Mai một văn hóa người Co ở Tam Trà

VIỆT NGUYỄN 14/09/2023 06:49

Câu chuyện của hai người đàn ông dân tộc Co bên chén trà phảng phất hơi sương bảng lảng buổi chiều nơi chốn núi rừng. Nét văn hóa riêng của người Co ở xã Tam Trà (Núi Thành) phai nhạt trong dòng chảy thời gian.

Già làng Nguyễn Ngọc Khánh (bìa trái) và Bí thư Đảng ủy xã Tam Trà - Nguyễn Văn Đảng kể về văn hóa của đồng bào Co. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Già làng Nguyễn Ngọc Khánh (bìa trái) và Bí thư Đảng ủy xã Tam Trà - Nguyễn Văn Đảng kể về văn hóa của đồng bào Co. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Truyền thuyết lập làng

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Khánh (sinh năm 1950, thôn Phú Tân) - già làng của đồng bào Co xã Tam Trà. Ông Khánh kể, cách đây hơn 300 năm có một cộng đồng người Co khoảng 20 hộ sinh sống tại làng Hố Chuối (khu vực thôn Phú Tân bây giờ) bị động đất nhấn chìm, chỉ có một người phụ nữ may mắn thoát chết nhờ trước khi xảy ra động đất bà theo chồng về bên kia núi Chúa thuộc huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Ở đó bà sinh được 3 người con trai.

Đồng bào Co ở xã Tam Trà hiện có 325 hộ với 1.227 nhân khẩu, sinh sống ở 3 thôn Phú Thọ, Phú Tân, Phú Tứ trong 27 tổ đoàn kết, sinh kế chủ yếu bằng nghề trồng lúa, khai thác keo lá tràm, trồng quế. Đồng bào Co ở Tam Trà trước đây rất yêu thích lời ca tiếng hát ca ngợi cuộc sống, mùa màng, ấm no, hạnh phúc. Ngày nay không còn nhà sàn, vắng bóng tục lệ cúng “ngã rạ”, đồng bào hòa vào nhịp sống thường nhật của người Kinh.

Khi biết làng Hố Chuối quê hương bị động đất không còn một bóng người, bà mới bàn với chồng đưa con về lại làng cũ và gầy dựng quê hương. Cả gia đình đã ngày đêm phát rẫy làm nương. Nhờ đất đai tươi tốt nên họ sớm có của ăn của để và khi các con đã khôn lớn, bà cho các con ra ở riêng.

Người đầu thì ở tại làng Hố Chuối, người thứ hai ra ở Trà Quế, đứa thứ ba ở Hố Dứa và về sau các nơi này người đến ở đông và hình thành nhiều làng khác. Từ các làng Hố Chuối, Hố Dứa, Trà Quế đã phát triển thêm một số làng Hố Thượng, Hố Trung, Hố Hạ...

Ông Khánh bảo, trước kia đa số làng đồng bào Co lấy địa danh sông suối, gò đồi đặt tên cho làng. Sau năm 1945 đồng bào thường lấy tên người đặt tên cho làng.

Tính đoạn từ núi Răng Cưa lên đến Sông Vang, có 15 nóc, mỗi nóc có 3 - 4 hộ gia đình sinh sống. Rồi ở đoạn phía đông nam đèo Mộc tiếp giáp với xã Tam Mỹ Tây có rất nhiều nóc, như nóc ông Tân, nóc bà Mười, ông Bền, ông Quyền, ông Trụ Mười, ông Quang, ông Tám Hên, ông Khánh, ông Hiếu... Các nóc ấy hiện nay đã nhập lại thành các thôn thuộc xã Tam Trà.

Trước đây mỗi làng chỉ có một nhà sàn dài được ngăn ra cho nhiều hộ, khi có thành viên mới thì nối thêm nhà dài ra. Nhà được lợp tranh, tre, bên trên nhà sàn thì các gia đình ở, bên dưới nuôi gia súc hoặc để củi hay đồ dùng sản xuất. Đồng bào thường chọn làng ở những nơi có sông suối, đất dễ canh tác.

Toàn thể dân làng có quyền săn bắn, hái lượm, bắt cá, đốn gỗ, canh tác trên đất làng. Đất sản xuất của mỗi hộ gia đình là phần đất mà họ hay cha ông họ khai phá để lại trong khu vực quy định của mỗi làng. Đồng bào rất coi trọng người khai canh, họ thường dẫn dắt cuộc sống chung của dân làng.

“Khi người dân tộc Co quần tụ, những ngôi nhà sàn dài thành nơi tụ cư cho cả làng, sinh sống chung trong môi trường văn hóa đặc thù. Ngày nay tiếc thay những ngôi nhà sàn dài ấy không còn nữa mà mỗi gia đình đều sống riêng lẻ. Biết làm sao được, cuộc sống đã đổi thay” - già Khánh tiếc nuối.

Nhớ Tết “ngã rạ”!

Ông Nguyễn Văn Đảng (người dân tộc Co - Bí thư Đảng ủy xã Tam Trà) ngồi trầm tư suốt chiều dài câu chuyện kể nhưng khi bắt được “sóng” suy tư của người già làng thì rất nhanh tiếp nối mạch chuyện.

Ông bảo, đồng bào Co quan niệm vạn vật hữu linh. Núi rừng, sông suối, cây cối hay cột kèo trong nhà… đều có thần linh ngự trị. Trong những lễ cúng trước đây người Co thường nhắc đến tên mấy chục thần linh chi phối đến đời sống của đồng bào. Trong đó thần lúa chiếm phần quan trọng nhất trong nghi lễ của đồng bào. Lễ cúng cơm mới hay lễ “ngã rạ” của đồng bào thường tổ chức rất lớn.

Trẻ em người Cor ở xã Tam Trà hồn nhiên vui chơi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Trẻ em người Cor ở xã Tam Trà hồn nhiên vui chơi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thường năm vào khoảng cuối tháng tám, đầu tháng chín khi các nương lúa được thu hoạch xong thì đồng bào tiến hành tết “ngã rạ”. Gọi là “ngã rạ” vì nôm na lúa ngoài đồng đã chín ngã, người dân đã thu hoạch xong, đất nương rẫy chỉ còn lại rơm rạ, đốt rẫy chuẩn bị vụ sau.

Tết “ngã rạ” của người Co theo vòng đời của lúa rẫy, mỗi năm đồng bào chỉ có duy nhất mùa rẫy. Khi cả làng thu hoạch xong đưa lúa lên các chòi cũng là lúc già làng quyết định cả làng ăn tết “ngã rạ”.

Tết “ngã rạ” được coi là tết trọn vẹn và thiêng liêng nhất năm và là tết truyền thống với đầy đủ phần lễ, phần hội của người Co. Trâu, bò là động vật hiến tế cho các thần linh, heo, gà là vật cúng tế cho ông bà tổ tiên. Các làng còn săn bắt tích lũy các con vật nhỏ trong rừng nhiều ngày trước đó để đến tết “ngã rạ” đem chung vui cùng dân làng.

Trong tết “ngã rạ”, ngoài cúng các thần ma mong cho gia đình làm ăn khá giả, mua vật dụng như chiêng ché… còn cúng ma trầu, ma quế, các thần linh cai quản mỗi loại cây, con vật. Đó chính là mong cầu năm mới nảy nở sinh sôi, cả làng sung túc đầm ấm viên mãn. Tết “ngã rạ” kéo dài 2 - 3 ngày, bà con ăn uống, đánh chiêng, đánh trống, múa hát cả ngày và thăm thú từng nhà trong làng.

Tôi hỏi ông Đảng tục lệ tết “ngã rạ” bây giờ có còn được giữ gìn như trước? Ông bảo, tiếc lắm, ngày trước tết “ngã rạ” gắn với đời sống nông nghiệp lúa rẫy. Nay lúa rẫy không còn nữa, cộng đồng cư dân được trồng lúa 2 vụ trong năm nước tưới đầy đủ, sinh hoạt như người Kinh nên mai một dần nét văn hóa.

“Tết “ngã rạ” là tết chung của cả cộng đồng nên trách nhiệm của các gia đình như nhau. Thông lệ, sau tết “ngã rạ”, người Co mới được phép thực hiện các nghi lễ khác trong năm như lễ đâm trâu, lễ cưới xin, lễ đi hỏi, lễ tục tang... Tuy vậy, việc bảo tồn truyền thống, lưu giữ bản sắc của dân tộc Co không dễ hiện nay” - ông Đảng chia sẻ.

Ông Bùi Quốc Biểu - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Núi Thành cho rằng, cần ghi nhận và có cách bảo lưu giá trị văn hóa riêng biệt của đồng bào Co. Ngành văn hóa, chính quyền xã Tam Trà cần vận dụng chính sách hiện có, tập hợp cộng đồng, mời già làng truyền dạy lại tục lệ, tín ngưỡng, tập quán cho thế hệ trẻ để từng bước gìn giữ vốn quý văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mai một văn hóa người Co ở Tam Trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO