Mai một nghề sản xuất trống

NGUYỄN QUANG 24/09/2021 06:49

Thị trường ngày càng eo hẹp, thiếu người nối nghiệp là thực trạng hiện nay của nghề sản xuất trống trên địa bàn tỉnh.

Trống ế ẩm, tồn kho rất nhiều một phần do không tiêu thụ được mùa trung thu này. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Trống ế ẩm, tồn kho rất nhiều một phần do không tiêu thụ được mùa trung thu này. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Anh Bùi Duy Trung - chủ cơ cở sản xuất trống Trường Sơn (Quán Gò, xã Bình An, Thăng Bình) cho biết, sau dịp tựu trường đến Tết Trung thu nhưng cơ sở chỉ bán được vài cái trống cỡ trung. Do dịch Covid-19, nhiều nơi dạy học online nên không mua trống dịp khai giảng; còn Tết Trung thu thì không múa lân.

Trước đây, trống Trường Sơn được bán ra Quảng Trị, Quảng Bình hay đưa vào Bình Định, Khánh Hòa nhưng do Covid-19 khó vận chuyển hàng không thiết yếu nên không bán được. “Tôi mang nghề trống Đọi Tam từ tỉnh Hà Nam vào Quảng Nam đã hơn 20 năm nay. Trước đây sống ổn với nghề vì đơn hàng đặt mua khá đa dạng, nay thì chỉ cầm cự với nghề thôi” - anh Trung nói.

Trước đây, làng trống Lâm Yên (xã Đại Minh, Đại Lộc) có hơn 20 hộ sản xuất, kinh doanh nhưng nay chỉ còn 4 hộ gắn bó với nghề. Ông Phan Văn Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã làng nghề trống Lâm Yên cho biết, làng nghề đang đối diện với rất nhiều khó khăn, ngày càng mai một.

Nguyên liệu gỗ mít để làm trống ngày càng khan hiếm, đắt đỏ nhưng phải cạnh tranh về giá sản phẩm nên không có lãi. Ông Hiệp cho biết, để giữ nghề, đã phải lặn lội đến các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, thậm chí qua Lào mua nguyên liệu về làm thân trống rồi cung cấp cho các hộ sản xuất trong vùng.

“Trống của làng nghề sử dụng được hơn 10 năm nhờ gỗ mít và da trâu bền chắc. Trong khi đó, các loại trống trên thị trường có khi chỉ dùng 1 năm đã phải bịt lại mặt da khác. Không cạnh tranh được với hàng hóa giá rẻ nên thị trường ngày càng thu hẹp hơn” - ông Hiệp nói.

Trống Đọi Tam được làm kỹ lưỡng, chất lượng tốt nhưng đối diện nguy cơ thất truyền trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Trống Đọi Tam được làm kỹ lưỡng, chất lượng tốt nhưng đối diện nguy cơ thất truyền trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Thiếu người nối nghiệp là tình cảnh chung của các làng nghề truyền thống, làng trống Lâm Yên không là ngoại lệ. Ông Phan Năm - Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho rằng, làng nghề nổi tiếng cả nước nhưng thế hệ trẻ lại không mặn mà gắn bó. Người làm trống ở làng nghề đã lập website, bán hàng trực tuyến cũng như gửi hàng đến làng nghề đúc đồng Phước Kiều (thị xã Điện Bàn) để bán nhưng không khả quan.

“Sản phẩm gặp khó đầu ra là thực tế rất khó giải quyết. Chính quyền xã, huyện đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân của làng nghề để xoay xở hướng đi mới như thu hút khách đến tham quan, mua sắm trống nhưng đến nay vẫn chưa hiệu quả” - ông Năm nói.

Gắn bó sâu nặng với nghề, vượt qua nhiều thăng trầm, được xem là bậc thầy làm trống Đọi Tam nhưng ông Lê Ngọc Hiển - chủ cơ sở sản xuất trống Lê Hiển (khu phố 9, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) cũng đang đối diện nguy cơ thất truyền nghề quý.

Ông Hiển bảo: “Sản phẩm của nghề truyền thống khó cạnh tranh trong xu hướng thị trường hiện nay. Rất yêu nghề nhưng chúng tôi không muốn con cái sau này khổ, thu nhập thấp, muốn con đi con đường khác. Nghề làm trống mai một là chuyện không thể khác dù không ai muốn”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mai một nghề sản xuất trống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO