Lĩnh vực lưu trú du lịch ở Hội An đang gặp những thách thức mới. Dù là phát sinh khách quan nhưng đòi hỏi chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này nhận diện và đưa ra các giải pháp để khắc phục.
Hội An cần có chiến lược thu hút khách lưu trú. Ảnh: L.H |
Đón khách lưu trú “chui”
Tính đến đầu tháng 7 năm nay, Hội An có 461 cơ sở lưu trú với 8.263 phòng, trong đó nhiều nhất là phòng của loại hình khách sạn (6.246 phòng, tiếp đến là số phòng của các biệt thự du lịch (996 phòng). Riêng đối với loại hình homestay (lưu trú trong nhà dân) có 215 cơ sở với 895 phòng. Ngoài 461 cơ sở lưu trú là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự du lịch và một số ít nhà nghỉ riêng lẻ, trên cơ sở các quy định pháp luật và kết quả khảo sát thực tế, đến thời điểm này, Hội An cũng đã cấp hơn 400 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhà cho người nước ngoài thuê để ở.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, UBND thành phố đã tiếp nhận phản ánh của người dân xung quanh việc phát sinh một số gia đình tự tổ chức đón khách nước ngoài lưu trú trái phép, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này. Theo phản ánh, tại một số địa bàn như An Bàng (phường Cẩm An), phường Cẩm Phô, Minh An đã xuất hiện một số hộ dân không có giấy phép kinh doanh lưu trú nhưng đã tự đón khách, chủ yếu là khách Tây ba lô với giá phòng lưu trú rất thấp. Từ thông tin này, UBND TP.Hội An đã kiên quyết chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành về thương mại - dịch vụ - du lịch tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá tình hình, tham mưu UBND thành phố biện pháp giải quyết. Qua 3 đợt kiểm tra hoạt động đón khách lưu trú tại một số xã phường như Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Minh An, Cẩm Phô, đoàn kiểm tra liên ngành xác định có 12/20 trường hợp đón khách lưu trú “chui”, tập trung ở 2 phường Minh An và Cẩm Phô. Các hộ vi phạm khi tự động đón khách lưu trú mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lưu trú, hoặc nhà đăng ký cho người nước ngoài thuê ở dài hạn lại chỉ dùng để đón khách lưu trú ngắn hạn (một vài ngày). Theo quy định của thành phố, nhà ở cho người nước ngoài thuê phải đảm bảo thời gian từ 3 tháng trở lên và hai bên phải có đầy đủ giấy tờ, thủ tục hợp đồng.
Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn cho rằng, chịu trách nhiệm đầu tiên khi để xảy ra tình trạng này phải là lãnh đạo UBND xã, phường, trưởng công an xã, phường và cán bộ cảnh sát khu vực. Theo chỉ đạo của thành phố, không đợi đến khi người dân phản ánh hay đoàn tổ chức kiểm tra, ngay tại cơ sở, chính quyền địa phương và công an xã phường phải chủ động nắm bắt tình hình và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đó là trách nhiệm quản lý địa bàn. Nếu không xử lý triệt để, hình thức đón khách “chui” này sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường du lịch mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự..
Cạnh tranh gay gắt với vùng lân cận…
Thời gian gần đây, du lịch Hội An còn đối diện với sự cạnh tranh mới, đó là hiện tượng khách lựa chọn vùng lưu trú. Theo thống kê của Phòng TM-DL thành phố, trong 7 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách đến Hội An đạt 1.544.840 người, tăng 15,95% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng lượt khách lưu trú dù có tăng so với cùng kỳ nhưng cũng chỉ đạt 662.715 lượt, tương ứng gần 43%, nghĩa là chưa được một nửa số khách đến Hội An. Khách lưu trú chủ yếu là người nước ngoài, đến từ thị trường khách truyền thống. Còn lại chỉ có 106.165 lượt khách Việt lưu trú tại Hội An trong 6 tháng đầu năm. Trong khi, như đã nói ở trên, do du khách đổ về Hội An rất đông nên mỗi ngày, từ 15 giờ chiều trở đi, các tuyến đường đều trở nên đông đúc. Cao điểm nhất là từ 16 giờ đến 22 giờ đêm, nhiều khu vực có mật độ khách dày đặc.
Sự tương phản giữa số lượng khách đến tham quan mỗi ngày với số lượng người lưu trú, sử dụng các dịch vụ du lịch tại Hội An ngày càng thấy rõ. Nguyên nhân đã được các ngành hữu quan đánh giá, nhìn nhận xuất phát từ sự cạnh tranh gay gắt với vùng phụ cận Đà Nẵng trong việc du khách lựa chọn địa điểm cư trú. Nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng với chiến lược dùng Hội An để hút khách về phía mình lưu trú đang ngày càng lộ rõ. Và đã đến lúc, Hội An cần có chiến lược, giải pháp để hút khách lưu trú. Phân tích vấn đề này, ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An cho rằng: “Thực ra bây giờ ban đêm chúng ta vô phố cổ, đi bộ cũng rất khó khăn. Mùa này một đêm trong phố cổ không dưới 5 nghìn người, từ khoảng 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Đây là bài toán kinh tế, làm thế nào để có biện pháp thu hút khách chi tiêu cao, khách lịch sự, phù hợp với vấn đề tham quan di sản và có giải pháp để hạn chế lượng khách có chi tiêu thấp, trốn vé... Chiến lược của Đà Nẵng hiện nay đã lộ rõ rồi. Thậm chí khách Nhật, lẽ ra là khách truyền thống của mình, tỷ lệ khách Nhật ở Đà Nẵng vẫn cao hơn Hội An ”.
Như vậy, có thể nói, lĩnh vực kinh doanh lưu trú ở Hội An đã và đang đối diện với những thách thức mới. Điều đó không chỉ là bài toán đặt ra đối với chính quyền sở tại mà rất cần sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp. Hơn ai hết, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, du lịch, dịch vụ tại Hội An cũng cần đưa ra nhiều chương trình phù hợp để nâng cao chất lượng dịch vụ, kích cầu du lịch, hút khách và giữ chân du khách lưu trú.
LÊ HIỀN