Mai một làng nghề

PHAN NGUYÊN 08/09/2015 11:06

(QNO) - Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) vẫn đỏ lửa, nhưng ngọn lửa ấy không còn lan tỏa mà chỉ cầm chừng, nhằm duy trì nghề truyền thống cha ông để lại trước nguy cơ mai một.

Đổ đồng vào khuôn.
Đổ đồng vào khuôn.

Sáng 8.7, các nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều hoàn thành việc đổ đồng vào khuôn tượng mẹ Việt Nam anh hùng Văn Thị Thừa, liệt sĩ Lê Quang Sung và Liệt sĩ Hồ Nghinh và bàn giao các tượng trên cho UBND huyện Duy Xuyên vào ngày 9.9.

Mẹ VNAH Văn Thị Thừa, Liệt sĩ Lê Quang Sung, Liệt sĩ Hồ Nghinh đều là những nhà hoạt động cách mạng được sinh ra tại Huyện Duy Xuyên. Những tượng  trên do nhà điêu khắc Trần Đức lên khuôn và nghệ nhân Dương Ngọc Tiễn cùng 10 nghệ nhân làng Phước Kiều thi công đúc đồng. Đây là  3 tượng bán thân, mỗi tượng cao 70cm, nặng từ 40 - 50kg.

Có thể nói, việc thực hiện sản phẩm theo đơn đặt hàng như vậy không còn nhiều đối với người làm nghề tại Phước Kiều. Trước đây, Phước Kiều nổi tiếng với các sản phẩm như tiền, các tượng lưu niệm, cồng chiêng… được sử dụng trong cung đình và đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Theo nghệ nhân Dương Ngọc Tiễn, Phước Kiều hưng thịnh một phần phụ thuộc vào việc mua sắm cồng chiêng của đồng bào thiểu số. Cùng với quy luật phát triển của xã hội, sự mai một của vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là điều không tránh khỏi.

Khu trưng bày sản phẩm đúc đồng đang bị bỏ trống.
Khu trưng bày sản phẩm đúc đồng đang bị bỏ trống.

Trăn trở trước sự mai một của nghề đúc cồng chiêng, nghệ nhân Dương Ngọc Tiễn lặn lội đến vùng sâu vùng xa tìm kiếm đối tác, tạo cơ hội khôi phục làng nghề. Ngày trước, cả làng 80 hộ thì có đến 60 hộ sản xuất cồng chiêng, đến năm 2011 thống kê lại chỉ còn 29 hộ, hiện nay chỉ còn 10 hộ nhưng 6 hộ sản xuất thường xuyên và 4 hộ còn lại làm theo mùa lễ hội. “Hiện nay, số lượng thợ tham gia đúc, chế tác cồng chiêng các loại chỉ còn 15 người, nhưng làm được cồng chiêng cho vùng văn hóa cồng chiêng thì có 4 người (2 người đã trên 75 tuổi, 2 người còn lại cũng đã trên 50 tuổi) và chưa có đội ngũ kế thừa. Do nhiều người thu nhập không đủ sống nên đi làm ăn xa, phần còn lại từ sản xuất chuyển sang buôn bán” - nghệ nhân Dương Ngọc Tiễn chia sẻ.

Làng nghề cũng đã xây được khu trưng bày từ năm 2005 nhằm giới thiệu sản phẩm và đón tiếp khách du lịch; từ năm 2005 - 2012 có trưng bày sản phẩm nhưng hơn 2 năm trở lại đây đóng cửa thiếu vốn đầu tư. Theo nghệ nhân Dương Ngọc Tiễn, thời gian tới nếu đủ nguồn kinh phí, việc kết nối làng đúc đồng với các nghề truyền thống ở địa phương như nghề tráng bánh, nghề dệt chiếu Triêm Tây, nghề gốm mỹ nghệ, mỳ Quảng Phú Chiêm… sẽ tạo mối liên kết phát triển sản xuất - du lịch, góp phần mở ra cơ hội mới cho làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều tránh nguy cơ mai một như hiện nay.

PHAN NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mai một làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO