Mai sau, đâu chỉ chút này...

MỘC MIÊN 06/02/2016 11:00

Từ xa, tôi đã thấy hàng chữ vàng trên tấm biển đỏ “Hội Đồng Châu Quảng Nam”. Quá quen, bởi như ở phố cổ Hội An, những  tấm biển như thế không thiếu, chữ “hội” như ấn triện khẳng định cái riêng có, kiêu hãnh. Lòng rộn rã bình yên như về nhà. Cửa không khép, tôi bước vào.

Tôi xưng tên, người đàn ông bật ra: “À, chú Hùng đây”. Cái bắt tay thật chặt.  Nhìn ông như ngư phủ. “Con ngồi đi, vô hồi mô?”. Một người phụ nữ bước  đến. Ông Hùng quay lại liền: “Cháu ở quê mình vô đó”. Bà cười, xưng tên là Đặng Thị Cúc. Trời, bà cùng xã với tôi, lại nói  vừa về quê đám giỗ. Đến lượt ông Hùng làm tôi ớ ra vì… sướng: “Chú họ Võ Văn, ở Duy Vinh - Duy Xuyên, ngay  ủy ban”. Tôi ngó quanh gian nhà. Gian giữa bài vị, lư hương, hương án... Hai bên cũng bày biện với bàn thờ, bên phải thờ ông, trái thờ bà. “Bà con mình vô đây, giờ đông lắm, đó - ông khoát tay - dãy nhà đó kéo dài hết xuống đường này, rồi sau lưng nhà này cũng người mình. Chỗ này thờ rất nhiều họ tộc chi phái”. “Năm ni chú về quê không?”. “Không,  tháng 3 năm ngoái về rồi”. Bà Cúc lên tiếng: “Cô vừa ở quê vô, vui lắm,  bà con mừng, mình mong còn khỏe, mỗi năm về một lần”. Tôi đọc trong hân hoan, chút niềm xa vắng. Ở đâu cũng là quê, nhưng quê xứ là cơn giật mình nửa đêm, là gió bên hiên chiều, là nắng quái âm thầm trong giấc ngủ, là tiếng gọi mô tê lúc lọt lòng. Ông Hùng trầm giọng: “Nhà này dựng năm 1933, nhưng cha ông thì vô trước đó lâu rồi”. Những cuộc Nam tiến, di cư về phương Nam của người Quảng, là câu chuyện của những chia ly, có cảm  giác không phải là nước mắt, mà là bước dấn thân mạnh mẽ để tạo tác phương trời thêm bóng dáng quê nhà, vì khởi thủy họ có… máu lưu dân. “Ông nội của chú vô đây từ  đã 150 năm, ông già chú đi theo, lập gia đình, rồi sinh hạ con cháu”. Bà Cúc chen  vào: “Ông già cô vô đây năm 13 tuổi, đi với ông nội, bán đũi quê mình dệt”. “Hồi đó ông  bà vô mua miếng đất này - ông Hùng kể - đất rộng lắm, kéo dài ra đằng sau, giờ có một đứa quê mình cũng đang thuê đó”. “Ngôi nhà ni bà con đồng hương thuê lại của chú ?”. “Không, làm gì có, chỗ của hội đồng châu mà, thờ phụng, tụ hội bà con mà thuê mướn gì - ông  nói tiếp - đất này hồi đó ông bà vô mua để đóng ghe bầu. Chú nghe ông già kể lại là ngoài mình lúc đó giong ghe bầu vô bán dầu rái và đường”. Ghe bầu. Trí nhớ tôi vụt hiện những ngày tháng ông nội tôi khăn gói vào đây, ông đi hai lần, đi tìm người em con của ông chú lúc đó cũng theo ghe bầu đi buôn, rồi ở lại luôn Phan Thiết. Người trở  về, nói ông làm ăn rồi có vợ, đâu đoạn sông Cà Ty chảy ngang qua thành phố. Nội tôi vào, chắc ông từng bước  vào chỗ này, qua bà con, lục tìm gia phả, nhưng hai lần trở về tay không. “Nghe ông già nói lúc đó đóng nhiều lắm, chở trái cây từ đây ra bán lại ngoài mình. Đóng ở đây rồi đẩy ra hạ thủy chỗ gần cầu  sát sông, đoạn giữa ngân hàng thương tín chạy về hướng trường Dục Thanh” - giọng ông Hùng chậm rãi.

