Mai mọt nghề đan thúng câu

TRẦN THẮNG 06/04/2016 08:19

Đã gần 80 tuổi nhưng cụ Trần Công Như ở thôn Hà Bình (xã Bình Minh, Thăng Bình) vẫn là tay đóng thúng câu cự phách nhất làng biển Thăng Bình bởi nghề truyền thống này hiếm người trẻ theo đuổi.

Nhìn năm ngón tay to bè cầm dùi cui nện đôm đốp xuống cọc để uốn tròn vành thúng bằng tre già dưới nền đất, mỗi nhát đóng hằn lên những đường gân to tướng đang bao bọc bó cơ chắc sần, nếu không mục kích tận mắt ít ai tin đó là sức vóc của một ông cụ đã qua cái tuổi 77. Bốn chục năm theo nghề đan thúng cho tàu câu mực khơi đã giúp cụ Như có được sức khỏe tốt và kinh nghiệm quý. Cụ cho biết, nhu cầu thúng câu của ngư dân Quảng Nam hiện rất lớn nhưng không còn nhiều người theo nghiệp. Đến mùa cao điểm làm không kịp giao hàng. Cụ ước lượng rằng từ lúc vào nghề tới nay đã đóng hơn 1.400 chiếc thúng câu. Những chiếc thúng câu bền chắc của cụ từ lâu đã theo tàu ngư dân bôn ba bắt mực khắp ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Cụ Trần Công Như kiểm tra lại kích cỡ chiếc thúng vừa mới đóng xong.  Ảnh: TRẦN THẮNG
Cụ Trần Công Như kiểm tra lại kích cỡ chiếc thúng vừa mới đóng xong. Ảnh: TRẦN THẮNG

Dẫn khách ra sau vườn lật tấm bạt che nắng, cụ Như khoe chiếc thúng câu vừa hoàn thành ít ngày. Chiếc thúng tròn đường kính rộng gần 3 mét, nằm phơi bụng phản chiếu ánh nắng chói chang qua lớp dầu rái bóng láng phủ kín mặt ngoài. Cụ Như bảo, mỗi tàu câu mực cần đến hàng chục thúng như vậy mỗi chuyến ra khơi. Khi tàu đến địa điểm đánh bắt sẽ bung thúng xuống biển, mỗi thợ câu điều khiển một thúng ra xa quanh tàu mẹ rồi thả câu bắt mực.

Với bề dày kinh nghiệm cùng kỹ thuật điêu luyện cụ Như luôn được bạn tàu gần xa tin tưởng tìm đến. Cụ cho biết ba công đoạn quan trọng khi đóng thúng câu là đan mành, làm vành và lận mành vào vành. Với mỗi công đoạn, người thợ cần vận dụng những kỹ năng phù hợp. Trong khi đan mành yêu cầu sự tinh tế, khéo léo bằng nhiều kiểu bắt nang thì việc làm vành và lận mành đòi hỏi một cơ bắp dẻo dai để điều khiển những cây tre già vào vòng thúng. Cụ Như tiết lộ: “Tre đóng thúng phải là tre còi, mọc lâu năm trên đất sỏi, còn dầu rái quét thúng phải lấy từ cây dầu cổ thụ mọc sâu trong rừng vùng Quế Sơn, Hiệp Đức. Nhờ những thứ này, chiếc thúng mới vững chãi trước mối mọt và nước biển trong nhiều năm”.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh, cho hay đây cũng là vấn đề ông lưu tâm tìm hiểu. Ông Tấn nói: “Cách đây mấy tháng tôi có trực tiếp xuống các địa phương tìm hiểu vấn đề này. Quả thực hiện nay không còn nhiều người theo nghề đan thúng câu truyền thống. Do đó, chúng tôi khuyến khích bà con chuyển sang dùng thúng bằng composite, dù giá đắt hơn nhưng độ tin cậy cao. Hơn nữa, trong Nghị định 67 về hỗ trợ ngư dân đóng tàu có điều khoản hỗ trợ vay vốn cho cả gói trang thiết bị đánh bắt, bao gồm cả loại thúng composite mới này”.

Bên vành thúng đang đóng dở, cụ kể nhiều lúc vào mùa cao điểm thúng đặt đã tới hạn giao nhưng trời mưa ròng rã, lớp dầu rái ngoài thúng không khô được. Có lần bạn tàu đến lấy hàng, cụ trình bày hoàn cảnh rồi xin lỗi khách, xin gia hạn thêm thời gian để thúng khô đảm bảo chất lượng. Khách thông cảm nhưng xin lấy thúng ngay vì tàu đã đến ngày đi, chậm trễ lỡ mùa biển. Sợ giao thúng lúc này mất uy tín nhưng khách nài quá, cụ đành giao hàng. Sau hơn hai tháng ròng theo chuyến biển, ông khách quay lại trét dầu và đặt thêm hai thúng nữa. Hỏi ra mới biết, dù dầu chưa khô hẳn nhưng nang thúng đan quá kín nước biển không thấm nổi vào trong.

Dù nhu cầu thúng câu của ngư dân miền Trung hiện nay rất lớn nhưng cụ Như cho biết không tìm được người nối nghề, ngay đến ba con trai cũng chẳng ai theo nghiệp cha. Người đan thúng tại Bình Minh bây giờ trẻ nhất cũng hơn 50 tuổi. Cụ canh cánh mối lo sẽ mất nghề truyền thống. “Trước đây còn bảy tám người như tôi nhưng già rồi chết hết, giờ chỉ còn lại đôi người. Lớp trẻ chê thu nhập ít mà làm cực nên không theo” - giọng cụ Như rầu rầu.

Ông Trương Thanh Ngà, một trong số ít thợ đan lành nghề còn lại tại Bình Minh, cho biết thanh niên trong vùng nếu không theo nghề biển cũng ly hương tìm việc, rất khó kéo họ về lại với nghề đan thúng câu. Trước thực trạng này, thực tế một số nơi tại Núi Thành ngư dân chuyển sang loại thúng composite mới nhưng chưa nhiều, chủ yếu do lo ngại không phù hợp tập quán đánh bắt. Hiện, Sở NN&PTNT cùng Hội nghề cá Quảng Nam đang tiếp tục tìm nhà tài trợ hỗ trợ thí điểm sản xuất thúng câu kiểu mới cho ngư dân trong tỉnh làm quen để chuyển thay thế thúng câu truyền thống.

TRẦN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mai mọt nghề đan thúng câu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO