Ma Rốc - một quốc gia nhỏ bé của khu vực châu Phi nhưng lại đi đầu trong ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH)toàn cầu.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về BĐKH lần thứ 21 (COP-21) mang tính lịch sử sẽ được diễn ra vào cuối tháng này tại thủ đô Paris (Pháp), câu chuyện về giảm thiểu khí thải nhà kính và ứng phó BĐKH tại Ma Rốc được dư luận quan tâm. Ma Rốc là một trong những quốc gia trên thế giới chịu nhiều tác động và tổn thương nặng nề khi nhiệt độ trái đất tăng cao. Nắm bắt tối đa lợi thế từ hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới vì sự phát triển xanh của Ma Rốc với nguồn vay chính sách phát triển cho các dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật, hạn chế gây tổn hại cho môi trường, mặt khác giúp người dân thích nghi với BĐKH.
Một khu chợ nông sản ở Ma Rốc. (Ảnh: travorstravel) |
“Vấn đề phát triển bền vững là tìm ra quyết sách nhằm cân bằng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững, ổn định xã hội, bảo vệ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau”- Bộ trưởng Môi trường Ma Rốc, Hakima El-Haite nói. Vào năm 2012, Ma Rốc triển khai kế hoạch hướng tới “giải phóng” năng lượng hóa thạch bằng việc sản xuất và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch. Các doanh nghiệp sản xuất từ quy mô lớn đến hộ gia đình tại Ma Rốc đều hưởng ứng tham gia sản xuất và sử dụng năng lượng tái sạch và tái tạo. Các nhà máy sản xuất điện năng quốc gia chuyển sang tập trung đầu tư nguồn năng lượng trên để bảo vệ môi trường.
Mới đây, Ma Rốc vừa khởi công xây dựng 3 nhà máy điện năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, có công suất 500 MW với vốn đầu tư 9 tỷ USD. Đây là một phần trong kế hoạch đưa Ma Rốc trở thành quốc gia sử dụng 1/2 điện từ năng lượng tái tạo sau 5 năm tới. Chính sách phát triển năng lượng sạch tại Ma Rốc từ nhiều năm qua không chỉ là tín hiệu vui nhằm góp phần giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn vì sự phát triển thịnh vượng cho cho người dân. Nguồn tiết kiệm chi phí từ nhiên liệu hóa thạch giúp chính phủ tăng chi tiêu công trong lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, đặc biệt ưu tiên cho các hộ nghèo. Chính phủ Ma Rốc ước tính, kinh phí cho các chương trình bảo trợ xã hội được tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2015.
Nông nghiệp là lĩnh vực đóng góp 16% GDP nhưng chiếm tới 40% lực lượng lao động của Ma Rốc. Do đó, chiến lược quốc gia có tên gọi “Plan Maroc Vert” bên cạnh tạo công ăn việc làm là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH. Như cải tạo giống nông nghiệp có khả năng chống chịu sự khô hạn nhưng cho năng suất cao. Hay trong lĩnh vực đánh bắt hải sản theo mô hình “không khai thác tận thu”. Ma Rốc phát triển nhiều hệ thống vệ tinh trên vùng biển, là các đèn hiệu dẫn đường cho phép các tàu thuyền tùy theo kích cỡ về thời gian và địa điểm đánh bắt. Các chủ tàu thuyền phải tuân theo quy định như tránh các vùng mà các loài hải sản đang tái sinh. Ngoài ra, việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên được chính phủ Ma Rốc đặc biệt chú trọng, phát triển du lịch sinh thái đi kèm bảo vệ thiên nhiên vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân các địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế của Ma Rốc.
Trong hoạt động hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về BĐKH sắp tới tại Paris, Diễn đàn Carbon châu Phi năm 2015 tại Ma Rốc đã thông qua kêu gọi các nước khu vực tăng cường phối hợp chống BĐKH.
QUỐC HƯNG