Một khoảng không gian bình yên để người đi về phía núi dừng chân, cúi đầu qua cổng, và lòng thì đầy những ngưỡng vọng. Gian nhà ấy, rất đơn sơ, bình dị. Như tính cách của một người cả đời – “lòng cuồn cuộn như nước triều dâng” chỉ quan tâm duy nhất đến vận nước, đến việc làm sao để “cất lên tiếng nói của nhân dân”. Còn về phần mình, cụ chọn đời thanh bạch.
Gian nhà vùng đồi trung du lúp xúp những bụi chè tàu bao bọc. Sân gạch, bể cạn, mái ngói âm dương, và một căn nhà cổ ba gian, lưu giữ lại một số di vật của cụ. Ở đó, có những số báo Tiếng Dân do cụ làm chủ bút đã ố vàng. Những bức hình lưu lại hành trình và những cuộc gặp gỡ của cụ, khi hoạt động trong phong trào Duy tân và cả lúc đã trở thành một nhân vật quan trọng trong Nhà nước Cách mạng Việt Nam. Những hiện vật ít nhiều đã làm trọn vai trò của mình, rằng để hậu thế còn nhớ tới một tiết tháo Quảng Nam, một người làm báo đầu đàn với tuyên ngôn: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói” mà mỗi thế hệ người làm báo sau này đều nằm lòng. “Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”, cả một đời mang “tinh thần gang thép” của cụ, đến tận hơn 100 năm sau, hậu thế nhắc nhớ nhau bằng một “Huân chương Sao Vàng”. Nhưng có những giá trị không gọi tên bằng lời, vẫn như một bài học không bao giờ cũ, và mỗi ngày, lại càng ấm nóng hơn. Đó chính là tinh thần làm báo quả cảm, cương trực…, mà những người cầm bút hôm nay luôn phải tâm niệm.
Hàng năm, nhiều đoàn khách về viếng hương Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước). Ảnh: ĐÌNH QUÂN |
Lạ rằng trong gian nhà lưu niệm cụ Huỳnh tại Tiên Cảnh (Tiên Phước), khói hương vẫn đỏ mỗi ngày, nhưng người vào ra thăm viếng lại chưa từng mang về cảm giác của u tịch. Có lẽ đôi phần bởi sự giản dị trong bày biện, trong cấu trúc không gian và trong cả những câu chuyện mà con cháu họ Huỳnh kể cho khách nghe. Chỉ cần hình ảnh quanh vườn nhà, đã thấy lòng đủ sự bình yên. Bởi ở đây, di tích này, luôn có sự sống sinh sôi, luôn ấm hơi người. Ở cuối khu vườn, có một căn nhà của cháu con cụ Huỳnh. Họ ở đó, mỗi ngày vun tưới cho những gốc cây trong vườn, xua đi những cũ kỹ mà một di tích hay gặp phải. Và luôn luôn tự hào về tiền nhân của họ tộc mình. Tiếc rằng bây giờ, người nắm giữ nhiều câu chuyện nhất trong cuộc đời cụ Huỳnh, đã từng cùng chung sống với cụ Huỳnh hơn 10 năm tại Huế - cụ Huỳnh Toản, cháu cụ Huỳnh Thúc Kháng, đã thành người thiên cổ. Có lẽ ngày cụ Toản nhắm mắt cũng đã an yên phần nào với phần việc trọn đời cụ đeo đuổi: dựng lại di tích tòa soạn báo Tiếng Dân. Bây giờ, trụ sở báo Tiếng Dân đã được công nhận di tích cấp quốc gia, kế hoạch tôn tạo trụ sở tại Huế cũng đã có, nhưng người góp công lớn nhất - vác từng lá đơn mòn mỏi đến tận Hà Nội, cụ Huỳnh Toản, lại chưa kịp chứng kiến ngày bảng tên Báo Tiếng Dân được treo trang trọng trở lại ở chính ngôi nhà này.
Mỗi ngày, người đến thăm viếng căn nhà lưu niệm cụ Huỳnh mỗi đông. Có lẽ nên vui, vì tất thảy cả đời mình, cụ làm việc cũng chỉ vì những người dân nước Việt. Và mai này, khi kế hoạch mở rộng Khu lưu niệm nhà cụ Huỳnh từ 1.700m2 lên đến 6.700m2 đi vào thực hiện, như là một điểm nhấn của du lịch vùng trung du Tiên Phước, mong gần gũi những xúc cảm bình yên.
THƯ QUÂN