Trường Dục Thanh,
Trường Dục Thanh, "con đẻ" của phong trào Duy tân. Ảnh nguồn: internet

Tôi đang đứng trong sân  trường Dục Thanh. Nắng chiều pha mật trên từng góc lá xanh um. Đứng, mà nghĩ đến những chiếc ghe to lớn đậu ở bến Trung Phường, Chợ Được, Hội An một thuở, trên đó  còn có thêm gỗ, thứ gỗ từ vùng thượng nguồn Thu Bồn, xuôi về Cửa Đại rồi vượt sóng theo chân tiền nhân vào chốn này để đóng thùng làm mắm. Rồi tôi tha thẩn trong sân vườn, mường tượng những khăn xếp, áo dài của cụ Huỳnh đi cạnh cái dáng dong dỏng cao rất tây của cụ Phan bên cái tướng thư sinh nho nhã của cụ  Trần, nghĩ sự lịch duyệt, tầm nhìn, chỉ có thể đến và đi rất nhanh và hiếm hoi ở những đấng bậc, nhưng để lại như cơn địa chấn. Năm 1906, ba vị kia đã “hành cước” vào chốn này, khởi dấy tư tưởng Duy tân, và từ đó, nước mắm Liên Thành đã ra đời. Phải nói là những người sáng lập, từ bang tá đến trí thức, “bụng” Duy tân hình như đã manh nha nhưng chưa ai nhen lửa, khơi dòng, gặp tư tưởng của ba cụ, hẳn các vị đó “được lời như cởi tấm lòng”, và như thế, mới thấy trong thiên hạ, khi thời thế u xám, vận nước nổi nênh thì lòng dân âm ỉ muốn đổi thay, vấn đề còn lại là ngọn cờ tập hợp và khởi phát ra sao. Đã Duy tân thì phải có trường học và Dục Thanh là con đẻ của phong trào này. Hơn 100 năm trôi qua, sứ mệnh của Liên Thành Thương Quán đã hết, nhưng tinh thần dân tộc còn mãi. Kinh tế ở trong Pháp, thương gia Hoa Kiều cũng nắm những ngành yết hầu, thì mình làm mắm, không phải vụn vặt mà mở công ty hẳn hoi, nhập máy móc từ hãng Kubota Nhật Bản, lập phòng hóa nghiệm, và quan trọng hơn là mở thị trường, mạng lưới kinh doanh, chất lượng sản phẩm, để cho… “chúng nó” biết mình cũng không thua ai! Thương hiệu Nước mắm Liên Thành, không dừng lại ở Bình Thuận,  tràn đến Gia Định, ra miền Trung, mà còn  lấn sang Campuchia và châu Âu, sang Pháp dự đấu xảo. Lúc đó, Liên Thành Thương Quán đã mạnh mẽ thực hiện việc chống hàng giả, hàng nhái và giữ chữ tín. Tôi đọc trên báo, nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng, năm 1976 gia đình ông được Liên Thành mời vào nhận số tiền của ông nội ông đóng cổ đông cho công ty này. Số tiền đủ mua một ti vi đen trắng và một chiếc màn tuyn. Ít, bởi cổ đông lúc đó là trước 1945, số tiền nhận được quy đổi ra từ  25 đồng bạc Đông Dương. Ông Quốc cảm khái rằng, cha ông xưa  làm ăn uy tín như vậy đó!  Ơi, giọt nước mắm chứa cả lòng tự hào dân tộc trong đó.

Ông Võ Văn Hùng và hội quán “Hội Đồng Châu Quảng Nam”. Ảnh: TRUNG VIỆT
Ông Võ Văn Hùng và hội quán “Hội Đồng Châu Quảng Nam”. Ảnh: TRUNG VIỆT

Gió từ sông thổi vào, mang theo dư vị của biển. Lần đầu tiên, tôi có cảm giác bến sông Cà Ty này sao mà quen như đang đứng ở bờ An Hội, ở bến sông Hàn, có lẽ dư vang xa xôi ấy là từ con cá cơm mà bất luận kẻ sang người hèn  dải đất này đều đã chạm tới và mang ơn nó.  Con cá cơm, giọt nước mắm nuôi  sự học, bao lớp người, nuôi âm thầm khí chất cốt cách. Bao nhiêu lớp học sinh theo kiểu Duy tân, dạy chính khóa kiến thức đã đành, nhưng lồng vào trong đó là tinh thần chấn hưng, phải mới, phải tự mổ xẻ mình mới đổi thay mình và xã hội, đưa dân tộc từ chỗ ốm yếu nô lệ sang mạnh mẽ, có chủ. Từ con mắm mà nuôi chí lớn đổi thay non sông. Ôi, mộng tiền nhân  cao sang  mà giản dị! Cũng từ chén nước mắm ký thác bao ước vọng này, mà hằng sản lẫn hằng tâm của những người sáng lập đã trao 18 đồng bạc Đông Dương để người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu đi tìm đường cứu nước.  

Tôi nhớ lời ông Hùng, là trụ sở Liên Thành Thương Quán, tàn tích của nó bây giờ ở dưới chân ngân hàng nông nghiệp trên đường Nguyễn Thái Học, ngay chỗ giao nhau với đường Trần Hưng Đạo, mà năm 1972 còn mấy dãy nhà. Sẫm tối. Không thể tìm được chi nữa, chỉ có gió ồn ào mát lạnh nhẹ lòng khách phương xa. Tôi ngó cái ngân hàng ấy, chỗ Liên Thành ngày xưa, nghĩ mộng canh tân chưa bao giờ dứt ở người Quảng Nam, dù thời thế có lúc này nọ, càng đi xa, họ càng phát. Cũng thứ mắm “thành hoa sen” ấy, đã giúp vốn cho cụ Huỳnh Thúc Kháng lập tờ Tiếng Dân. Thế mới biết, kinh tế chính là  đòn bẩy để chấn hưng văn hóa, nếu như cả hai nằm trên mạch nghĩ, một chiến lược đã được toan tính bài bản, không vụ lợi. Tôi nhớ bà Cúc kể,  năm 1972, bà xong tú tài ở trường Phan Châu Trinh, sau đó bị bom dội cháy mất, nền trường đó  bây giờ là công ty cấp nước thành phố Phan Thiết. Nước mắm Liên Thành giờ vẫn còn đó, có mặt trên thị trường, trụ sở ở bến Vân Đồn tại TP. Hồ Chí Minh.  Đây là thương hiệu xưa nhất, trường tồn nhất của nền kinh tế nước ta.

Ở đâu cũng là quê, nhưng quê xứ là cơn giật mình nửa đêm, là gió bên hiên chiều, là nắng quái âm thầm trong giấc ngủ, là tiếng gọi mô tê lúc lọt lòng...

Ông Hùng nói bằng giọng tha thiết: “Thời gian, mất - còn là sự thường, có điều mình giữ gì được thì giữ. Cha ông vào đây lập nghiệp, nhưng hồn quê cốt tổ ngoài đó, nhớ quê thì giữ nếp, nghĩ tiền nhân có công lập cơ, thì mình giữ mà sinh nghiệp”. Mấy trăm năm rồi. Bóng thời gian mờ đi bao thứ, nhưng gian thờ nhỏ bé này, nơi tụ hội của người Quảng trong buổi mở đất về phương nam chốn này, từ  câu đối trên kia, đến sắc độ trong lời nói của người đang ngồi đây, như chưa hề bong tróc. “Bà con đông lắm, dịp Thanh minh là tụ lại đây cúng kiếng, đi tảo mộ, tổ chức phát thưởng cho các cháu - ông chỉ tay lên cặp câu đối - mất chi thì mất, chứ ai làm mất cặp câu đối là chết với tôi”. Giọng người già cương quyết, mà kiểu nói “chết với tôi” này rặt ri Quảng Nam. “Chức Hội trưởng Quảng Nam Đồng Châu Hội của chú, được chính quyền công nhận nghen - ông tự hào - bà con bầu ra, mình đề nghị công nhận, chứ không phải bầu cho vui đâu. Làm không lương, không kinh phí, ngồi nhà này lớn, cho thuê hai bên, cũng bà con mình hết, mỗi tháng chú thu vào 1,2 triệu đồng, để dành thanh minh tế lễ rồi tang ma, phát thưởng”.  

 Mai sau, còn có bao giờ? Còn chứ, đâu chỉ là một cái trụ sở bé nhỏ ở đường Phan Đình Phùng tại Phan Thiết này, ở đó là gửi gắm của tiền nhân và ngưỡng vọng của hậu thế và hơn thế nữa, máu kiêu bạc chảy trong lưu dân xứ Quảng vẫn rần rật, bởi khi tôi hỏi một câu hơi… vô duyên: “Tự hào không chú?”. “Sao không? - ông quay lại tôi, giằng giọng, mắt sáng rực - cháu nên nhớ cả Bình Thuận này, mà cả Sài Gòn nữa đó, chỉ có nơi này là có hội sở của người Quảng Nam, có danh xưng, có xác nhận. Người Hoa đi đâu cũng trụ sở hội, thì Quảng Nam mình cũng có. Tôi mà không làm nữa, thì con tôi sẽ làm và giữ cho được…”.

MỘC MIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mai sau, đâu chỉ chút này...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO