Trường Ngọc Bích, bến đò Ngọc Bích, thôn Ngọc Bích (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) đều là những danh xưng được đặt theo tên của người chiến sĩ cách mạng đầu tiên của xã Ngọc Thọ xưa, phường Trường Xuân và xã Tam Ngọc nay: Nguyễn Ngọc Bích.
Nguyễn Ngọc Bích sinh năm 1921, tại xóm Đồng Sim, xã Ngọc Thọ, phủ Tam Kỳ (nay là khối phố 5, phường Trường Xuân, Tam Kỳ) trong một gia đình nông dân nghèo. Những người anh của ông là Nguyễn Kiểu, Nguyễn Ngọc Toản và hai người em là Nguyễn Thị Nhân và Nguyễn Ngọc Châu sau này đều tham gia hoạt động cách mạng. Thuở nhỏ, ông học Trường Tiểu học Pháp - Việt Tam Kỳ. Là người thông minh, tính tình điềm đạm, chan hòa với mọi người, gia đình và bạn bè ai nấy đều quý mến. Đến năm 1938, ông thi đậu vào học Trường Quốc học Huế. Tại đây ông được các đồng chí Nguyễn Dậu (sau là Bí thư Chi bộ Sông - là chi bộ ghép gồm Trường Xuân, Xuân Trung, Phú Ninh, Ngọc Thọ) và đồng chí Đào Đắc Trinh tuyên truyền giáo dục cách mạng. Cộng với sự tiếp thu sách báo tiến bộ nên ông sớm đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1940 trong phong trào học sinh - sinh viên ở Huế. Đầu năm 1941, sau khi thôi học, ông về mở lớp dạy học tại nhà, sau đó đến dạy ở nhà ông Nguyễn Mô, cuối cùng là dạy ở trường Xóm Đồng, tức trường Ngọc Thọ. Đến tháng 6.1941, ông được các đồng chí Dậu, Trinh giới thiệu và kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thôn Ngọc Bích (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) được lấy theo tên người chiến sĩ cách mạng quê hương. |
Là một thầy giáo, chẳng những ông tận tâm với nghề nghiệp để nâng cao kiến thức văn hóa cho học sinh mà còn giáo dục, giác ngộ học trò về tinh thần cách mạng. Ngoài những giờ dạy văn hóa, ông kể cho học sinh nghe về chuyện các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thanh…, đặc biệt là chuyện Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước.
Sự trưởng thành và giác ngộ cách mạng của ông ngoài sự giúp đỡ của các đồng chí đảng viên trong Chi bộ Sông, bản thân ông đã có sự cố gắng rất lớn. Với tinh thần học hỏi, cầu tiến, ông tìm đọc các sách báo như tờ Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, tiểu thuyết “Quả dưa đỏ” của Nguyễn Trọng Thuật, văn thơ yêu nước của Phan Châu Trinh… Với sự trưởng thành tư tưởng cách mạng, ông được Đảng phân công phụ trách hoạt động cách mạng ở xã Ngọc Thọ, và cùng với đồng chí Đào Đắc Trinh chịu trách nhiệm vùng Phước Lợi (xã Tam Thái, Phú Ninh ngày nay). Phong trào tổ chức quần chúng hoạt động cách mạng phát triển rất mạnh mẽ nơi đây. Trường Ngọc Thọ, nơi ông dạy học, cũng trở thành điểm sinh hoạt của tổ chức đảng xã Ngọc Thọ lúc bấy giờ.
Mộ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ngọc Bích tại Nghĩa trang liệt sĩ phường Trường Xuân, Tam Kỳ. |
Ông hoạt động mạnh mẽ trong phong trào vận động quần chúng chống liên đoàn dầu phụng do Pháp lập ra. Tham gia cuộc mít tinh tại núi Quánh, Phú Ninh và rải truyền đơn, treo cờ ủng hộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, phản đối địch khủng bố khởi nghĩa Nam kỳ. Ngoài ra ông còn tham gia nhiều cuộc mít tinh ở Gò Trời (Trường Xuân) do Chi bộ Sông tổ chức. Thường xuyên cùng các đồng chí cách mạng như Nguyễn Giáo, Nguyễn Phùng Xuân, Nguyễn Chiêm, Nguyễn Trát tổ chức các cuộc đi săn ở Đèo Xoài, núi Trà Quân, Đức Bố… nhưng thực chất là tuyên truyền hoạt động cách mạng.
Khi phong trào cách mạng hoạt động sôi nổi ở đây, bọn quan lại, tòa đại lý, mật thám nghe tin và ráo riết khủng bố. Chúng tra khảo quần chúng nhân dân để tìm ra tung tích nhưng tuyệt nhiên không một ai khai báo. Thế nhưng sau một thời gian theo dõi, bọn chúng đã bắt được ông cùng đồng chí Đào Đắc Trinh trong đêm 15.4.1942. Bọn địch đem ông cùng đồng chí Trinh giam giữ ở nhà lao Tam Kỳ 3 tháng rồi đưa ra nhà lao tỉnh ở La Qua. Sau đó chúng đưa ông đến nhà lao Hội An. Ở đây có một tên cai tù khét tiếng tàn bạo tên Lộc. Để đối phó với việc đấu tranh của tù chính trị, chúng cho tù nhân ăn cơm lạt, uống nước lạnh để cơ thể các đồng chí bị phù, kiết. Dù bị tra tấn, đánh đập dã man nhưng Nguyễn Ngọc Bích vẫn kiên quyết không khai báo điều gì. Đến khi bị bệnh kiết lỵ, không có phương cách cứu chữa, ông đã hy sinh ngày 2.2.1944 tại nhà lao Hội An. Đến năm 1986, hài cốt của ông được đưa về an táng tại Nghĩa trang Trường Xuân.
Thời gian hoạt động cách mạng của ông tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng anh dũng. Sự hy sinh của ông là một tổn thất lớn cho phong trào cách mạng của nhân dân và Đảng bộ Ngọc Thọ bấy giờ, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho đồng đội, nhân dân. Trường Ngọc Thọ được nhân dân gọi tên là Ngọc Bích (nay đã đổi tên là Trường Tiểu học Trần Quý Cáp, xã Tam Ngọc) để tưởng nhớ ông. Bến đò tại một đoạn sông Tam Kỳ thuộc thôn Trà Lang, xã Tam Ngọc cũng được gọi bằng cái tên Ngọc Bích. Rồi một thôn trong xã Tam Ngọc cũng được lấy theo tên ông đặt thôn Ngọc Bích. Với nhân dân Tam Ngọc - Trường Xuân, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ngọc Bích mãi lưu danh và là niềm tự hào cho mảnh đất quê hương.
NGUYỄN TƯỜNG QUÂN