Mạch ngầm lễ hội

XA VĂN HÙNG 21/09/2014 07:07

Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội văn hóa truyền thống của ngư dân vùng biển Quảng Nam nói riêng, khu vực miền Trung nói chung, thờ cúng cá Ông - vị thần “cứu độ hộ sinh” đối với ngư dân.

Tàu ra cửa biển để rước “Nghinh Thần” từ ngoài cửa biển về nhập lăng Ông ở xã Tam Quang (Núi Thành).          Ảnh tư liệu
Tàu ra cửa biển để rước “Nghinh Thần” từ ngoài cửa biển về nhập lăng Ông ở xã Tam Quang (Núi Thành). Ảnh tư liệu

Vào mùa biển động, để tránh sóng, theo bản năng, cá Ông tìm những vật nổi trên biển, nép vào rồi cùng vật ấy trôi vào bờ nên ngư dân có đức tin là cá Ông đã giúp đỡ, cứu người khi gặp bão tố giữa biển khơi.

Theo một số nhà nghiên cứu, tục thờ cúng cá Ông trong lễ hội Cầu Ngư được hình thành từ nhiều nguồn gốc: Từ thần thoại Chăm, cá Ông là sự hóa thân của vị thần có tên là Cha-Aih-Va. Sau một thời gian tu luyện dài ngày trên núi, thần nóng lòng muốn trở về quê hương qua bao ngày xa cách nên bất chấp lời dặn dò của thầy, tự ý hóa phép biến thành cá voi theo sông lớn ra biển để về quê; nhưng bị các thủy tộc ở biển hành hình, biến thành Thiên Nga và rồi sau đó trở lại thành người, đổi tên xưng là Pô Riyăk - Thần Sóng Biển. Cũng theo thần thoại Chăm, từ thần tích Pô Inư Nagar (tôn kính là Quốc Mẫu của Chămpa) âm hóa là Pô Nư Cành (Cờn) được Việt hóa là Thánh Mẫu Thiên Yana (còn được gọi là Bà Chúa Ngọc), giáng sinh ra giữa mây trời và bọt biển. Lúc đó, có hai vợ chồng ông lão không có con, ở trong một căn nhà tại vùng núi thuộc làng Đại An (Đại Điều), huyện Diên Khánh - Khánh Hòa trồng dưa để sống qua ngày. Khi dưa chín, ông lão phát hiện có người bẻ trộm. Một hôm, ông bắt gặp một thiếu nữ đang hái những trái dưa, rồi đùa giỡn dưới ánh trăng. Sau khi nghe câu chuyện của người con gái ấy, ông bà cảm thương nên đưa nàng về nuôi nấng và yêu quý như con đẻ.

Trong nạn hồng thủy, Bà ẩn thân vào khúc gỗ kỳ nam (trầm), trôi theo dòng sông ra biển và trôi từ biển Nam Hải sang tận biển Bắc Hải. Do mùi hương của khúc gỗ trầm tỏa ra hương thơm ngát khiến cho dân địa phương phải chú ý. Họ xúm nhau lại đưa khúc gỗ lên bờ, nhưng do khúc gỗ này quá nặng nên không khiêng đi được. Khi thái tử vớt lên, lạ thay khúc gỗ trở nên nhẹ như tờ giấy. Chàng mang khúc gỗ về cung và hàng ngày vỗ về nó. Thế rồi, một đêm dưới ánh trăng, chàng trông thấy một thiếu nữ xinh đẹp hiện ra. Do bất ngờ nên không kịp biến, nàng đành ở lại và nói thật lai lịch của mình là Thiên Yana. Sau đó, thái tử hỏi cưới nàng làm vợ, rồi hạ sanh được hai người con: một trai tên là Tri và một gái tên là Quý. Sau một thời gian, vì nhớ quê hương nên Bà tự ý trốn chồng, cùng với hai người con, hóa thân vào khúc gỗ kỳ nam trôi theo biển trở về quê, ghé vào cửa biển Cù Huân (Nha Trang - Kauthra). Thiên Yana đã dạy cho dân cách trồng lúa, bắp, trồng bông dệt vải, cách chữa  bệnh, đặt lễ nghi, ruộng nương trong vùng ngày một mở rộng, đời sống mọi người ấm no, yên vui. Một hôm, có một đôi chim hạc từ trên mây đáp xuống, đưa Bà cùng hai con bay về tiên cảnh. Từ đó, Bà hiển linh thường qua lại nơi non Yên, đỉnh Cù cứu nhân độ thế. Hiện tại, ở nước ta còn một số đền tháp thờ Bà Thiên Yana: tháp Cù Lao Sơn, đền Quá Quan, đền Thiên Y Tiên Nữ ở núi Đại An, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa; điện Huệ Nam trên Ngọc Trản Sơn (Điện Hòn Chén) Huế, đền Tam Thanh ở núi Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng; đền Thiên Yana ở xã Vĩnh An, huyện Hòa Đa tỉnh Bình Thuận, Tháp Nhạn ở tỉnh Phú Yên...

Hát múa bả trạo trong Lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Nam.
Hát múa bả trạo trong Lễ hội Cầu Ngư ở Quảng Nam.

Theo truyền thuyết dân gian ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… cá Ông vốn được hóa thân từ những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát xé ra, được phả vào đấy phép thuật cao cường của sự tuệ mẫn, lòng từ bi và quăng xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm giữa biển khơi mênh mông. Phật Bà còn lấy bộ xương của voi trên rừng ban cho cá voi để nó vừa to lớn, vừa có sức mạnh; lại ban phép “Thâu đường” (rút ngắn khoảng cách đoạn đường) thay mặt đức Phật, để lội bơi thật nhanh đến cứu người lâm nạn. Do đó, cá Ông được ngư dân vùng biển tôn vinh là vị thần “cứu độ, hộ sinh”. Cá Ông đã cứu giúp vua Gia Long - Nguyễn Phúc Ánh khi bị quân Tây Sơn rượt đuổi, lại gặp sóng to gió lớn tại cửa sông Soài Rạp trên đường chạy nạn đến đảo Phú Quốc. Vì vậy, sau khi lên ngôi (1802) vua Gia Long phong cho cá Ông là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần”. Có lẽ do góp phần minh chứng cho tư tưởng “thuận thiên” theo quan niệm của đạo Nho “tử sinh hữu mạng, phú quý tại thiên” nên vua Minh Mạng đặt tên cho cá Ông là Nhân Ngư, và hình cá voi đã được khắc vào Nhân đỉnh thuộc năm Minh Mạng thứ 17. Đến đời vua Tự Đức được cải đổi tên là Đức Ngư và kế tục sau đó, các triều vua nhà Nguyễn, gia tặng sắc phong là “Đại Càng Quốc Gia Nam Hải”, hằng năm lấy ngày mùng Mười, tháng Ba âm lịch làm ngày tế lễ Ông Nam Hải và mở hội Cầu Ngư.

Vào mùa biển động, cá Ông thường bị “lụy”, người đầu tiên phát hiện được xem là người có phước lớn, nhờ thần linh phó thác, nên còn gọi là con ông Nam Hải và vinh dự hưởng chức “trưởng nam” với ý nghĩa coi như là cha mẹ của chính mình. Để tổ chức lễ mai táng, vạn trưởng huy động  ngư dân dìu xác cá Ông vào bờ, khâm liệm cẩn thận. Nếu như gặp trường hợp xác cá Ông quá lớn, thì dùng tre đan trành để làm đăng giữ lại, cử người canh chờ cho đến khi thịt rửa hết, rọc xương rồi bỏ vào khạp và đưa vào lăng, điện, đền, miếu để thờ phụng. Đám tang thường diễn ra trong ba ngày đêm liên tục. Trong nghi thức tang lễ, hoàn toàn dựa theo sách “Thọ Mai Gia Lễ” nhưng gọn hơn, giản lược hơn một số bước, cụ thể là người “trưởng nam” được thay mặt vạn chài, chịu tang trong thời gian là 100 ngày.

Lễ hội Cầu Ngư không chỉ mang ý nghĩa là đề cao tính nghề nghiệp mà còn tạo dịp giải trí nhân dân, kết nối cho con người xích lại gần nhau hơn, hiểu và thông cảm cho nhau hơn không chỉ trong những ngày “nắng hạ, mưa đông”. Chính từ sự chuyển hóa tâm thức tâm linh luôn được gắn kết với thiên nhiên, với tự nhiên và thực thi trong việc thờ cúng tiền hiền, hậu hiền: “Hữu tâm cầu tất ứng, chi đức sa tất cứu” (có tâm thờ cúng thì sẽ được giúp, chăm việc thiện thì chẳng sợ ai thù hận) nên tùy theo phong tục tập quán, tín ngưỡng của từng vùng miền, từng địa phương theo tục lệ “xuân kỳ, thu tế” mà tổ chức lễ hội. Từ tín ngưỡng tục thờ cá Ông trong Lễ hội Cầu Ngư thông qua những chi tiết thể loại hát bả trạo - một loại hình nghệ thuật diễn xướng và tất cả những yếu tố ấy, đã hợp thành một loại hình diễn xướng dân gian, xứng đáng đại diện cho một loại hình “văn hóa miền biển” của Quảng Nam.

XA VĂN HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mạch ngầm lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO