Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào các lớp luyện thi môn năng khiếu vẽ mỹ thuật - kiến trúc là hình ảnh những học sinh (HS) lớp 12 với đủ các tư thế, cặm cụi bên trang giấy vẽ để nuôi ước mơ vào giảng đường đại học.
Một góc lớp luyện thi môn vẽ ở thành phố Đà Nẵng. Ảnh: B.T.T.M |
Những lớp học không bảng phấn
Không gian các lớp học tôi đến thăm được bao quanh bởi đầu tượng, các bức vẽ tĩnh vật, chân dung, những bức tranh mỹ thuật nhiều màu… Một số tác phẩm xuất sắc của những anh, chị khóa trước được thầy giáo đóng khung treo xung quanh. Tất cả được đặt ngay ngắn, theo thứ tự để làm mẫu cho học sinh. Lớp học không bảng phấn, chỉ có thầy trò với giá vẽ, bút chì, màu nước… Dưới nét vẽ tài hoa của thầy và trò, hình ảnh mẫu vật quen thuộc hàng ngày như ấm nước, tách trà, bình hoa, nải chuối, quả thơm… trở thành những hình khối sinh động và rất thực. Chỉ còn vài ngày nữa là bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, cả thầy và trò các lớp vẽ đều hết sức tập trung.
Lớp vẽ đầu tiên tôi đến được tổ chức tại Trung tâm VH-TT TP.Tam Kỳ, với hàng chục HS từ các địa phương Núi Thành, Phú Ninh, Tam Kỳ. Lớp nằm riêng biệt ở khu tầng 2 của trung tâm, khá yên tĩnh nên là địa điểm phù hợp, lý tưởng cho thầy và trò thỏa sức sáng tạo. Thầy Huỳnh Văn Bình - giáo viên đứng lớp cho biết: “Một bài thi đạt yêu cầu phải đảm bảo các tiêu chí về bố cục (chung, riêng), tỷ lệ đúng, dựng hình chuẩn. Khi mở lớp, tôi thực hiện khảo sát đầu vào, phân loại trình độ HS để có cách hướng dẫn phù hợp. Trong quá trình luyện vẽ, tôi thực hiện chỉnh sửa trực tiếp cho từng em để đảm bảo tính chính xác cao”. Được biết, thầy Bình cũng đã soạn cuốn Cẩm nang hướng dẫn thi Kiến trúc - mỹ thuật làm món quà dành tặng cho học trò của mình.
Có một lớp vẽ nữa, tuy nằm ở TP.Đà Nẵng (số 380, Núi Thành) những vẫn thu hút khá nhiều HS ở các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Hội An, Đại Lộc… theo học. Những HS này chọn lớp của thầy Nguyễn Đặng Anh Kiệt để học môn vẽ kiến trúc - mỹ thuật cho kỳ thi sắp tới. Ra đời từ năm 1996 đến nay, lớp học của thầy Kiệt đã nuôi dưỡng và chắp cánh ước mơ cho hàng trăm HS đam mê môn vẽ. Từ lớp học này đã cho ra nhiều thủ khoa đất Quảng ở các trường danh tiếng như Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh, Khoa Kiến trúc Đại học Bách khoa Đà Nẵng… Học trò đến với lớp thầy đều nhận được sự dạy bảo rất nghiêm khắc nhưng đầy tình cảm, sự quan tâm và trìu mến. Học trò xứ Quảng cần cù, chăm chỉ, hiếu học đặc biệt nhận được ưu ái của thầy. Những HS xuất phát điểm thấp thì thầy dạy lại từ căn bản, trường hợp nào đã có căn bản thì thầy tiếp tục nâng cao. Bài tập thầy giao trong một buổi, tất cả học sinh bắt buộc hoàn thành dù đã hết giờ học.
Khổ công mài dũa
Ở lớp của thầy Bình, HS sống khu vực quanh TP.Tam Kỳ nên điều kiện đi lại thuận tiện hơn. Còn lớp thầy Kiệt, HS Quảng Nam từ những huyện lân cận chủ yếu di chuyển bằng xe buýt. Những trường hợp ở xa phải ở lại học cả ngày vào cuối tuần. Khi còn trong năm học, học sinh thường đón xe buýt đi đi, về về khoảng 1, 2 buổi mỗi tuần. Còn ở giai đoạn nước rút này, HS ngoài tập trung vào ôn luyện các môn chính để thi thì có thể đến lớp thầy Kiệt khoảng 3, 4 buổi mỗi tuần. Ca sáng bắt đầu từ 7 giờ đến gần 12 giờ trưa, ca chiều bắt đầu từ 13 giờ 30 đến khoảng 18 giờ. Một buổi học như thế vừa vặn khoảng thời gian như trong kỳ thi chính thức để HS hoàn thành bức vẽ và luyện kỹ năng làm bài thi. Bạn Lâm Anh (HS Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc) đã có hơn 2 năm theo học lớp của thầy Kiệt chia sẻ: “Được các anh chị khóa trên hướng dẫn nên mình theo học lớp thầy Kiệt để ôn thi. Sắp tới, mình chọn thi Khoa Kiến trúc Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Tuy kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều đổi khác nhưng riêng đối với môn vẽ (môn năng khiếu thi đại học) thì việc chủ yếu vẫn phải lo luyện vẽ. Giai đoạn nước rút, mình và các bạn phải thật tập trung, cố gắng hoàn chỉnh một bức vẽ theo yêu cầu của thầy trong khoảng thời gian như buổi thi chính thức”.
Đối với việc luyện thi những môn khác, giáo viên có thể sửa bài, hướng dẫn chung cho cả lớp. Riêng với môn vẽ, thầy Kiệt hay thầy Bình phải thật sự theo sát từng HS, lắng nghe, trò chuyện, uốn nắn cho từng trường hợp, từng đường nét. Các thầy phải chỉ dạy HS từ tư thế ngồi, cách cầm bút, chuẩn bị trạng thái tâm lý trước khi thi… Về lời khuyên cho HS đang và sắp học vẽ, thầy Kiệt nói: “Điều kiện cần và đủ để lựa chọn học và thi vẽ là bắt nguồn từ niềm đam mê chứ không phải chỉ là sự thích thú ban đầu. Việc phát hiện năng khiếu ở mỗi em cũng cần thiết, và quan trọng là phải trải qua quá trình rèn luyện, khổ công mài dũa để đạt được kết quả như ý. Gần 2 tháng nay, tôi đã cho HS vẽ trên mẫu giấy kiểm tra như trong kỳ thi để các em tập làm quen, không phải bỡ ngỡ khi vào thi”. Ở lớp vẽ của thầy Kiệt, trong các giờ học còn có sự hỗ trợ của 2, 3 sinh viên trước đây là học trò cũ đến để hướng dẫn kiểm tra bài cuối buổi học, phụ giúp thầy chỉnh sửa thêm cho HS. Các bạn sinh viên trở lại đây bởi tình yêu lớp học, trở lại với những việc mình đã làm trước đây để hướng dẫn các em khóa sau, những mong thành công nối tiếp thành công.
BÙI THỊ THANH MINH