(QNO) - Hồi còn nhỏ, tôi có đầy những buổi trưa nắng ở dưới chợ cùng má, gánh hàng gia vị nhỏ nằm sát cổng chợ chứ không phải trong nhà lồng. Điều này thực ra khi lớn lên tôi mới hiểu, má không đủ tiền thuê ki-ốt. Khi ấy, mỗi lần ở dưới chợ với má, tôi nghĩ rằng mấy người trong nhà lồng thường mặc đồ đẹp hay ít ra cũng phẳng phiu nên được bán hàng trong ấy, còn má tôi và bà Tư bán trầu, dì Cúc bán mì lá trên người là những bộ đồ bạc màu thì chỉ ngồi ngoài này mà thôi. Má bán hàng gia vị, như tiêu, tỏi, mắm, muối, … thế mà đầy cả cái mủng trên gánh hàng. Năm 1999, cơn lụt lịch sử đã cuốn đi gánh hàng của má. Mùa mưa năm đó, tôi thấy má khóc liên tục mấy ngày, cũng kể từ dạo ấy, má hay đau ốm vặt.
Hết mùa mưa, má chuyển sang bán ốc rút. Hối ấy, người bán ốc dạo ít hơn bây giờ nên má rất đắt hàng. Mùa hè, hai má con chia nhau, tôi bán ở chợ đình, má bán ở chợ thị trấn, đến nửa buổi thì đi rao dạo. Chuyện mưu sinh chưa bao giờ êm ả, nhất là đối với những người nghèo khó. Trong một buổi học của năm lớp chín, tôi được cậu Ngọc xin cô giáo cho về sớm. Chưa hiểu chuyện gì, tôi thu sách vở theo cậu. Ra khỏi lớp, cậu cố nói vào tai tôi rất nhẹ, rằng má đang cấp cứu vì bị tai nạn khi đi bán ốc. Trên đường lên bệnh viện, đi ngang qua một đoạn còn vương vãi khắp nơi những con ốc đủ màu, một cái thau bể màu xanh và cái nón lá bị biến dạng, cạnh đó là vệt máu còn chưa kịp đông. Cậu bảo, đó là nơi má gặp tai nạn. Lúc đó tôi, chẳng nghĩ được gì, hai môi cứ mím chặt lại.
Dẫu cơ cực, nhưng tuổi thơ được bên má là những ngày vui. |
Nhìn má qua cánh cửa kính, tôi không khóc mà nước mắt vỡ òa. Dì hai đi qua đi lại trước cánh cửa, vừa chắp tay niệm Phật rồi đưa mắt nhìn tôi: “Sơn ơi, ráng sống vì thằng Vinh nghe em!”. Cũng may là má bị thương nhẹ, sau này cả nhà không cho má đi bán ốc nữa. Ngồi nhà buồn tay chân, má lại chuyển sang bán xôi nơi cổng trường trước nhà. Tôi dậy sớm phụ cho xôi vào hộp rồi cũng theo má đi bán. Suốt như vậy cho đến năm học lớp 10, tôi không bán xôi với má nữa mà xin vào làm giữ xe cho một nhà hàng tiệc cưới trong thị trấn vào những ngày cuối tuần. Còn những ngày khác, ban ngày đi học, tối về, tôi lại xin làm chân phục vụ ở quán cà phê gần nhà. Cho đến khi lên đến đại học, tôi cũng làm thêm để phụ giúp má. Hồi đó, tôi 18 tuổi, không suy nghĩ nhiều đến việc thương yêu má bằng những lời chúc hay quà cáp xa xỉ. Ngày 8.3 năm đầu đại học, tôi tất bật với công việc pha chế tại một quán cà phê ở thành phố. Đến cuối ngày, khi đang dọn quán mới ngỡ rằng hôm nay khách đông vì là ngày Quốc tế phụ nữ. Định bụng rút điện thoại gọi về cho má nhưng nhìn đồng hồ đã khuya, chắc má đã ngủ rồi. “Má ơi, thương má, con gắng học, gắng làm cũng được má nhỉ!”…
Hôm trước đi làm, tôi có ghé về nhà thăm má. Lâu nay, mải mê với công việc mà tôi quên để ý rằng trên đầu má đã hiện rõ hai màu tóc. Mùa này, đi dọc đường, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe đâu đó vang lên câu rao quen thuộc: “Ốc lễ đây, ai ốc lễ không?”. Những sắc màu vỏ ốc như nhảy múa trong ký ức tôi, dẫu khổ cực nhưng được bên má là những ngày vui và để cho tôi chân cứng đá mềm…
PHAN VINH