Khoảnh vườn sau nhà sũng nước từ những cơn mưa đông nối đêm vào sáng để mặt đất bắt đầu xanh rêu. Mấy bức tường ngoài mé hiên cũng đủ ẩm ướt theo những cơn gió hun hút thổi từ mặt sông mờ sương giăng mỗi sáng.
Đất trời đã bước qua tháng Chạp, tiết trời khi se lạnh giữa nắng vàng tươi trong, khi rét buốt trong mưa dầm rỉ rả. Ấy là khi tôi có cái niềm vui náo nức được theo ngoại ra vườn lặt lá mai chuẩn bị đón những ngày đầu năm ấm áp sắc vàng, dịu dàng thơm hương của hoa mai mãn khai dịp tết.
Một mùa tết nào đó lâu quá chừng lâu ngược về thơ dại, bàn tay bé nhỏ của tôi lần đầu được ngoại bày cho cách lặt lá mai. Năm đó tiết trời miền Trung lạnh lẽo, qua tháng Chạp rồi mà mưa lướt thướt khiến cây mai ngoài vườn da dẻ cứ mốc meo, nụ mầm trốn hoài không chịu nhú.
Ngoại ngó trời, ngó đất, bấm đốt ngón tay tính ngày rồi đăm chiêu. Sáng hôm sau trời bỗng ấm lên, tiếng ngoại nghe chừng hớn hở: “Sáng ni mình tranh thủ trời xởn, ra vườn lặt lá mai thôi con!”.
Tôi đội chiếc nón lá te tua bám theo chân ngoại ra vườn. Nắng vừa đủ ấm, gió vừa đủ lạnh, đôi bàn tay tôi vừa đủ với tới mấy cành lá thấp lặt từng chiếc lá thả bay vào khoảng trời đông. Ngoại đứng trên chiếc ghế đẩu, chậm rãi, chăm chú lặt hết cành này mới chuyển qua cành khác.
Tôi hỏi với lên sao ngoại không tuốt cho nhanh mà lặt chi từng lá cực vậy đến bao giờ mới xong. Ngoại nói người chăm mai thì phải học hạnh kiên nhẫn, phải biết chú tâm tới từng chiếc lá nào cần lặt bớt, phải học nâng niu từng chồi xanh dẫu chưa thấy được hình hài.
Có thế mới mong được mai đền đáp, chứ tuốt trụi lủi cho xong thì sẽ làm hư hỏng mầm cây, mai sẽ giận đâu có chịu trổ nụ đơm bông cho mình ngắm tết. Sau này khi ngoại đã xa và mai vườn nhà cũng không còn nữa, những khi thoáng bắt gặp hình ảnh người ta lặt lá mai mỗi độ tháng Chạp về, tôi lại ngơ ngẩn nhớ lời ngoại về đối đãi của người và cốt cách của mai.
Có năm trời lạnh quá, nhành mai ngoại cắm trong chiếc lộc bình men lam chưng giữa nhà có vẻ không chịu trổ bông kịp tết, mặc cho lá đã được lặt kỹ lưỡng và nụ đã trổ kim chi chít trên cành lớn cành bé.
Chiều ba mươi Tết, ngoại nấu một ấm nước sôi rồi pha với nước mưa thành một thau nước âm ấm để thay nước lộc bình, nét mặt đầy thành tâm như đang khấn cầu mong mỏi. Sáng mùng một tôi theo ngoại dậy từ mờ sớm, hồi hộp lên nhà trên mà ngóng mai nở.
Bóng ngoại khoác áo tràng lặng yên lần hạt trước bàn thờ Phật, trong làn hương trầm lãng đãng vấn vít khói lam. Những bông mai vàng đầu tiên nhẹ nhàng nở đều năm cánh mong manh, chào đón ngày đầu năm bằng làn hương dịu dàng thanh khiết, trong tiết giao thời tinh khôi.
Tôi trôi đi, trôi mãi, trong cảm khái tràn đầy, trong hân hoan thơ trẻ, không hề biết rằng những làn hương ấy, những sắc màu ấy rồi sẽ theo tôi đi đến bao phương trời lạ, rồi sẽ luôn gọi tôi về với một nẻo tết quen.
Đã bao mùa tết tha phương, tôi lại nhớ bài học lặt lá mai của ngoại ngày thơ mà sửa soạn lại mình. Mai của tết thơ, mai của bây giờ và mai muôn thuở vẫn thanh tao là thế.