Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh triển khai trong 5 năm qua đã trở thành một trong những hoạt động xã hội hiệu quả của các cấp công đoàn (CĐ) trong toàn tỉnh.
Hiệu quả
Ông Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh chia sẻ, chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” khi bắt đầu triển khai gặp không ít khó khăn vì nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) về ý nghĩa của chương trình. Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân nói chung, CNVCLĐ nói riêng còn nhiều khó khăn; sự tác động của suy thoái kinh tế dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng đến triển khai thực hiện vận động nguồn quỹ… Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các cấp CĐ, đến nay chương trình đã thu được những kết quả tích cực.
Ông Phan Minh Á - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn”. Ảnh: ANH ĐÔNG |
Để tạo sự lan tỏa cho chương trình, các cấp CĐ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể tại địa phương, đơn vị. Qua từng năm, chương trình ghi nhận nhiều cách làm hay từ cơ sở, đơn cử như việc xây dựng kế hoạch vận động theo quý, thu thành nhiều đợt hoặc triển khai vận động trong Tháng công nhân… Ngoài việc vận động CNVCLĐ ủng hộ, CĐ các cấp còn vận động gia đình, người thân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi người lao động được hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” đóng góp ngày công, vật tư… tạo thêm nguồn lực cho các gia đình CNVCLĐ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở. Nhiều trường hợp sau khi hoàn thành xây dựng nhà còn được hỗ trợ thêm các đồ dùng thiết yếu như bàn ghế, chăn màn, tivi… Đồng hành với chương trình còn có Quỹ Tấm lòng vàng, Quỹ Thiện tâm, LĐLĐ các tỉnh, thành phố và các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Đặc biệt, để phát huy hiệu quả của chương trình, LĐLĐ tỉnh đã dựa theo tình hình hàng năm để thay đổi mức vận động đóng góp quỹ và mức hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở. Nếu như năm 2010 - 2012, mức vận động tối thiểu là 1/2 ngày lương/người/năm, thì đến năm 2013, 2014 LĐLĐ đã vận động 20 nghìn đồng/người/năm với đối tượng là công nhân, lao động và 50 nghìn đồng đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm phù hợp với tình hình thực tế về thu nhập, đời sống, việc làm của CNVCLĐ trên địa bàn. Cùng với đó, những năm đầu thành lập, từ nguồn quỹ vận động, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà sửa chữa và 25 triệu đồng/nhà xây mới, đến nay đã nâng mức hỗ trợ lên 15 triệu đồng/nhà sửa chữa và 30 triệu đồng/nhà xây mới.
Hoạt động xã hội trọng tâm
Tính đến nay, các cấp CĐ đã vận động đoàn viên, CNVCLĐ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp Quỹ “Mái ấm công đoàn” và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng. Từ nguồn vận động trên, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây mới 289 nhà, sửa chữa 8 nhà ở cho CNVCLĐ khó khăn với kinh phí gần 8 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp CĐ trong toàn tỉnh còn vận động hàng nghìn ngày công lao động, vật tư, vật liệu xây dựng và nhiều đồ gia dụng có giá trị hỗ trợ các gia đình khi xây dựng, sửa chữa nhà. |
Với những kết quả trong việc thực hiện chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” 5 năm qua, LĐLD tỉnh đặt mục chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát trong CNVCLĐ. Mỗi năm phấn đấu huy động Quỹ “Mái ấm công đoàn” đạt từ 2 tỷ đồng trở lên, đồng thời phấn đấu mỗi năm xây dựng, sửa chữa 50 - 60 nhà ở cho đoàn viên, CNVCLĐ gặp khó khăn về nhà ở. Theo ông Hà Diện - Chủ tịch Công đoàn viên chức tỉnh, CĐ các cấp cần nghiên cứu đổi mới hình thức vận động, bên cạnh vận động đoàn viên, CNVCLĐ thì nên mở rộng ra các tổ chức, đơn vị ngoài xã hội để tạo sự lan tỏa và tính hiệu quả cho chương trình. Đồng thời nên xem lại mức hỗ trợ cho các đối tượng, vừa đúng người vừa đáp ứng nhu cầu… Trong khi đó, ông Ngô Tình - Chủ tịch LĐLĐ Duy Xuyên đề nghị, dù mức hỗ trợ còn ít nhưng các cấp CĐ cần triển khai như thế nào để cho đối tượng thụ hưởng và gia đình, người thân, hàng xóm thấy được ý nghĩa của chương trình, thấy được sự quan tâm của tổ chức công đoàn với đoàn viên, CNVCLĐ của mình.
Ông Lưu Văn Thương cho biết, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tiếp tục xác định chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” là một trong những chương trình nòng cốt trong các hoạt động xã hội của các tổ chức CĐ. Vì vậy, thời gian đến các cấp CĐ cần triển khai rộng khắp về ý nghĩa chính trị, xã hội và tính nhân văn của chương trình này. Các cấp CĐ cần làm cho các cấp ủy đảng, chính quyền, chủ sử dụng lao động, CNVCLĐ hiểu được ý nghĩa để đồng hành với chương trình. Những năm tiếp theo, LĐLĐ tỉnh tùy theo tình hình kinh tế, thu nhập của người lao động để thay đổi mức vận động và hỗ trợ. Đặc biệt, các cấp CĐ cần làm tốt việc khảo sát đối tượng để hỗ trợ đúng địa chỉ. Ông Thương cũng đề nghị các cấp CĐ cần đa dạng hóa hình thức huy động, không chỉ trong CNVCLĐ mà nên mở rộng đối tượng tham gia đóng góp và mở rộng đối tượng thụ hưởng.
ANH ĐÔNG