(QNO) - Tròn 14 tuổi tham gia du kích địa phương, 19 tuổi bị địch bắt, trong ngục tù ông Lê Văn Tửu (SN 1950, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) vẫn sáng ngời ý chí cách mạng, một lòng kiên trung, bất khuất trước những đòn tra tấn của kẻ thù.
Ông Lê Văn Tửu kể, năm 1964, dù mới chỉ là cậu bé 14 tuổi nhưng đã xung phong tham gia du kích hoạt động tại vùng đông Duy Xuyên. Đây là mảnh đất kiên cường, dân kiên quyết trụ bám. Từ năm 1964 - 1969, lực lượng du kích của ông Tửu vừa phối hợp với bộ đội địa phương đánh vào Hội An, Hiếu Nhơn, Duy Xuyên vừa quấy phá lính Đại Hàn đóng tại Xuân Quang, Xuân Thái (xã Duy Phước ngày nay). Năm 1969, địch càn phá trắng vùng cát, bộ đội về phối hợp du kích địa phương đánh càn cả tháng trời. Tháng 5/1969 trong một trận đánh ông Tửu bị thương gãy chân, đồng đội chuyển đi không được, vậy là bị địch bắt.
Bất khuất trước kẻ thù
Tra tấn hỏi cung xong, ông Tửu được chuyển về Bệnh viện Hội An trong tình trạng bị thương, tóc tai cháy sém, máu me đầy người. Tuy nhiên, giặc vẫn xiềng chân ông vào giường, để đó không quan tâm gì, mọi sinh hoạt vệ sinh, ăn uống tại chỗ tự giải quyết. Khoảng 1 tháng sau, khi vết thương ổn định, địch chuyển ông ra Bệnh viện Duy Tân Đà Nẵng, giam trong phòng dành cho các tù binh cộng sản Việt Nam, rồi tiếp tục chuyển xuống Nhà lao Non Nước (còn gọi là trại giam tù binh vùng 1 chiến thuật). Giai đoạn này, địch bắt các tù binh phải chiêu hồi, phản cách mạng, ai từ chối sẽ bị đánh đập, tra tấn dã man. Nhiều người không chịu nổi đã chiêu hồi.
Tại trại giam Non Nước đám chiêu hồi rất hung dữ, chúng thay quân cảnh tra tấn tù binh. Sáng sớm và chiều đám chiêu hồi tập hợp tù binh ra trước cửa phòng hô khẩu hiệu phản cách mạng, ai từ chối sẽ bị đánh. Ông Tửu không chịu hô bị đánh dã man. Ròng rã 10 ngày, địch không khuất phục được nên chuyển ông Tửu xuống khu tù binh.
Tháng 4/1970, ông Tửu bị tra tấn một trận thừa sống thiếu chết do cáo buộc phá hoại trại giam khi vô tình nhìn một tù binh làm đàn từ miếng tôn lấy trong trại. Ông bị đưa lên khu B (nơi có nhiều bọn chiêu hồi) biệt giam tại phòng 18 khét tiếng lúc bấy giờ tra tấn. Chúng bịt mắt, trói 2 tay ông Tửu treo ngược lên cột sắt, chỉ có ngón chân út chạm đất, đau đớn thấu trời. Mỗi ngày ông Tửu bị tra tấn 3 lần, chúng nhét cơm trộn cát vô miệng rồi hắt nước vào. Thịt cánh tay bị trói hoại tử dần do dây điện siết chặt khiến máu không lưu thông. Đúng 20 ngày, bọn địch trả ông Tửu về trại. Người ông Tửu tàn tạ chỉ còn bộ xương với đôi mắt. Anh em bạn tù nhường cơm cháo, tìm thuốc men về chăm sóc ông Tửu. “Tôi không nghĩ mình còn sống” – ông Tửu nói. Đến nay cánh tay ông Tửu vẫn còn vết lõm, dù hơn 55 năm đã trôi qua.
Ngày 20/7/1970 địch đưa ông Tửu ra Phú Quốc cùng 120 tù binh. Vừa xuống sân bay, lập tức các tù binh bị khám xét, đánh đập dã man, vô tới trại ai cũng nằm liệt đất. Ông ở khu C10. Mỗi phòng có một trưởng phòng và vài tên trật tự (đều là tù binh do địch cử ra dưới sự chỉ đạo của quân cảnh). Đêm đầu tiên, nhóm tù binh phải nằm ngủ trên nền đất vừa dọn, gốc cỏ tranh vẫn còn bén ngót xóc vào lưng. Tại đây, mọi hoạt động đi đứng, nói chuyện đều bị theo dõi sát sao.
“Bọn chúng đối xử tù binh như súc vật, bất chấp luật tù binh quốc tế. Có khi nửa đêm quân cảnh đập cửa phòng ào vào tập họp điểm danh, ai không kịp ngồi dậy là bọn chúng dẫm đạp trên người, mục đích khủng bố gây hoang mang cho tù binh” – ông Tửu nhớ lại.
Cuối tháng 10/1970, ông Tửu và các tù binh quyết định đánh bọn trật tự. Như kế hoạch, 16 giờ 30 khi địch mở cửa để tù binh đi vệ sinh, tắm rửa, ăn cơm. Lúc trở lại trại, các tù binh không chịu vào, bọn trật tự xuống đàn áp, vậy là tất cả hô lên cùng đánh. Bọn tay sai hoảng sợ chạy ra ngoài rào. Các tù binh tiếp tục đấu tranh yêu cầu không để bọn chiêu hồi, trật tự trong trại. Địch nhượng bộ đồng ý. Chiều 30 Tết năm 1971, tù binh các trại tiếp tục đấu tranh, cùng hát vang bài ca giải phóng miền Nam, bọn địch ném lựu đạn cay vào đàn áp. Mặc dù bị kìm kẹp, nhưng ông Tửu và một số bạn tù vẫn lén lút liên lạc, kết nối thành lập chi đoàn trong tù.
Bắt quân cảnh làm tù binh
Đầu năm 1971, ông Tửu chuyển sang trại B8. Tại đây, địch tiếp tục đàn áp, khủng bố, nhốt chuồng cọp những ai chúng cho là “cứng” đầu, chống đối. Đồng thời, lặp lại thủ đoạn chiêu hồi, tuyên truyền làm lung lay tư tưởng ý chí tù binh. Đêm 6/5/1972 (kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ), địch lùa hơn 900 tù binh các phòng giam ra sân và vào lục xét trong phòng, sau đó tuyên bố tù binh chỉ được ăn ngày một bữa. Tù binh phản đối, quân cảnh mang dùi cui, chày vồ vào đàn áp các tù nhân đánh lại, bắt được 2 tên quân cảnh làm con tin. Địch đàn áp bắn súng vào giết chết 14 tù binh và bắt một tù binh đưa ra ngoài.
Trong tù sự sống cái chết mong manh, phần bệnh tật, phần bị giặc tra tấn, thủ tiêu. Thống kê cho thấy, từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973 hơn 4.000 tù nhân trên đảo Phú Quốc bị chết hoặc địch giết bằng nhiều thủ đoạn, cùng hàng chục nghìn người bị tàn phế"
Ông Lê Văn Tửu
Địch yêu cầu trại cử người ra đối thoại, một số tù binh quyết tâm đấu tranh đến cùng, nhưng cũng có người hoảng sợ nên tạm thời đồng ý đối thoại giải quyết với địch. “Chúng tôi đòi quyền dân sinh cơm nước, áo quần đầy đủ cho tù binh, địch đồng ý nhượng bộ và đòi mình trả 2 tên quân cảnh. Khi dẫn 2 tên này ra trao trả chúng tôi bắt chúng mặc đồ tù, đi chân trần, giày đeo trên cổ để cho bọn địch thấy chúng là những thằng thất trận” – ông Tửu nhớ lại.
Ngày 14/2/1973, ông Tửu được trao trả tại sân bay Lộc Ninh. Trở về với cách mạng, ông kể lại quá trình đấu tranh của bản thân trong tù và được tập thể chứng nhận. Đồng thời, được mời đi nói chuyện tại các sư đoàn về tinh thần đấu tranh bất khuất anh dũng của những tù binh yêu nước. Tháng 6/1974, ông Tửu được đưa ra Bắc, đến tháng 2/1975 về lại Duy Xuyên làm công an. Sau giải phóng ông quản lý trại giam ở Trà Lý, tháng 12/1992 nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá.
Ông Lê Văn Tửu Tửu cho rằng, nếu không có bản lĩnh, sự quyết tâm ông và nhiều tù binh sẽ dễ dàng nhụt ý chí bởi sự đàn áp dã man của kẻ thù. “Nhiều người mặc dù bị tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung, bất khuất. Đó không chỉ là ý chí, gan dạ mà còn là lòng tự trọng, nhân phẩm bản thân đối với quê hương, đất nước, nó không cho phép mình bỏ cuộc, buông xuôi hay phản bội” – ông Tửu bộc bạch.
Ông Lê Văn Tửu được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Hai (năm 1985) và gần nhất là Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Hai (2018).