Chương trình 100 nghìn chữ A để nhà tài trợ tặng Mạng lưới tự kỷ Việt Nam (Vietnam Autism Network - VAN) 200 triệu đồng tổ chức các khóa tập huấn cho những phụ huynh có con bị tự kỷ khép lại vào hôm qua 15.4, khi thu thập đủ - chính xác là vượt,a số lượng chữ A sớm hơn dự kiến. Nhưng trên mạng xã hội, “cuộc chiến” giữa bên “chia sẻ vì một cộng đồng thân thiện với trẻ tự kỷ” và bên “không chia sẻ vì nhất định không để nhà tài trợ lợi dụng sự cả tin của cộng đồng mạng để quảng bá, PR cho chính họ” vẫn còn tiếp tục.
Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng mạng có ý kiến trái chiều chung quanh một chương trình được cho là nhân văn (trước đây, chương trình vẽ hoa hướng dương kèm hashtag #ngayhoihoahuongduong để hỗ trợ bệnh nhân ung thư cũng có ý kiến trái chiều tương tự). Những người hồ nghi về tính nhân văn của chương trình hỗ trợ người yếm thế thắc mắc: Tại sao phải có 100 nghìn chữ A mới được hỗ trợ, số tiền hỗ trợ đó ai nhận, nhận để làm gì? Liệu 100 nghìn chữ A của cộng đồng mạng đổi lấy 200 triệu đồng có phải là cái giá quá đắt? Đây có phải cách để thu thập dữ liệu, thông tin, hình ảnh cá nhân? Làm từ thiện có nhất thiết phải kêu gọi rầm rộ trên mạng?…
Ngược lại, theo những người tích cực chia sẻ chữ A thì: góp được một chút nhỏ trong khả năng của mình để hỗ trợ trẻ tự kỷ, tại sao không làm? Chia sẻ hình ảnh tích cực, tươi vui để giúp trẻ, làm sao có thể lộ thông tin cá nhân? Hoặc cho dù bị nhà tài trợ lợi dụng như ý kiến phản biện, thì mục đích cuối cùng mà mọi người hướng đến là thêm cơ hội cho trẻ tự kỷ và khơi dậy nhận thức của cộng đồng mới là điều quan trọng.
Một lớp học có trẻ tự kỷ học hòa nhập (hiện nay hầu như bậc mầm non, tiểu học ở địa phương nào cũng có), sẽ rất khó khăn cho trẻ và gia đình của trẻ tự kỷ, nhất là việc hòa nhập cộng đồng. Cho nên, chuyện gom góp cả trăm nghìn chữ A, không chỉ đơn thuần để “có vốn” tổ chức tập huấn cho phụ huynh trẻ tự kỷ, mà rộng ra là mong muốn nhận được sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng với người tự kỷ. Nếu biết mục đích như vậy, và cảm nhận những khó khăn người tự kỷ và gia đình của họ đang gặp phải, hẳn mỗi người đã chia sẻ chữ A mà không mảy may mặc cả.
Tìm hiểu thêm, tôi được biết, VAN là tổ chức của các phụ huynh có con tự kỷ, các nhà chuyên môn về tự kỷ, và những người mắc hội chứng tự kỷ. Trang fanpage của VAN hiện thu hút hơn 17 nghìn người quan tâm. Những người điều hành VAN cũng cho biết, khi phát động chương trình, họ chỉ đặt ra kỳ vọng và kêu gọi giúp sức, để lan tỏa sự quan tâm của xã hội về tự kỷ. Nhưng rất tiếc là có những hiểu lầm về việc phấn đấu đạt đủ 100 nghìn chữ A. Tuy nhiên, điều quan trọng là đánh thức nhận thức của cộng đồng đối với người tự kỷ. Và thực sự, bất chấp ý kiến trái chiều, thông điệp từ trái tim của mỗi người đã lan tỏa để giúp được nhiều hơn cho trẻ tự kỷ.