Mai vang tiếng cửi...

PHAN HOÀNG 16/04/2020 14:49

UBND tỉnh vừa có văn bản trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư Dự án hạ tầng kỹ thuật cảnh quan xung quanh lăng mộ bà Đoàn Quý Phi. Theo tờ trình, đây là dự án bảo tồn khu di tích và phát huy giá trị xứng tầm di tích cấp quốc gia, đáp ứng nhu cầu tham quan, viếng dâng hương và phát triển du lịch của địa phương. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án 14,9 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh 13,5 tỷ đồng) và thực hiện trong 2 năm (2020 - 2022).

Tôi men theo từng hạng mục của dự án này và hình dung mình đứng đó, sau hai năm nữa, nếu dự án được triển khai trên thực địa. Cảnh quan khu lăng mộ chính và khu bảo vệ lăng mộ, lối đi quanh khuôn viên, khu sân hành lễ, khu vườn hoa thấp tầng, khu vườn thượng uyển, khu hồ sen, v.v. Mọi thứ được khéo léo sắp đặt, bày biện nghiêm cẩn, chứ không phải như bây giờ, um tùm cỏ hoang ngập lối, đến một nẻo vào cũng không.

Khu lăng mộ Bà chúa Tằm tang Đoàn Quý Phi ở gò Cốc Hùng, thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên). Những năm qua, Báo Quảng Nam đã nhiều lần đề cập chuyện hoang phế, những lùi xa trong tịch liêu trong câm lặng của mộ phần người đàn bà đẹp ấy. Đương thời Đoàn Quý Phi là Quốc mẫu nhân hậu, giúp dân phát triển nghề ươm tơ dệt lụa và hậu thế nhớ bà, rành mạch lắm. Tài liệu để rõ về bà có rất nhiều, từ dã sử đến chính sử nên không phải tốn công lục tìm sử liệu (vốn dễ gây khó cho người lười) nếu chưa rành rẽ mà lại muốn biết. Nên, về bà chúa họ Đoàn, hẳn không chỉ con dân xứ Quảng, con dân biền dâu, mà xứ Việt, nhiều người nhớ, biết và ghi tâm, nhất là khi cuộc thương trường lụa Việt được nhiều người chung tay dựng lại thời vang bóng của lụa.

Chuyện biến thiên dâu bể là không thể tránh với lăng mộ cổ xưa nhất thời các chúa Nguyễn ở phía Nam. Biết vậy, nhưng hễ ai nhọc công tảo mộ bà một lần, hẳn không tránh khỏi đau lòng buông câu thế sự nhân tình. Đã có một không gian trang nghiêm để thờ Bà chúa Tằm tang tại Bảo tàng làng Lụa Hội An. Cũng đã từng có lễ hội Bà chúa Tằm tang tưởng nhớ và xiển dương nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa. Người ta nghĩ nhiều đến khai thác du lịch dựa vào những tương truyền tình sử cô hái dâu trong dân gian và chính sử trong sách xưa. Có lẽ hậu thế không lãng quên nơi bà nằm lại với đất, nhưng nhân gian vốn nhiều sự mưu cầu hơn nên việc trùng tu khu lăng mộ bà đành xếp chuyện vào hàng thứ yếu.

Và, dự án trùng tu ấy, bây giờ đã được xới lại. Với những người muốn đập gương xưa tìm bóng như tôi, thì chuyện ấm lại một ngọn cỏ, nơi Hiếu Chiêu Hoàng Hậu nằm, dẫu muộn còn hơn không.

Hốt nhiên, tôi nhớ nàng Lụa – một nhân vật trong tiểu thuyết Thế kỷ bị mất của ông Phạm Ngọc Cảnh Nam. Lụa hồng nhan phận mỏng, tài hoa đặc biệt với nghề dệt lụa ở làng Mã Châu bên sông Thu Bồn. Nổi nênh đời Lụa cũng gắn chặt với thăng trầm của con đường tơ lụa xứ sở. Mai kia mốt nọ, bao giờ về bên chân mộ người đàn bà họ Đoàn, để nhìn cảnh tượng này, không phải chỉ trong câu ca: Chiêm Sơn là, lụa mỹ miều/ Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mai vang tiếng cửi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO