Cử nhân Mai Dị là người đã đi suốt hai cuộc “duy tân”: Phong trào Duy tân (1904-1908) và khởi nghĩa của vua Duy Tân (1916), nhưng ngày nay ít người biết một cách đầy đủ về ông.
Tham gia hai cuộc “duy tân”
Mai Dị sinh năm 1880 tại làng Nông Sơn, huyện Diên Phước (nay là xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn), trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước. Cha ông là Tú tài Mai Luyện từng tham gia Nghĩa hội Quảng Nam dưới thời Nguyễn Duy Hiệu bị hài tội “chết không được lập bia”. Mẹ ông là bà Huỳnh Thị Lý, người làng Minh Hương, Hội An, rất đảm đang và cũng rất kiên cường.
Mộ cụ Mai Dị ở Điện Phước, Điện Bàn.Ảnh: LÊ THÍ |
Từ nhỏ Mai Dị học rất giỏi, được Phan Châu Trinh đánh giá “Mai Dị và Phan Khôi là hai tiến sĩ tương lai của Quảng Nam”. Chịu ảnh hưởng của các bậc thức giả đàn anh, Mai Dị đã sớm tìm đọc Tân thư. Năm 1906 ông đỗ cử nhân nhưng không chịu ra làm quan, ở nhà tham gia phong trào Duy tân. Ông là một trong những nhân sĩ đầu tiên của Quảng Nam tham gia cắt tóc ngắn và mặc âu phục lúc bấy giờ. Chuyện kể, một ngày mùa đông năm 1906, Phan Châu Trinh sau khi đi Nhật về với mái tóc cắt ngắn cùng bộ đồ tây rất “mốt” đi thăm các cơ sở duy tân ở Điện Bàn và đã vận động các thân sĩ ở đây cúp tóc. Mai Dị là người thực hiện đầu tiên, tiếp đó là Phan Khôi, Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư. Sau đó vài ngày có hàng trăm người tham gia. Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cũng tham gia cắt tóc ngắn trong dịp này. Ông là giáo sư của trường Diên Phong cùng với Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài. Cũng năm 1906, theo lời mời của Trần Quý Cáp, một phái đoàn Duy tân từ Hà Nội vào thăm Quảng Nam để tìm hiểu tình hình và kết liên hoạt động do nhân sĩ nổi tiếng Bắc Hà là Dương Bá Trạc dẫn đầu. Đoàn đã đến và ở lại nhà ông. Vì mối quan hệ này mà sau đó ông được cử ra Bắc với tư cách phái viên của phong trào Duy tân Quảng Nam. Ông cùng Phan Khôi được Phan Châu Trinh giao nhiệm vụ đem bài “Đầu Pháp chính phủ thư” ra Hà Nội giao cho Babut dịch sang tiếng Pháp và gửi cho Toàn quyền Đông Dương (Babut là bạn với Phan Châu Trinh, Chủ bút tờ báo Đăng cổ, là thành viên của Hội Nhân quyền của Pháp, sau này đã đấu tranh mạnh mẽ cho việc ân xá Phan Châu Trinh).
Năm 1908, nhân cuộc biểu tình chống thuế ở Quảng Nam, Mai Dị và Phan Khôi bị bắt ở Hà Nội, kêu án 3 năm đưa về giam ở nhà lao Hội An. Châu bản số 9 của triều Duy Tân ngày 29.8.1908 viết: “… Lê Dư càn quấy diễn thuyết, mỗi nơi chỉ trích phỉ báng quan lại; Mai Dị, Phan Hoài (Khôi), Nguyễn Bá Trác, không xin phép tự tiện đi Bắc kỳ… Mai Luyện, Nguyễn Nhự xuất vốn buôn tương đối nhiều, cử chỉ có nhiều điều phóng túng… xin đều xử trượng 100 đồ 3 năm…”.
Mãn hạn tù trở về, được mời làm tri phủ nhưng Mai Dị từ chối.
Năm 1916, ông tham gia cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo. Ông đã bán một phần tài sản của mình để đóng góp cho cuộc khởi nghĩa, làm công tác vận động kinh tài và là người thay mặt vua Duy Tân thảo các hịch kêu gọi nhân dân đứng dậy khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thất bại, các nhân vật chủ chốt bị bắt, ông cũng bị bắt ở Hà Nội bị kêu án 3 năm tù và đưa về giam ở nhà lao Hội An.
Bản án sau này có người cho là quá nhẹ so với các đồng chí của ông vì ông là nhân vật chủ chốt. Nhiều người cho là nhờ ông đã có thơ xướng họa cùng Tổng đốc Quảng Nam lúc bấy giờ. Nhưng sự thực là nhờ sự lanh trí của vợ ông và sự kiên cường của các đồng chí.
Sau khi ra tù, theo lời mời của Nguyễn Bá Trác, Mai Dị ra Huế tham gia viết sách. Nhận thấy việc viết sách phục vụ cho nhiệm vụ khai dân trí cũng là việc cần thiết nên ông nhận lời. Ông là đồng tác giả của “Thừa Thiên đăng khoa lục”, “Thừa Thiên địa dư chí”, “Tự điển Hán Việt”.
Vào cuối đời do bi phẫn về tình hình đất nước lại làm việc quá sức, ông bị bệnh lao và mất ở Huế năm 1928, được chôn trên núi Ngự Bình. Năm 1989 gia đình và chính quyền mới đưa về an nghỉ ở quê nhà. Mộ ông đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005.
Hai người đàn bà
Suốt đời Mai Dị đã mang ơn hai người phụ nữ tuyệt vời, đó là mẹ ông và vợ ông. Mẹ ông là bà Huỳnh Thị Lý, một người đàn bà dũng cảm và hết lòng vì chồng con. Năm 1908, sau cuộc biểu tình chống thuế, cụ Mai Luyện bị quản thúc tại nhà, tước cả danh vị tú tài và tịch thu toàn bộ vốn hùn trong hợp thương, còn Mai Dị bị bắt và kêu án tù 3 năm. Bà đã làm đơn kiện lên Toàn quyền Đông Dương. Trong đơn kiện bà đã làm một luật sư “cãi” tội cho chồng và con.
Bà cho rằng việc tước bỏ danh vị tú tài và quản thúc tại làng đối với chồng bà là vô lý vì ông Mai Luyện đăng ký góp 100 đồng vào Hội thương chỉ để kiếm lời và được sự cho phép của quan Công sứ, vả lại ông chỉ mới góp có 30 đồng mà thôi. Còn việc buộc tội con bà là Mai Dị, bà cũng cho là không có chứng lý:
- Về tội mặc âu phục và cắt tóc ngắn, bà cho là do bắt chước các ông tú, ông cử và học sinh của trường Pháp ở Huế. Mặt khác đây là một cải cách tốt mà nhà nước cũng chẳng hề ngăn cấm.
- Về mối quan hệ với ông Phan Thúc Duyện, bà cho đó là mối quan hệ bình thường giữa những người đồng hương không phải là đồng chí với nhau được vì sự chênh lệch về tuổi tác địa vị. Nếu có mối quan hệ đồng hương thì chẳng có tội tình gì cả.
- Việc đi khỏi làng mà không xin phép là do đi học quá gấp không có thì giờ, vả lại ra Hà Nội là đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không việc gì phải xin phép.
Cuối đơn kiện bà kết luận: “Tóm lại con tôi không vi phạm một điều luật nào” nên “việc kết án 3 năm tù là quá bất công và gieo cho chúng tôi nỗi bất hạnh lớn lao”, “vì thế phải trả tự do ngay cho con tôi để nó có thể đỡ đần cho vợ chồng chúng tôi trong những ngày tháng già nua tuổi tác”. Lá đơn kiện của bà hiện còn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại Pháp (Centre des Archives d’Outre-mer), ở thành phố Aix-en-Provence.
Năm 1916, khi cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân thất bại, các lãnh tụ bị bắt, có một người bà con ở Đà Nẵng chạy về báo cho gia đình Mai Dị biết “đại sự đã vỡ, Mai Dị bị bắt”, bà Nguyễn Thị Bài, vợ ông đã đem toàn bộ giấy tờ, sách vở, thơ văn của ông ra đốt. Hôm sau lính về xét nhà không tìm thấy bất cứ một tài liệu nào để làm bằng chứng khép tội ông, nhờ thế ông chỉ bị kết án 3 năm. Với vai trò quan trọng của ông trong cuộc khởi nghĩa ai cũng nghĩ thế nào ông cũng bị tử hình hay ít nhất cũng khổ sai chung thân, và bản thân ông cũng nghĩ là mình bị chết nên khi vợ đến thăm ông đã nói lời vĩnh biệt: “chết sống là lẽ thường chỉ mong mình về phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi đàn con là tôi chết mãn nguyện rồi”.
Vì sự kiện này, sau này khi ở tù về Mai Dị đã than thở “thoát tội nhưng sự nghiệp cũng tiêu tan”. Cũng chính vì thế dù sáng tác rất nhiều, hiện nay thơ văn của Mai Dị còn lại rất hiếm.
LÊ THÍ