Đan võng ngô đồng là nghề truyền thống lâu đời và đặc trưng của người dân xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP.Hội An) đang trên đà mai một.
Nghề đan võng ngô đồng hoàn toàn thủ công nên rất công phu và đòi hỏi người làm nghề phải tỉ mỉ, chịu khó, mỗi nút đan phải chính xác. Trên đảo cây ngô đồng mọc rất nhiều nhưng không phải cây nào cũng có thể cho nguyên liệu đan võng. Cây ngô đồng chọn làm nguyên liệu đan võng sẽ được đập tước lấy vỏ ngâm ở khe nước chảy và chần đá cẩn thận, nếu vỏ cây nổi lên mặt nước sẽ bị thâm. Thời gian ngâm vỏ cây kéo dài đến nửa tháng, có khi cả tháng, sau đó vớt về tách lớp ngoài lấy lớp trong có màu trắng đục (gọi là manh đồng), tước nhỏ, phơi khô cho đến khi có màu trắng tinh mới dùng để đan võng. Công đoạn đan võng ngô đồng cũng rất lâu, một chiếc võng phải làm mất gần 2 tháng mới hoàn thành. Chiếc võng làm ra có độ bền rất cao, nếu bảo quản tốt có thể sử dụng đến 20 năm. Vì công phu như thế nên mỗi chiếc võng ngô đồng thường có giá 5 - 7 triệu đồng, tùy theo loại võng 4 hoặc 6 múi đan. Du khách đến tham quan Cù Lao Chàm rất thích võng ngô đồng. Đôi lúc muốn mua cũng khó vì không phải lúc nào trên đảo cũng có võng đan sẵn, có khi phải đặt trước hàng tháng trời.
Ngày nay, trên đảo Cù Lao Chàm dân số đông đúc nhưng người giữ nghề đan võng ngô đồng còn lại rất ít. Đây cũng là niềm trăn trở của các vị cao niên. Muốn truyền nghề lại cho con cháu nhưng chẳng mấy ai mặn mòi, vì hiện nay trên đảo du lịch rất phát triển, các ngành nghề dịch vụ hằng ngày giúp người dân đủ sống và có của ăn của để. Còn nghề làm võng ngô đồng vừa mất thời gian, vừa cực nhọc nên thế hệ trẻ không ai chịu theo làm nghề này.
Ông Huỳnh Tấn Luyến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp chia sẻ, nghề đan võng ngô đồng mang lại giá trị kinh tế cao nhưng tương lai không biết sẽ đi về đâu khi lớp trẻ không hứng thú với nghề truyền thống này. Những người dân sống trên đảo cũng bộc bạch, tính đi tính lại người đan võng ngô đồng như cụ Kề hiện nay chỉ còn trên dưới 10 người, đa số là phụ nữ ở độ tuổi đã cao. Ai cũng mong muốn nghề này được truyền lại cho con cháu mình không chỉ để phụ thêm kinh tế mà còn giáo dục con cháu biết yêu quê hương, biển đảo, trân trọng những gì ông cha ta để lại và tiếp tục lưu truyền cho mai sau.