Đình Trà Sơn (xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) mang dáng vẻ uy nghiêm, trầm mặc. Sự độc đáo xen lẫn chút kỳ bí của di tích này trải qua sau bao thăng trầm là điều mà ai cũng muốn khám phá.
Đình Trà Sơn được xây dựng từ năm 1849.Ảnh: Q.TUẤN |
Cùng với 12 di tích khác trên toàn tỉnh, đình Trà Sơn được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 619/QĐ-UBND để công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây được xem là niềm vui với những người luôn đau đáu về việc bảo tồn những di tích mà các bậc tiền nhân để lại, nhất là với các cụ cao niên của làng Trà Sơn. Đình Trà Sơn dựng từ năm 1849. Tư liệu xác tín là dòng chữ khắc trên đòn đông về ngày tháng hoàn thành ngôi đình vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn. Đó là dòng chữ Hán: “Tự - Đức – Tam – Niên – Tuế - Thứ - Canh – Tuất – Quý – Đông – Nguyệt – Kỉ - Sửu – Nhật – Mậu – Dần – Thời – Vọng – Tạo – Thượng – Lương” nghĩa là hoàn thành vào giờ Mậu Dần, ngày Kỉ Sửu, tháng Quý Đông, năm Tự Đức thứ ba – Canh Tuất (1849).
Theo lời cụ Trần Đại Kha, gần 80 tuổi, trưởng ban quản lý đình làng Trà Sơn thì ở thời phong kiến đình hay gọi là Chùa làng sau đó đến thời Pháp đổi sang là Sở tiền hiền trước khi có tên gọi như ngày nay. Do trước kia, khu vực này có rừng, bụi rậm bao phủ nên từng là căn cứ hội tụ của những nghĩa sĩ tham gia phong trào Cần Vương kháng Pháp mà tiêu biểu là ông Trần Chiểu từng thi đậu cử nhân, người làng Trà Sơn nay vẫn còn bia lưu niệm ông ở thị trấn Hà Lam. Rồi có thời điểm, nơi này là chỗ xử kiện của lý trưởng trong làng, lúc đó trong làng có “thủ khoán” tức người canh giữ rừng, chỉ khi người này cho phép mới được chặt đốn cây trong rừng. Trước cổng rừng có đóng cọc cao, treo rọ heo ai vi phạm sẽ phải nộp heo bắt vạ.
Dòng chữ Hán chứng minh thời điểm hoàn thành vẫn còn lưu lại trong ngôi đình. |
Những năm sau Cách mạng tháng Tám, đình Trà Sơn trở thành trường học để thúc đẩy phong trào bình dân, học vụ. Rất tiếc, trong khoảng thời gian này một số am thờ trong đình đã bị phá bỏ để lấy không gian làm chỗ dạy và học; mãi đến mấy chục năm sau mới được phục dựng. Năm 1968, khi chiến tranh đang trong giai đoạn cao trào, gần như toàn bộ dân làng Trà Sơn đều đi theo cách mạng nên quân Mỹ rất tức tối huy động, ép buộc người dân xã Bình Trung phải khai hoang, chặt bỏ hết rừng khu vực quanh đình Trà Sơn, nơi được cho là căn cứ đầu não của cách mạng vùng này.
Chính vì điều đó mà rất nhiều cây rõi cổ thụ bị chặt phá; hiện còn sót lại hai cây như chứng tích một thời. Có một giai thoại được nhiều người dân ở đây truyền miệng nhau rằng, những người lính có dự định chặt nốt luôn hai cây rõi kia nhưng không biết vì lý do gì nhiều người tham gia chặt rõi trước đó bỗng ốm đau dặt dẹo. Thế là từ đó họ không dám bén mảng tới hai cây rõi đó nữa. Một điều lạ lùng nữa là dù thường xuyên bị địch dội pháo, bom ca nông vào khu vực này trong nhiều năm nhưng ngôi đình Trà Sơn lại hầu như nguyên vẹn. Ngày nay, trên mái cột, kèo trong đình vẫn còn chứng tích một vài dấu vết của đạn pháo văng mảnh trúng thủng lỗ chỗ.
Cũng như nhiều di tích linh thiêng khác, đình Trà Sơn là nơi ghi dấu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân một thời. Trong hồi ức của ông Trần Vỵ, năm nay đã 103 tuổi, vào những thập niên đầu thế kỷ XX kể cả sau năm 1945, một số lần thôn Tứ Sơn, xã Bình Trung bị đại dịch kiết lị, đậu mùa khiến người bệnh nằm la liệt khắp đầu thôn cuối xóm, nhiều bậc cao niên trong làng thường ngày đêm đến quỳ lạy, cúng bái ở đình Trà Sơn để cầu mong an lành. Trước đây, tại di tích này suốt từ mùng 1 đến mùng 7 tháng Giêng luôn tổ chức hội Gò đu, tức đánh đu quay vừa để cho người dân trong làng sinh hoạt ngày xuân vừa là hoạt động mở ngõ, khai ấn tiễn đưa các vong hồn qua đường. Bây giờ hàng năm đình Trà Sơn có hai ngày lễ, vào ngày 13 tháng Giêng có lễ cúng cô bác, những vong hồn lưu lạc bởi chiến tranh loạn lạc và ngày 12 tháng Ba âm lịch có lễ giỗ ông tiền hiền của làng.
Nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của những bậc cao niên trong làng Trà Sơn, hai năm gần đây nhiều hoạt động vui xuân truyền thống lành mạnh như kéo co, đập om, bắt vịt… đã được phục hồi tổ chức trở lại trong ngày hội đình giúp di tích thêm rôm rả trong ngày lễ, con cháu khắp nơi về tế lễ và tham dự rất đông. Xung quanh ngôi đình hiện còn có hai di tích khác là nghĩa trủng và Sở tam vị. Từ quần thể di tích này phóng tầm mắt ra xa xa, một con lạch nhỏ chảy quanh co giữa đồng lúa bát ngát càng khiến người đến đây cảm nhận sự yên bình của cảnh vật miền quê xứ Quảng.
QUỐC TUẤN