(QNO) - Khi mẹ vào tuổi 70, chúng tôi khuyên mẹ nên cắt tóc cho gọn, tóc ngắn sẽ dễ tắm gội, nhìn cũng trẻ hơn. Năn nỉ nhiều năm, mẹ nhất định giữ nguyên quan điểm “tới chết cũng không cắt”. Vậy mà cũng có một ngày mẹ đồng ý cho các con muốn làm gì với tóc mẹ thì làm. Khi ấy mẹ bước vào tuổi 82, đối diện trước cơn đau thập tử nhất sinh, không thể tự mình tắm gội.
Ảnh minh họa. |
Lý do mẹ chịu cắt tóc là vì muốn con cái đỡ nhọc nhằn khi tắm gội cho mẹ. Cắt tóc là việc cực chẳng đã. Mẹ bảo, một khi mẹ đã không tự chăm sóc mái tóc cho mình, thì để dài để làm gì nữa! Mẹ nói như dỗi chính bản thân mình, như tiếc cho mái tóc đã gắn bó với mẹ gần 80 năm qua. Thời của mẹ, trẻ lên ba đã bắt đầu để tóc dài, nên cắt đi mái tóc như cắt bỏ một phần thân thể, làm sao tránh khỏi bồi hồi. Vì thế, trước khi quyết định đưa mẹ đi cắt tóc, chị em tôi vận động cả nhà phải khen động viên khi mẹ cắt tóc trở về, kẻo mẹ buồn và đỡ cảm thấy khó chịu vì thấy mình trở thành… người lạ. Nhớ cô thợ cắt tóc hỏi “bà thích cắt kiểu chi?”, mẹ tôi lắc đầu “chi cũng được”, tỏ vẻ không quan tâm tới kiểu tóc mới, nên xấu đẹp gì cũng không quan trọng. Chị em tôi chọn kiểu tóc phù hợp với gương mặt mẹ. Mẹ ngồi rất “ngoan hiền” trước gương, nhưng tôi đoán trong lòng chắc hồi hộp lắm!
Khoảng mười lăm phút là cắt xong mái tóc. Ngắm mình trong gương, mẹ bảo “cũng được”. Nhưng thú thật, trông mẹ lạ quá. Hơn 40 năm mặc định khuôn mặt mẹ với mái tóc dài, nay nhìn mái tóc ngắn gọn tưng, chị em tôi không khỏi bất ngờ, dù đó là điều biết trước. Nhìn mẹ hiện đại hơn, trẻ trung hơn, nhưng sự lạ lẫm, dù không nói ra, vẫn để lại trong tôi niềm tiếc nuối. Không phải đơn giản là tiếc mái vừa bị cắt bỏ, hay chỉ muốn nhìn mãi gương mặt mẹ với mái tóc dài trông dịu dàng, chân chất đồng quê, mà tiếc cho tuổi già của mẹ đến quá nhanh, tiếc cho sự sống của mẹ đang rút ngắn mỗi ngày.
Tôi nhớ như in ngày tôi còn nhỏ, những ngày chưa có điện, vào đêm trăng sáng, mẹ thường tranh thủ gội đầu và chải tóc trước sân. Mấy chị em tôi ngồi trên bậc thềm cạnh đó, chuyện trò đủ thứ cùng mẹ. Thường thì mẹ gội đầu vào lúc trời chập choạng tối. Là vì khi ấy mẹ đã hoàn thành công việc trong ngày. Những hôm không trăng, mẹ ngồi trong nhà, chị em tôi thay nhau dùng quạt mo quạt tóc cho mẹ. Tóc mẹ dày và dài, nếu không hong tóc trước gió, sẽ rất lâu khô. Mẹ gội đầu bằng trái bồ kết, thêm lá chanh lá bưởi lá sả bứt ngoài vườn nhà, vườn hàng xóm. Nồi nước gội thơm nức cả gian bếp, nơi góc giếng. Tóc mẹ khi khô xõa ra, mùi thơm vẫn còn ngan ngát, thật dễ chịu.
Mấy ngày đầu sau cắt tóc, mẹ dường như vẫn chưa quen, thỉnh thoảng đưa tay sờ lên tóc. Các cháu thấy thế liền bảo “đẹp rồi ngoại”. Mẹ cười “tổ cha bây, đẹp cái nỗi gì, chủ yếu cho mát cho tiện thôi”. Với mẹ, cái gì tiện cho con cháu là được. Mẹ không còn sức khỏe để chăm sóc một mái tóc dài, nên cắt tóc ngắn là lựa chọn duy nhất đúng. Mẹ nhận ra điều đó rõ ràng nhất, khi lần đầu tiên mẹ không tự tay tắm gội cho mình.
Mẹ bệnh, các cụ hàng xóm hay qua thăm, trò chuyện cho mẹ vui. Mấy đầu tóc ngắn quây quần, bạc trắng, khiến tôi dấy lên niềm thương cảm. Thế hệ mẹ tôi, ai cũng để tóc dài, để cho tới khi không còn sức chăm sóc tóc mới thôi. Từ ngày mẹ tôi bệnh, không di chuyển đôi chân được nữa, các cụ thường sang nhà tôi, cùng với mẹ tôi kể chuyện xửa chuyện xưa, từ thời các cụ chân ướt chân ráo về làm dâu xóm này, thời nhà ông Hà có mấy cây bưởi cao lớn mà ít chịu ra trái. Nhưng ông không chặt đi, mà để dành cho đàn bà con gái tóc dài, ai thích hương bưởi thì hái lá về gội đầu. Hay vườn sả nhà ông Sử, ông sẵn lòng cho “đội quân tóc dài” nhổ sả về dưỡng tóc, tạo mùi thơm cho tóc.
Các cháu nhỏ của mẹ tôi hay gọi bà là “bà tiên”, vì tóc mẹ giờ đã bạc trắng. Đôi bàn tay mẹ chẳng còn linh hoạt để đưa lên vuốt tóc. Thời điểm này, nếu tóc dài, mẹ cũng chẳng thể tự tay búi tóc, vấn tóc theo ý mình. Tiếc là, khi mái tóc mẹ bắt đầu trở nên quen thuộc trong lòng con cháu, là lúc bệnh mẹ tôi trở nặng. Tôi biết, bệnh tật đã khiến mẹ chẳng còn thiết tha đến tóc tai, lụa là. Tôi tin, nếu là bệnh nhẹ, khi khỏe lại, chắc chắn mẹ sẽ nuôi cho tóc dài ra…
SONG NGUYÊN