Malaysia, quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á (ASEAN) vừa áp dụng mức thuế sân bay rẻ hơn cho khu vực.
Ngày 31.10, Ủy ban Hàng không Malaysia (MAVCOM) chính thức công bố giảm phí dịch vụ hành khách (passenger service charge) hay còn gọi là phí sân bay nhằm thúc đẩy việc đi lại trong khối bằng đường hàng không. Bên cạnh đó, việc giảm phí sân bay được MAVCOM mong đợi sẽ thúc đẩy phát triển đầu tư, thương mại, du lịch không chỉ cho Malaysia mà giúp kết nối các nền kinh tế trong khu vực ASEAN. Mặc dù chính sách thay đổi phí sân bay có hiệu lực vào ngày 1.1.2017 nhưng Hãng hàng không Malaysia sớm nhận tin vui trên và bắt đầu bán vé từ hôm qua (1.11) cho hành khách đặt trước vé có giảm phí dịch vụ cho chuyến bay từ đầu năm tới đến các nước ASEAN.
Theo quy định mới của MAVCOM, nếu trước đây hành khách từ Malaysia đi các nước thành viên ASEAN phải trả mức thuế sân bay là 65 ringgit (khoảng 350.000 VND) thì nay mức thuế được giảm 50%, tức chỉ còn khoảng hơn 150.000 VND. Nhưng ngược lại, MAVCOM cho biết mức thuế dành cho các tuyến bay quốc tế khác, ngoài khối ASEAN đều tăng lên. Cụ thể, mức phí mới sẽ là 73 ringgit (khoảng 17 USD) cho các chuyến bay quốc tế tại tất cả sân bay trên toàn quốc; đối với các chuyến bay nội địa mức phí là 11 ringgit.
Sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: shutterstock |
Giám đốc điều hành Hãng hàng không Malaysia Peter Bellew cho biết, kể từ 2016, các hãng hàng không của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng khai thác, sử dụng chung một bầu trời hay còn gọi Bầu trời mở ASEAN. Điều đó có nghĩa là tất cả hãng hàng không trong khu vực có thể tự do hóa vận tải, cạnh tranh hạ tầng khai thác, cạnh tranh giá vé và chất lượng dịch vụ. Để theo đuổi chính sách phù hợp với “Bầu trời mở ASEAN”, Malaysia thực hiện giảm thuế sân bay để hành khách có nhiều lựa chọn hơn cho chuyến bay dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn trong khi ngành khai thác bay của Malaysia sẽ tăng thêm doanh thu. Trên thực tế, phí sân bay của Malaysia thuộc mức thấp so với các nước ASEAN bởi phí này tại Myanmar tương đương với 110 ringgit, Thái Lan (92 ringgit), Singapore (104 ringgit). Ngành hàng không Malaysia hiện tạo ra 500 nghìn việc làm và đem về khoảng 13 tỷ USD cho nền kinh tế mỗi năm và dự kiến con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2035.
Malaysia hiện có ngành công nghiệp du lịch phát triển bậc nhất khu vực ASEAN. Để thu hút khách du lịch đạt được mục tiêu đề ra với hơn 30 triệu lượt (khoảng bằng dân số Malaysia) và đem về nguồn doanh thu là 25 tỷ USD, Malaysia còn khuyến khích nhu cầu mua sắm của du khách. Từ năm 2015, Malaysia áp dụng chính sách hoàn thuế 6% cho du khách khi mua sắm tại đây. Theo đó, du khách sẽ được trả lại tiền thuế khi mua sắm tại một cửa hàng được hoàn thuế với hóa đơn từ 300 ringgit trở lên. Thế nhưng không phải cửa hàng nào cũng được phép áp dụng chính sách trên. Do đó, dấu hiệu để du khách nhận biết các nơi tham gia trong chương trình hoàn thuế chính là biểu tượng Global Blue được dán bên trong cửa hàng. Ngoài ra, trong số các yếu tố khiến Malaysia hấp dẫn du khách quốc tế là nhờ vào sự đa dạng trong văn hóa và ẩm thực, những sản phẩm du lịch mới và tiếp cận những thị trường mới nổi trên toàn cầu. Ngành du lịch Malaysia đã và đang đặt mục tiêu đón 100 triệu khách du lịch và thu về khoảng hơn 50 tỷ USD vào năm 2020.
QUỐC HƯNG