Ly hương bất ly nông

C.B.L 28/03/2019 03:14

Trên một chuyến xe đường dài, tôi có dịp trò chuyện với những lao động tha phương. Nhóm nông dân Quảng Ngãi, Quảng Nam lên xe từ một huyện biên giới của tỉnh Đắc Lắc, trò chuyện rất rôm rả. Họ cho biết mấy năm nay tầm tháng 6 âm lịch là lại khăn gói vào Tây Nguyên thuê đất trồng dưa. Vùng biên viễn mà họ đến, đất sắt pha cát cằn cỗi đã được những người di dân tự do “dọn sạch”. Sau vài vụ bắp mía thất bát, chủ đất bắt đầu ngán ngẩm canh tác và cho thuê giá chỉ 5 triệu đồng/ha/năm. Vì thế đây là vùng đất mới của nghề trồng dưa hấu. Nhiều nông dân rủ nhau vào vùng đất mới này canh tác. Làm nông thì ở đâu cũng vậy, giá cả nông sản bấp bênh, và dưa hấu thì càng bấp bênh bởi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vì thế, câu chuyện của nhóm người mà tôi gặp trên xe, dù rôm rả nhưng không được vui vẻ cho lắm. Họ cho biết vụ dưa vừa qua bán tại ruộng chưa tới 3 nghìn đồng/kg, ước tính chỉ đủ chi phí. Một vài nông dân “liều mạng” gom dưa thuê xe chở sang tận Trung Quốc, phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, nhưng thị trường này không dễ với khách lạ, nên “canh bạc” lớn hơn của nông dân xa quê thêm phần rủi ro, thấp thỏm...

Tây Nguyên những năm gần đây đã chứng kiến làn sóng di dân ào ạt, chủ yếu là người dân đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. “Miền đất hứa” của những lao động ly hương, đất đai vẫn còn bạt ngàn sau công cuộc khai hoang rầm rộ và rừng dần co cụm. Nếu so sánh ở quy mô tích tụ ruộng đất, thì Tây Nguyên mới là mô hình lý tưởng chứ không phải như các tỉnh miền Trung chủ yếu gom góp những thửa đất sản xuất nhỏ lẻ. Nếu như những năm 80 (cũng di dân ào ạt vào Tây Nguyên), nông dân thường nhắm đến những loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu... thì gần đây những loại cây như sắn, mía, dưa lại được ưa chuộng. Thế nhưng việc canh tác nông nghiệp hiện nay ở Tây Nguyên là vô cùng khó khăn do điều kiện tự nhiên không còn thuận lợi, đặc biệt là thiếu nguồn nước và đất đai cằn cỗi. Nông dân khắp nơi sau những bấp bênh với ruộng đồng, đến Tây Nguyên để “bất ly nông” nhưng gần như đã không tìm thấy con đường nào sáng sủa hơn. Vậy nên, những phức tạp trong đời sống xã hội nảy sinh ở vùng đất mới, đơn giản như chuyện phá rừng vẫn thường xuyên xảy ra là điều dễ hiểu!

Tôi vẫn thường nghe nói đến những mục tiêu của một nền nông nghiệp đang theo xu hướng hiện đại. Các chính sách về tam nông được triển khai, những mô hình sản xuất mới nở rộ..., nhưng nhìn chung vẫn loay hoay do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, thị trường, nguồn vốn đầu tư... Nhìn chung đời sống của nông dân vẫn chưa mấy cải thiện. Theo một thống kê, hiện cả nước vẫn còn trên 50% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn trầm trọng. Nông dân vẫn chưa có động lực mạnh để theo đuổi những mục tiêu, mô hình sản xuất mới, trong khi phải chịu những tác động như đô thị hóa, thiếu tư liệu sản xuất... thì đó là cách “dễ” nhất để họ quay về con đường sản xuất manh mún, thiếu bền vững. Vì vậy, “phong trào” ly hương bất ly nông trở thành biểu hiện của một nền nông nghiệp bấp bênh!

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ly hương bất ly nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO