Lưu giữ nét đẹp tết xưa

DOÃN HOÀNG – ĐOÀN ĐẠO 29/01/2014 15:24

(QNO) - Hội hoa xuân – Hội báo xuân TP. Tam Kỳ không chỉ có hoa, cây cảnh mà trong lòng không gian đó vẫn lưu giữ những nét đẹp cổ truyền về một không khí tết ngày xưa.

Người dân say mê với thú chơi chim cảnh đầy tao nhã của cha ông.
Người dân say mê với thú chơi chim cảnh đầy tao nhã của cha ông.

Nét xuân cổ truyền

Giữa trăm hoa đua nở, giữa lòng thành phố nhộn nhịp ngày giáp tết, tiếng chim chào mào rộn rã trong nắng mới khiến lòng người thấy sự thanh bình, tươi tắn của mùa xuân như về sớm hơn. Tiếng chim chào mào ấy vang vọng từ không gian của Hội thi Tiếng hót chim chào đã mấy ngày qua khiến du khách đến đây phải dừng bước, tạm quên những thứ xung quanh mà chú tâm nghe chim hót. Chẳng đợi gì đến ngày thi, nhiều ngày trước những người chơi chim chào mào đã mang chim đến đây với một ly cà phê sáng. Họ ngồi thư thái bình phẩm mọi chuyện quanh thú vui họ say mê từ đời cha ông: thú chơi chim cảnh. Dân “ngoại đạo” như chúng tôi cũng ngồi xuống theo, cùng cà phê để nghe người chơi chim hướng dẫn sự thú vị từ những chú chim chào mào đang vươn cao cất tiếng hót liên hồi. Cô sinh viên trẻ tuổi Lê Thị Thanh Nga (Tam Xuân 1, Núi Thành) ngồi bên chúng tôi, thì thầm: “Thú chơi chim cảnh hay quá các anh nhỉ! Chắc thời gian tới em cũng tìm hiểu thêm về thú chơi này”. Ngày hội thi chim chào mào bắt đầu, hàng trăm người dân đến xem, say sưa theo những chú chim. Mặc cho cái nóng bức của nắng buổi trưa rọi xuống, họ vẫn dõi theo niềm đam mê của mình cho đến khi Ban tổ chức hội thi công bố giải.

Các kỳ thủ cờ tướng lưu dấu tết xưa qua áo dài khăn đóng.
Các kỳ thủ cờ tướng lưu dấu tết xưa qua áo dài khăn đóng.

Người dân đến Hội hoa xuân - Hội báo xuân không chỉ để xem, mua hoa, đọc sách báo mà còn tìm về với không khí tết xưa qua bài chòi, cờ tướng, xin chữ... Hội cờ tướng qua nhiều ngày vẫn đông đúc mỗi khi các kỳ thủ thượng đài thi đấu. Ngày xưa, ông cha thường thi cờ người còn giờ có phần hiện đại hơn với kỳ đài nhỏ dựng lên, bảng cờ lớn để mọi người cùng xem. Nhưng Ban tổ chức vẫn cố gắng giữ gìn truyền thống qua việc các kỳ thủ thượng đài phải mặc áo dài khăn đóng, trên chiếc bàn đặt ấm trà nóng thơm để kỳ thủ thưởng thức. Tất cả tạo nên sự nhàn nhã khiến mọi người quên đó là cuộc thi đấu mà ngỡ mình đang giao lưu cờ với một người bạn thân quen.

Hát hô bài chòi vẫn thu hút nhiều người dân tham gia như những tết xưa.
Hát hô bài chòi vẫn thu hút nhiều người dân tham gia như những tết xưa.

Nằm sát bên không gian hội cờ tướng, bài chòi còn xa lạ với những người trẻ tuổi nơi phố thị, chính vậy cũng đủ sức lôi cuốn giới trẻ hào hứng tham gia. Và những tiếng hô hát bài chòi đủ “sức nặng” làm người lớn sực nhớ, quay về cái tết của chục năm về trước. Chẳng dám khẳng định ai cũng thích tham gia chơi bài chòi, nhưng những chiếc chòi dựng lên lúc nào cũng có người tham gia. Không phải vì tiền thưởng mà giản đơn ấy là trò chơi đầy thú vị chỉ dịp tết đến mới có.

Lưu giữ cho giới trẻ

Anh Đặng Ngọc Tuấn (Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) vừa hướng dẫn con gái Đặng Quỳnh Như (5 tuổi) cách chơi bài chòi vừa chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, cứ tết là mình say mê món này, ngày nào cũng chạy ra nghe hô bài chòi. Giờ mình gắng đưa con đến tham gia để tuổi thơ cháu được chơi những trò chơi dân gian. Và mình mong cháu nó hiểu ngày xưa mình ăn tết ra sao, hiểu hơn về văn hóa dân tộc mình”. Chỉ chịu rời khỏi hội bài chòi khi đồng hồ gần điểm 22 giờ, bé Quỳnh Như xem ra vẫn còn luyến tiếc lắm, chỉ khi ba mẹ hứa “Ngày mai ba mẹ sẽ đưa con ra chơi tiếp” cháu mới vui vẻ đi về. Vậy mà đi xa một đoạn, Quỳnh Như vẫn ngoái đầu nhìn lại hướng những chiếc chòi tre. Ông Trương Minh Hạnh (55 tuổi, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) - người có thâm niên hát hô bài chòi gần 30 năm không ngại đường xa, đêm đêm lên phục vụ bà con, bảo: “Lời lãi chẳng là bao, quan trọng là gìn giữ trò chơi ngày tết của cha ông mình để lại. Hát xong ở đây, những ngày tết tôi vẫn hát ở thôn xóm mình. Đi hát cho nó có không khí tết chứ giờ tiếng pháo chẳng còn, mà xóm làng không nghe văng vẳng tiếng hô bài chòi thì người ta không biết tết đến ấy chứ”.

Những đứa trẻ say mê theo bàn tay tài hoa của “ông đồ”.
Những đứa trẻ say mê theo bàn tay tài hoa của “ông đồ”.

Điều làm những người trẻ say mê nhất ấy chính là con chữ nghệ thuật của các “ông đồ” thời hiện đại. Vây quanh thư pháp gia Bùi Toàn là những đứa trẻ lên mười ngồi chụm đầu theo nét bút “rồng bay phượng múa”, miệng cố đánh vần theo con chữ bay bổng trong sự trầm trồ. Nhẹ nhàng, nhà thư pháp Bùi Toàn đọc lại bức thư pháp ông vừa viết, vừa diễn giải cái hay, sự ý nghĩa của những câu chữ ấy cho đám trẻ nghe. Ông bảo với chúng tôi: “Cốt của thư pháp ấy là dạy người qua cái đẹp của nghệ thuật. Ngày xưa, ông bà mình có phong tục cho, xin chữ đầu năm nên bản thôi tôi ngược xuôi để góp tài mọn giữ gìn truyền thống này. Với giới trẻ, nhất là trẻ con, tôi đều cố gắng truyền tình yêu thư pháp để thế hệ này bảo tồn phong tục đẹp đẽ này”. Vài gian hàng thư pháp ở Hội hoa xuân - Hội báo xuân vẫn chưa thể tạo thành phố ông đồ giống như các thành phố lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ để người dân đi ngang qua dừng chân, thưởng lãm. Có người xem để rồi sinh thích thú mà mua và có người bảo với chúng tôi: xin chữ đã thành thông lệ để treo trang trọng trong nhà ngày đầu năm.

Ông Trương Minh Hạnh (ngoài cùng bên phải) giữ gìn nét đẹp dân tộc ngày tết qua hát hô bài chòi suốt gần 30 năm qua.
Ông Trương Minh Hạnh (ngoài cùng bên phải) giữ gìn nét đẹp dân tộc ngày tết qua hát hô bài chòi suốt gần 30 năm qua.

Tết bây giờ không thể gọi là hiện đại khi trong lòng mỗi người dân luôn giữ cho mình những phong tục từ ngàn xưa để lại: là bánh chưng, bánh tét, là cành mai vàng bung cánh rực rỡ đầu năm, là phong bao lì xì với lời chúc an lạc… Nhưng sự đi lên của đất nước cũng khiến người thành thị khó khăn khi tìm về với “tết xưa” đúng nghĩa. Bởi thế, không gian của bài chòi, cờ tướng, thư pháp hay chơi chim cảnh cũng đủ níu chân người về với cái tết cổ truyền thấm nhuần tinh thần dân tộc, đủ để giới trẻ rời xa các trò chơi game trên mạng, những quán xá đông đúc… mà tìm về với cái thanh bình, hân hoan của tết xưa.

DOÃN HOÀNG – ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lưu giữ nét đẹp tết xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO