Lưu giữ giá trị truyền thống

ĐĂNG NGUYÊN 13/03/2022 07:05

Không gian văn hóa vùng cao đang dần mở hướng trở lại bằng nhiều hoạt động hữu ích từ phía chính quyền và đồng bào địa phương. Thông qua các đội trống chiêng được thành lập tại thôn bản, công tác truyền dạy điệu múa truyền thống dần phục hồi.

Già Bh’ling Hạnh trong chương trình tái hiện lễ cưới của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Đ.N
Già Bh’ling Hạnh trong chương trình tái hiện lễ cưới của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Đ.N

Sống dậy âm vang

Điệu múa tâng tung da dá của đồng bào Cơ Tu đã được công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014. Đây là niềm tự hào không chỉ của người Cơ Tu mà còn là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở xứ Quảng.

Nhân lên niềm vui, bằng rất nhiều hành động bảo tồn, chính quyền và người dân ở các huyện vùng cao đang từng bước làm sống dậy những nét văn hóa truyền thống, giúp không gian cộng đồng làng thêm đậm đặc sắc màu.

Hiệu quả bước đầu từ việc hình thành và hoạt động của các nhóm, câu lạc bộ trống chiêng người Cơ Tu ở huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, mới đây, cộng đồng người Co, Ca Dong, Xê Đăng, Bh’noong… ở Nam - Bắc Trà My, Núi Thành, Phước Sơn cũng tổ chức ra mắt câu lạc bộ cồng chiêng truyền thống. Bước chuyển này được xem như hoạt động tiếp nối, giúp bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, phục hồi vốn quý trong cộng đồng miền núi.

Tại thôn 6 (xã Trà Bui, Bắc Trà My), sau thời gian thử nghiệm, câu lạc bộ cồng chiêng Ca Dong đã được ra mắt, ghi dấu ấn với hoạt động trình diễn các điệu múa truyền thống.

Già làng Hồ Văn Dinh, người được biết đến với danh xưng “Già làng Ca Dong” nhiều năm qua vẫn lặng lẽ giữ hồn văn hóa cộng đồng bằng cách tự làm và sưu tập, gìn giữ những nhạc cụ của dân tộc mình.

Ông đồng thời cũng truyền dạy cho lớp trẻ những điệu hát, điệu múa và cả cách chơi nhạc cụ. Câu lạc bộ cồng chiêng Ca Dong ở thôn 6 này được thành lập cũng nhờ một tay truyền dạy của già Dinh với cộng đồng. Nhờ vậy, các lớp trẻ Ca Dong ở Trà Bui bây giờ đã dần biết đánh trống chiêng, múa hát làn điệu truyền thống.

“Mình làm vì muốn lưu giữ nét văn hóa độc đáo của cha ông. Bởi không muốn vốn quý đó bị thất truyền, để con cháu sau này gìn giữ được hồn văn hóa, cũng như biết trân quý và tự hào về nguồn cội xa xưa” - già Dinh bộc bạch.

Miệt mài truyền dạy, các già làng vùng cao đang từng ngày làm sống dậy âm vang cồng chiêng, phát triển các điệu múa truyền thống, giữ hồn cốt cha ông với cuộc sống thực tại. Bên hội làng truyền thống, những bước chân của chàng trai, cô gái vùng cao nhảy quanh vòng nêu như gợi lên hình ảnh xưa cũ, vang trong ngày hội mới.

Tiếp nối giá trị cộng đồng

Sau gần 10 năm truyền dạy, già làng Bh’ling Hạnh (ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, Nam Giang) đã có thời gian “cầm quân” đưa các nghệ sĩ nhí tham gia hoạt động trình diễn văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Lớp học trò của già Hạnh, không chỉ giỏi về điệu múa tâng tung da dá, còn có khả năng chơi nhạc cụ truyền thống và hát các đoạn clới, ba boóch. Vài năm trước, khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, đội trống chiêng của già Hạnh từng khiến du khách ngạc nhiên và bất ngờ bởi lối trình diễn truyền thống đặc sắc, với dàn nghệ sĩ nhí làm chủ đạo.

Sự tri ân và tiếp nối giá trị một lần nữa được khẳng định khi điệu múa tâng tung da dá của đồng bào Cơ Tu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014.

Học trò của già Bh’ling Hạnh tham gia trình diễn tại lễ hội văn hóa các huyện miền núi. Ảnh: Đ.N
Học trò của già Bh’ling Hạnh tham gia trình diễn tại lễ hội văn hóa các huyện miền núi. Ảnh: Đ.N

Già Bh’ling Hạnh nói, ở thời buổi bắt đầu xu thế mở rộng và phát triển du lịch cộng đồng, các giá trị văn hóa của đồng bào vùng cao không chỉ bó hẹp trong phạm vi bảo lưu, gìn giữ, mà phải hướng đến việc phục vụ du khách. Đó là sự kết hợp hài hòa, vừa bảo tồn được bản sắc truyền thống, vừa đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho chính cộng đồng - những chủ thể của nền văn hóa độc đáo ở vùng cao.

“Nhưng, có làm gì đi chăng nữa, bản sắc tốt đẹp của dân tộc vẫn phải được giữ nguyên vẹn. Tuyệt đối không nên lai tạp, dẫn đến nguy cơ biến dạng trong cách tiếp nhận văn hóa. Trong thời buổi hội nhập như hiện nay, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống chính là cơ hội để phát triển đời sống, nâng cao thu nhập cho cộng đồng vùng cao” - già Hạnh chia sẻ.

Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho rằng, chính hoạt động bảo tồn và phát huy các trị văn hóa truyền thống đã giúp đồng bào vùng cao, nhất là lớp trẻ có cơ hội nhìn nhận đúng thực trạng, cũng như giá trị thực sự trong nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, giúp khơi dậy lòng tự hào trong mỗi người trẻ để chung tay, góp sức trong việc bảo tồn và phát triển sau này.

“Để văn hóa cộng đồng giữ nguyên được giá trị bản sắc vốn có, cũng như mở rộng hướng đến mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, nhiều năm qua, chúng tôi đã xây dựng đề án khôi phục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Qua quá trình triển khai đã hình thành nhiều câu lạc bộ cồng chiêng, nói lý - hát lý, đan lát, dệt thổ cẩm… trong cộng đồng, giúp công tác bảo tồn bản sắc văn hóa thêm bước lạc quan” - ông Tùng nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lưu giữ giá trị truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO