Với các nhà thơ, “khai bút” vẫn được xem là một mỹ tục để đánh dấu sự khởi đầu của một năm. Ở đó, họ ghi dấu sự thăng hoa về phút giây nguyên đán của đất trời và lòng người. Ở đó, họ có dịp bộc lộ, tỏ bày những ý nghĩ chợt hiện về nhân sinh mang tính “lập ngôn” hoặc là một ước nguyện đầu năm mới... Thơ khai bút, vì thế thường đẹp, chất chứa bao nhiêu ước mơ, hy vọng và tạc dựng được khá rõ dáng vóc tâm hồn của mỗi người thơ. Ví như trong bài thơ khai bút Tết Bính Thân 2016 của tác giả La Trung, hội viên Hội VHNT Quảng Nam dưới đây, mỗi ý, mỗi lời đều ngạt ngào hương sắc:
Mùa xuân muôn đời vẫn là mùa của thi ca và tình yêu. Trong ảnh: Chương trình thơ Nguyên tiêu trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức hằng năm là một sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc, vừa là dịp để tôn vinh thơ ca.Ảnh: P.C.A |
Xuân tỏa hương lành thơm khắp nẻo
Nắng bừng ngũ sắc ấm trời quê
Đầu năm chắp bút gieo lời thiện
Chúc bạn cùng ta đẹp mọi bề
Cùng với mỹ tục khai bút đầu năm, từ 14 năm nay, ngày hội thơ Nguyên tiêu trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam diễn ra vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm cũng đã trở thành một thông lệ, một sinh hoạt văn hóa đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc của những người làm thơ và yêu thơ trên khắp đất nước Việt Nam. Năm nay, chương trình thơ Nguyên tiêu với chủ đề “Mừng xuân, mừng Đảng” do Hội VHNT tỉnh và UBND huyện Đại Lộc phối hợp tổ chức sẽ diễn ra vào tối 21.2 (14 tháng Giêng âm lịch) tại Đền tưởng niệm Trường An (xã Đại Quang, Đại Lộc). Chương trình bao gồm khoảng 20 tiết mục trình diễn thơ, nhạc phổ thơ ngợi ca mùa xuân, tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng quang vinh... do hội viên các chi hội Văn học, Âm nhạc, Sân khấu trực thuộc Hội VHNT tỉnh, hội viên các câu lạc bộ thơ-nhạc huyện Đại Lộc cùng một số nghệ sĩ đến từ Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh thể hiện. |
Cũng khởi đi từ những thăng hoa trong trẻo như thế, tết này nhiều anh em văn nghệ Quảng Nam đã khai bút - khai mở tâm hồn cho riêng mình và cũng để chia sẻ cảm xúc cùng tha nhân. Phút chuyển giao của thời gian dường như luôn đem đến cho họ nhiều cảm xúc mới, an lành:
Đất trời chuyển dạ giao thừa
Nở ra một nụ xuân ca mùa màng
(Vũ Thiên Tường)
Ngay cả khi nhìn những chiếc lá rơi trong heo may xuân, thay vì nghĩ về sự kết thúc, họ lại nghĩ đến sự bắt đầu. Tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm và tình yêu cuộc sống thiết tha đã “dẫn đường” cho thơ họ đến với những bến đỗ ngọt ngào, những dự cảm tươi xanh tràn trề hy vọng:
Lá non dâng lộc cho đời
Người về hy vọng đất trời nguyên xanh
(“Lá rơi”, Phạm Thông).
Ngay cả khi đất trời “đỏng đảnh”, “làm mình làm mẩy” trong thời khắc chuyển giao cũ-mới, họ vẫn nhận ra được hơi xuân ấm nồng của cội nguồn máu thịt, của tình quê, tình đất, tình người. Và mạch thơ lại chảy về phía những bình dị thơm thảo, những hân hoan đợi chờ...
Rừng khuya lộc biếc trĩu cành
Nén hương cha thắp nở thành bông hoa
Bánh in bánh tổ bánh da
Thơm bàn tay mẹ làm ra giao thừa
Rừng khuya xuân lạnh và mưa
Vẫn nghe ấm sợi nắng trưa quê nhà
(“Giao thừa”, Huỳnh Trương Phát)
Hòa điệu tâm hồn vào không gian thanh tân tươi mới của đất trời nguyên xuân, mỗi người thơ đã tìm được cho riêng mình những rung cảm đẹp. Và trong những khoảnh khắc giao hòa giữa cảnh sắc và lòng người ấy, thơ lại ngân lên những khao khát yêu đương.
Em ơi xuân đã về chưa
Lòng anh trổ ngọt giao thừa đã lâu
(“Lửa xuân”, Nguyễn Kim Thịnh)
Đúng như ai đó từng nói, mùa xuân muôn đời vẫn là mùa của tình yêu, của lứa đôi, của hẹn hò... Giữa rộn ràng phơi phới tân xuân, họ càng có thêm nhiều cơ hội để “tìm thấy” nhau hơn, trong khao khát, mê say...
cây giấu lộc đợi chờ mai mốt trổ
anh giấu em tận cuối trái tim mình
và vẫn đợi, vẫn chờ đêm nguyệt nở
nhận ra còn nguyên vẹn cõi bình minh
(“Lộc em”, Nguyễn Tấn Sĩ)
Dọn lòng tinh tươm nguyên đán, thơ xuân, thơ khai bút của các cây bút thơ xứ Quảng tết này nồng nàn, trong trẻo và tươi tắn, góp phần làm nên những dấu gạch nối đẹp, kéo dài và lan tỏa cảm xúc ra khắp chung quanh. Và cứ thế, mạch thơ mượt mà chảy suốt nguyên xuân, góp thêm hương sắc cho vườn thơ xứ sở...
BẢO ANH