Với xu thế thế toàn cầu hóa như hiện nay, việc du học ở nước ngoài càng trở nên phổ biến. Theo đó, mỗi lưu học sinh Việt Nam đã trở thành một sứ giả văn hóa, một nhịp cầu văn hóa.
Hiện nay số lượng lưu học sinh Việt Nam du học ở Trung Quốc tương đối lớn, bởi chỉ tiêu phân bổ học bổng của Chính phủ Việt Nam (Đề án 322, Đề án 89), Trung ương Đảng (Đề án 165) du học tại Trung Quốc nhiều hơn các quốc gia khác.
Phía Trung Quốc cũng có nhiều loại hình học bổng cấp cho lưu học sinh Việt Nam: học bổng Chính phủ Trung Quốc, học bổng Học viện Khổng Tử, học bổng của địa phương (tỉnh) và học bổng của trường đại học (ĐH). Ngoài ra, còn có một bộ phận lưu học sinh tự túc, vì du học Trung Quốc đi lại tiện lợi, phí sinh hoạt phù hợp, nhiều cơ hội việc làm sau khi du học xong.
Quảng bá văn hóa Việt
Ngoài việc học tập, nghiên cứu học thuật, hầu hết lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc đều tham gia các hoạt động ngoại khóa, trong đó chủ yếu là các hoạt động về văn hóa. Việc quảng bá văn hóa Việt nổi bật nhất là ở trang phục và ẩm thực.
Hình ảnh lưu học sinh nữ mặc áo dài tham gia các sự kiện hay trình diễn áo dài trong các chương trình văn hóa nghệ thuật đã trở nên phổ biến trong mắt bạn bè quốc tế.
Lưu học sinh Nguyễn Hồ Hưng Thịnh (nguyên giảng viên Trường ĐH Văn Lang, đang học nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh) cho biết: “Trong mỗi dịp tham gia sự kiện ở Trung Quốc tôi đều mặc áo dài truyền thống hoặc áo dài cách tân của Việt Nam. Tôi cảm thấy rất tự hào khi mặc quốc phục, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa trang phục Việt đến bạn bè quốc tế”.
Trong tuần lễ “Giao lưu hợp tác giáo dục Trung Quốc - ASEAN” do Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức cuối tháng 8/2023, có hoạt động thi nấu ăn. Lưu học sinh Thanh Trà và Thảo Vân (ngành Quản lý du lịch, Trường ĐH Dân tộc Quý Châu) đã đoạt giải nhất với món nem rán.
Chia sẻ lý do lựa chọn món nem rán để tham gia cuộc thi, Vân nói: “Món nem rán có hương vị rất thơm ngon, phù hợp với khẩu vị của nhiều quốc gia, hơn nữa nguyên liệu chế biến dễ kiếm và cách làm không quá cầu kỳ. Đây là dịp góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt đến bạn bè nước ngoài hiệu quả”.
Cộng đồng lưu học sinh Việt cũng đã nấu phở bò, bánh chưng và làm nem rán trong hoạt động văn hóa “Lễ hội ẩm thực ASEAN” do Học viện Nhân văn ASEAN - Trường ĐH Dân tộc Quý Châu tổ chức giữa tháng 11/2023.
Các bạn trẻ đã hướng dẫn sinh viên Trung Quốc cùng chế biến món nem rán, từ sơ chế nguyên liệu, cuốn nem đến khâu rán nem, pha nước chấm. Gian hàng ẩm thực Việt hôm đó có đông người thưởng thức nhất, đủ cả lưu học sinh Á, Âu, Phi.
Sự thành công của việc quảng bá ẩm thực Việt trong dịp này là thu hút cả học sinh tiểu học Trung Quốc tham dự, vì lãnh đạo Học viện Nhân văn ASEAN muốn giới thiệu văn hóa ASEAN không chỉ cho sinh viên Trung Quốc mà còn cho các em nhỏ.
Ngoài văn hóa trang phục và ẩm thực, dịp này lưu học sinh còn giới thiệu về phong tục đám cưới, đờn ca tài tử của người Việt và tự trình diễn bài “Dạ cổ hoài lang” trong chương trình giao lưu.
Lưu học sinh Trịnh Thị Nguyệt (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Dân tộc Quý Châu) chủ động giới thiệu về du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng đến với sinh viên Trung Quốc.
Ấn tượng về người Việt
Lưu học sinh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế là những thanh niên năng động, hòa đồng, theo nhìn nhận của bạn Orkhontuul EẺdenechimeg (quốc tịch Mông Cổ).
Nhưng quan trọng hơn đó là tinh thần hiếu học, nỗ lực đạt nhiều thành tích, trong đó phải kể đến Nguyễn Hồ Hưng Thịnh - một trong những sinh viên xuất sắc được Trường ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh tổ chức vinh danh.
Cô Xie Nafei (Tạ Na Phi), giảng viên Trường ĐH Sư phạm Nam Ninh hào hứng khi kể về thành tích mà lưu học sinh Việt Nam đạt được. Cô Phi còn gửi cho chúng tôi xem những clip được trích từ chương trình truyền hình ở Trung Quốc như muốn bảo chứng cho thành tích của lưu học sinh Việt.
Đơn cử như Nguyễn Mai Phương thường xuyên thực hiện dẫn chương trình, nhiều lần tham gia cuộc thi hùng biện, ngâm thơ Trung Quốc.
Mai Phương còn chủ trì hoạt động giao lưu văn hóa Việt - Trung với quy mô lớn, được Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc quan tâm và mời lên Bắc Kinh để chia sẻ hoạt động này.
Hay như Nông Thúy Hạnh vượt qua 170 lưu học sinh nước ngoài đến từ 45 trường ĐH ở Trung Quốc để đoạt giải nhì cuộc thi “Vui đọc Trung Quốc” toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức ở Thượng Hải.
Đặc biệt, Lê Thị Mai (quê Duy Xuyên, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CHND Trung Hoa khen tặng về thành tích học tập, giao lưu văn hóa trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Vũ Hán.