỏ.

Mùa xuân, tháng 2 (1403), Hán Thương đem những người không có ruộng mà có của dời đến Thăng Hoa, biên chế thành quân ngũ. Quan lại ở các lộ, phủ, châu, huyện phải chia đất cho họ ở. Người ở châu nào thì thích hai chữ tên châu ấy vào hai cánh tay để làm dấu hiệu. Đến năm sau đưa vợ con đi theo, “giữa đường, bị bão chết đuối, dân phần nhiều ta oán” và “Hán Thương mộ dân nộp nhiều trâu để cấp cho dân mới dời đến Thăng Hoa, người nộp được ban tước”. Các sự kiện này cho thấy quyết tâm của nhà Hồ trong việc quản lý và cai trị vùng đất mới. Cuối năm 1403 này, Hán Thương còn tổ chức một cuộc Nam chinh với 20 vạn binh lính thủy bộ, âm mưu đánh đến tận vùng Phan Rang, Thuận Hải. Quân vây thành Chà Bàn, sắp lấy được nhưng vì thiếu lương ăn và Phạm Nguyên Khôi không đủ tài nên phải rút.

Có một vài sự kiện giúp chúng ta hình dung phần nào số lượng người Việt đến vùng đất này trong các năm từ 1402-1407, đó là khi quân Minh chiếm Thanh Hóa, hai cha con Hồ Quý Ly chạy vào đến Tân Bình (Quảng Bình), sai Hoàng Hối Khanh đang cai trị Thăng Hoa lấy “một phần ba số dân di cư” trước đây, gộp với quân lính địa phương tổ chức lực lượng cần vương cho nhà Hồ. Trong tình hình nước sôi lửa bỏng, tập hợp được vài trăm người thì không đáng để cha con Hồ Quý Ly kỳ vọng, vài ngàn người thì mới có thể gọi là một lực lượng cần vương. Chúng tôi chọn lấy số 3.000 binh là khả năng thấp nhất. Cứ 4-5 dân có một đinh, 2-3 đinh có một lính thì số dân di cư trên dưới 20-30 ngàn người là điều có thể chấp nhận được. Tuy vậy, vài chục ngàn người chúng tôi nghĩ là không đủ với yêu cầu của Hồ Quý Ly lúc ấy!

Số phận những lưu dân

Năm 1407 “Chiêm Thành cất quân thu lại đất cũ, dân di cư sợ chạy tan cả”, chính câu này của sử ký toàn thư khiến ta tin rằng số lượng người di cư là đông như ước tính, vì chỉ với số lượng lớn đến như vậy mới tạo nên được sự kiện để được ghi vào sử sách. Vài trăm người, thậm chí vài ngàn người là chưa đủ để sử gia hạ bút câu đó.

Và một sự kiện lớn như thế Gia phả tộc Phan làng Đà Sơn không thể không ghi chép, và ta đọc thấy: “Khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ đem đất Chiêm Động Cổ Lũy trả lại cho Chiêm Thành thì người Việt do họ Hồ điều vào nay lại chạy ra Hóa Châu (gần TP.Huế nay), ông Phan Công Nhân vẫn khôn khéo xử trí để bảo đảm cho người Việt được an toàn”. Vậy là khi nhà Hồ mất, Chiêm Thành thu lại đất cũ người Việt vẫn ở lại và được người Chàm chở che.

Ở phía người Chàm ở lại ta thấy Hồ Quý Ly không xua đuổi người Chàm mà ra một chính sách như thường thấy ở vùng đất mới: “Người Chiêm Thành nào đi thì cho đi. Người ở lại thì bổ làm quan”. Việc người Chiêm Thành ở lại làm quan cai trị, chiêu dụ dân Chiêm Thành là một chi tiết cho thấy người Chiêm Thành ở lại là chính và họ chiếm tuyệt đại đa số, người Việt vào là “ở lẫn” với người Chàm, thuận theo phong tục người Chàm, chịu sự cai trị của người Chàm là chính.

Đến nay còn một số gia phả chép rằng tổ tiên họ đã vào đất này từ thời Hồ Quý Ly. Ý chí Hồ Quý Ly như chiêu mộ người có của nhưng không có ruộng vào đây, “Hán Thương mộ dân nộp trâu để cấp cho dân mới dời đến Thăng Hoa, người nộp được ban tước”; và cũng tổ chức “cho thuyền chở vợ con vào theo” là chưa từng có kể cả các triều đại sau này.

Thời này, ngoại trừ một số họ Chiêm ghi theo âm Hán đọc thành Phan, Phạm, Đặng thì Hồ Quý Ly còn ban cho họ Đinh với một số người Chiêm hàng phục. (Sử ký Toàn thư)

Ngoài họ Hồ Cẩm Sa “Phan tộc phổ chí” của họ Phan làng Đà Sơn, Đà Nẵng  còn cho ta biết nhiều tộc họ người Việt khác nữa cũng ở đây giai đoạn này. Gia phả này ghi các bà về làm dâu họ Phan như:  Phạm Thị Xuân Quang, Phùng Thị Đính, Nguyễn Thị Thông, Nguyễn Thị Phước Chỉ, Nguyễn Thị Dung, Lê Thị Tài, Lê Thị Ngọc Mỹ, Phạm Thị Hoài, Ngô Thị Huy, Ung Thị Thận, Đỗ Thị Nhựt Tân... Như vậy là ta có chí ít các họ Việt như Phạm, Phùng, Nguyễn, Lê, Đỗ... là sui gia với tộc Phan Đà Sơn. Bên cạnh đó Phan tộc phổ chí cũng còn cho biết các tộc Việt cùng ở trên mảnh đất Đà Sơn như: Phan, Nguyễn, Kiều, Đỗ. Điều đó có nghĩa lúc ấy, trước 1402, ở vùng đất thuộc Đà Nẵng nay nhiều tộc họ người Việt đã định cư và ở bên cạnh người Chàm một cách thân thiết, mối quan hệ thông gia trai Chàm lấy vợ Việt và trai Việt lấy vợ Chàm là chuyện khá bình thường lúc ấy.

Phải chăng chính điều đó đã khiến giọng nói người Thanh Hóa được cắm sâu rễ bền gốc ở các huyện nam Quảng Nam mặc dù kể từ sau 1471 người ta hầu như đã quên những người vào trước này?

HỒ TRUNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lưu dân thời nhà Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO