Mã Lai ký sự

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 02/09/2017 12:40

Theo chuyến bay giá rẻ AirAsia, sau hai giờ rưỡi đồng hồ, chiếc Airbus 320-200 đưa chúng tôi đến sân bay quốc tế của thủ đô Kuala Lumpur trong một ngày đầu thu trời nắng đẹp. Malaysia cuốn hút tôi không chỉ vì nơi đây đang diễn ra Sea Games lần thứ 29 của các quốc gia Đông Nam Á, mà còn là những gì tôi từng đọc của hai nhà văn miền Nam Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam cách đây đã nửa thế kỷ về nền văn minh của đất nước này, cũng như những bước phát triển của nó trong vòng ba thập niên vừa qua…

Tòa tháp đôi Petronas.Ảnh: T.Đ.T
Tòa tháp đôi Petronas.Ảnh: T.Đ.T

1. Nhà văn Sơn Nam đã viết trong “Văn minh miệt vườn” hồi năm 1970 rằng: “Sự liên lạc giữa Cái Mơn và Mã Lai đem cho miệt vườn nhiều loại cây mới: măng cụt, bòn bon, chôm chôm. Poulo Penang, nơi ông Trương Vĩnh Ký du học, là nơi có nhóm người Bà Ba lập rẫy mía. Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”. Còn nhà văn Bình Nguyên Lộc trong công trình nghiên cứu “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” thì mở ra một chân trời thăm thẳm từ khảo cổ tiền sử đến chủng tộc học và đương đại; từ trống đồng trong văn hóa Đông Sơn đến Indonesien và Cổ Mã Lai; từ  những công trình nghiên cứu lịch sử của L. Aurousseau đến G. Cædès, V. Goloubew của Viện Viễn Đông Bác cổ, và Nguyễn Phương, Kim Định; từ ngôn ngữ học đến khảo cổ sọ người; từ chủng tộc học đến dân tộc học… Để rồi Bình Nguyên Lộc đi đến một giả thuyết: “Indonésian (Cổ Mã Lai) là Bách Việt đó, chớ không phải là hai thứ khác nhau đâu. Đó là nội dung của quyển sách này với hàng trăm chứng tích cụ thể và khoa học. Kể cả một số nhà học giả Âu Châu cũng chẳng biết Indonésian là gì, nên họ mới lập ra cái thuyết dân Hoa Nam tràn xuống lưu vực Hồng Hà và đồng hóa dân Indonésian ở đó, rồi biến thành dân Việt Nam…”.

Bình Nguyên Lộc còn dẫn chứng bằng cả hình ảnh nhà cửa và cả văn chương bình dân, khẩu ngữ… đầy “dấu vết Mã Lai” ở nước ta. Chẳng hạn: “Tua Rua đã xế ngang đầu/ Em còn đứng đó làm giàu cho cha”. Tua Rua là tiếng Mã Lai. Còn thành ngữ “Tay chơn bộ hạ” của ta là thành ngữ Mã Lai, họ nói là “Tay cẳng bộ hạ”. Hoặc “Bắc thang lên hỏi ông Trời”, thang tức là Tangga trong tiếng Mã Lai, và Trời cũng là tiếng Mã Lai mà cả Mã Lai và Nhật Bản cũng còn dùng hiện nay, vì cả Nhật Bản cũng có chung nguồn gốc chủng tộc Mã Lai…

Đọc sách của các vị tiền bối đã thu hút tôi quan tâm đến Mã Lai. Vậy mà nay mới có dịp.

2. Malaysia trước năm 1990 đã đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, cao su và dầu cọ. Từ năm 1990 đến nay là khai thác, xuất khẩu dầu khí và du lịch dịch vụ. Nửa thế kỷ qua, họ luôn đạt mức tăng trưởng GDP hơn 6,5%. Đi từ Kuala Lumpur đến cao nguyên Genting xa hơn 60km hoặc ngược về Malacca với khoảng cách 170km trên các đường cao tốc hoặc đường bộ dưới thấp, xuyên qua những cánh rừng tự nhiên hoặc rừng cọ dầu, tôi cố tìm những nghĩa trang hoặc những khu công nghiệp mà chẳng thấy đâu… Những khu rừng, dù là nguyên sinh hay rừng trồng luôn xanh ngút và không một dấu vết của nạn chặt phá. Hệ thống đường cao tốc 4 - 6 làn xe, có chỗ chồng lên đến 3 - 4 tầng chẳng khác gì các đô thị Âu Mỹ. Cứ mỗi 100km trên quốc lộ là đường liên vận Singapore đến Thái Lan đều có một trạm dừng chân, tiếp nhiên liệu, vệ sinh và mua sắm giống các trạm dừng trên đường liên bang ở Mỹ. Anh bạn hướng dẫn nói đây là hệ thống trạm dừng do tư nhân đầu tư với bãi đậu xe hoàn toàn miễn phí cho các loại xe và cả xe dành riêng cho người tàn tật.

Phố cổ Jonker Walk ở Malacca.
Phố cổ Jonker Walk ở Malacca.

Tôi đến thăm đô thị cổ hơn 600 năm Malacca vào một buổi chiều. Khu phố cổ Jonker Walk vẫn còn nắng nóng nhưng đầy các đoàn du khách. Một hình ảnh giống Hội An hiện lên với những ngôi nhà mái thấp bán đủ loại cổ vật và hàng mỹ nghệ lưu niệm, phía trước treo các đèn lồng kiểu Tàu. Đường phố rộng hơn phố cổ Hội An nên ô tô con được phép đậu một bên. Trên tường nhiều ngôi nhà dẫn ra bờ sông Malacca vẽ những bức tranh đầy màu sắc. Ban đêm trên con đường này là một chợ đêm dành cho khách du lịch. Con sông chỉ rộng vài chục mét này là tuyến du lịch bằng thuyền rất được ưa chuộng. Nhưng với tôi, cái hấp dẫn của Malacca chính là những di tích còn được giữ gìn sau nhiều thế kỷ: Một chùa “Tứ bang” thờ Cheng Hoong, vị quan triều Minh của Trung Hoa đầu tiên đặt chân đến đây hồi thế kỷ 15 và các Hoa kiều đến lập nghiệp tiếp theo, nay cũng được UNESCO công nhận di sản. Một nhà thờ cổ và pháo đài của người Hà Lan xây dựng để kiểm soát an ninh qua eo biển nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, những toa xe lửa chạy máy hơi nước và cả chiếc máy bay cổ của người Anh thời Con đường hồ tiêu và công ty Đông Ấn mới thành lập. Malacca còn có cả một bảo tàng dân tộc học của người gốc Hoa mang tên Babas - Nyonyas (Đàn ông và đàn bà có cha Hoa mẹ Mã) thuộc nhiều thế hệ…

Nhà văn Sơn Nam khi giải thích nguồn gốc chiếc áo bà ba xuất hiện ở Nam Bộ Việt Nam, tuy có thể không hẳn là từ chữ Babas là đàn ông trên kia, nhưng cho thấy việc giao lưu kinh tế từ thời vị quan nhà Minh Cheng Hoong đưa những cô gái gốc Hoa mặc áo cánh từ Malacca đến buôn bán ở Hà Tiên đã tạo ra một giao thoa văn hóa rất đáng suy nghĩ…

3. Đến Mã Lai lần này tôi có 5 ngày đi thăm một số nơi, từ thủ phủ kinh tế Kuala Lumpur đến thủ đô hành chính Putrajaya, cao nguyên du lịch giải trí Genting highland và đô thị cổ Malacca, một di sản văn hóa thế giới được công nhận từ năm 2008…

Pháo đài Malacca.Ảnh: T.Đ.T
Pháo đài Malacca.Ảnh: T.Đ.T

Một đất nước có diện tích rộng ngang bằng với Việt Nam nhưng dân số chỉ có hơn 30 triệu người, từ trong trạng thái đa chủng tộc đầy mâu thuẫn cộng với sự tranh giành, giày xéo của các cường quốc từ thế kỷ 15, đến nay đã trở thành một quốc gia cường thịnh. Giành độc lập vào năm 1957, từ thập niên 1990 trở đi - Malaysia đã là một nước phát triển với thu nhập đầu người hơn 10 lần nước ta (25.000USD/người/năm)… Anh bạn hướng dẫn viên người Mã Lai nói với tôi, tên bài quốc ca Mã Lai là Negaraku có nghĩa là “Nước ta” đi kèm với khẩu hiệu Bersekutu Bertambah Mutu có nghĩa “Đoàn kết tạo nên lực lượng”. Người Mã Lai đa văn hóa được khuyến cáo gặp nhau chỉ nói chuyện làm ăn, đời sống hàng ngày, con cái, sức khỏe và không nên nói chuyện chính trị, sắc tộc… Tôi đi trên phố từ Kuala Lumpur đến Malacca, tuy Hồi giáo là quốc giáo, nhưng các ngôi chùa Phật giáo vẫn được coi trọng; thậm chí có những ngôi nhà chưng bàn thờ Phật ra trước hiên cũng không sao, hay gần khu khách sạn The Zon ở trung tâm Kuala Lumpur, gần tháp đôi Petronas có một chùa Phật giáo khá lớn, người ta vẫn tụng kinh và phát trên loa lớn vào mỗi 6 giờ sáng và 6 giờ chiều mỗi ngày…

Dưới chân tòa tháp đôi Petronas là khu thương mại KLCC, công viên và tòa nhà ngân hàng Public Bank luôn nườm nượp khách du lịch, những cô gái choàng khăn và bạn trai của họ vẫn ôm hôn nhau, chụp ảnh khá tự nhiên. Ngược lại, người dân rất tôn trọng luật pháp. Tôi thấy không có tiệm ăn nào bán bia rượu và cho hút thuốc lá. Muốn nhậu, chúng tôi đành vào các cửa hàng 7-eleven mua bia về khách sạn. Chỉ ở các tiệm cơm của người Hoa, bạn có thể mua thêm vài chai bia với giá độ 70 ngàn đồng VN và ra khỏi cửa tiệm để hút thuốc. Ai hút thuốc ở những chỗ có bảng cấm, theo anh bạn hướng dẫn du lịch, sẽ bị phạt hàng trăm RM (mỗi đồng ringgit đổi ra khoảng 5.400 VNĐ). Chúng tôi đến khu du lịch Genting, từ ga cáp treo lên độ cao 2.000 mét và đi khắp từ khu Grand hotel (6.000 phòng), khu mua sắm đến casino, đố ai tìm được chỗ hút thuốc, ngoại trừ khu đậu xe phía ngoài tiệm cà phê Starbuck! Tại sân bay quốc tế Kuala Lumpua bị cấm hút thuốc ngay từ bãi đậu xe taxi. Vào các sân vận động xem SEA Games, cảnh sát yêu cầu mọi người gửi lại thuốc lá, hộp quẹt và được trả lại lúc ra về với nụ cười và lời cám ơn!

Các bảo tàng nghệ thuật đương đại, bảo tàng lịch sử, quảng trường trước dinh thủ tướng và nhà thờ Hồi giáo ở Putrajaya, ngoài các giá trị văn hóa được chăm chút, cũng thật đáng chiêm ngưỡng về quy hoạch, kiến trúc và môi trường đầy cây xanh…

May thay, gần khách sạn The Zon, quán cà phê San Francisco có bày thêm bốn cái bàn tròn bên ngoài sảnh của ngân hàng Citybank cho người hút thuốc. Tôi đã chọn được chỗ này sau mỗi lần đi bộ buối sáng. Ngồi ở đây, nhìn ra phố và ngẫm ngợi: Một Kuala Lumpur gần 3 triệu dân, xe cộ tấp nập nhưng khá trật tự, đường phố không thấy bảng quảng cáo, không tiếng còi xe. Nếu làm ăn giỏi, người Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách thu nhập đầu người với 30 triệu dân Malaysia, nhưng khoảng cách về nền nếp tổ chức xã hội với họ tôi cứ nghĩ là thật khó mà rút ngắn!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mã Lai ký sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO