Mặc dù ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương của huyện Duy Xuyên đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống nhưng thời gian qua bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục phát tán mạnh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Sáng qua 10.9, ông Nguyễn Văn – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu (Duy Xuyên) cho biết, sau gần 4 tháng “cầm cự” trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi bao vây tứ phía, cuối cùng đàn heo của địa phương cũng bị loại bệnh này xâm nhiễm. Theo ông Văn, cách đây 3 ngày, con heo nái của gia đình ông Hồ Văn Trinh ở thôn Bàn Nam (xã Duy Châu) đang khỏe mạnh thì bỗng dưng bỏ ăn, sốt cao, chân đi xiêu vẹo, toàn thân đỏ ửng, xuất huyết vùng bẹn – bụng... Nhận tin báo của ông Trinh, lực lượng thú y của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Duy Xuyên phối hợp chính quyền địa phương đến kiểm tra triệu chứng lâm sàng và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, kết quả con heo nái dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. “Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, chúng tôi lập tức huy động lực lượng thanh niên xung kích của địa phương tiến hành tiêu hủy con heo nái nhiễm dịch của gia đình ông Trinh nhằm khống chế và dập tắt sự phát tán của mầm bệnh. Cần nói thêm rằng, trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, trong thời gian qua UBND xã Duy Châu đã cấp phát cho các thôn trên địa bàn 300 lít hóa chất Benkocid và 1.500kg vôi bột để duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng” – ông Văn nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào chiều qua 10.9, ông Trần Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Duy Xuyên cho hay, thời gian qua bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn gây hại dai dẳng ở nhiều địa phương của huyện chứ chưa có dấu hiệu chững lại. Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến thời điểm này tại 12/14 xã, thị trấn của Duy Xuyên (trừ 2 xã Duy Thu và Duy Trinh) đã có tổng cộng 3.810 con heo các loại của 1.356 hộ chăn nuôi ở 56 thôn, khối phố bị mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 291 tấn heo hơi. “Điều đáng nói là, tại 3 xã gồm Duy Thành, Duy Trung, Duy Sơn đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi (qua 35 ngày không phát sinh heo mắc bệnh) thì những ngày gần đây vi rút gây bệnh lại tái bùng phát khiến công tác phòng chống dịch của ngành liên quan và chính quyền cơ sở gặp rất nhiều khó khăn” – ông Hùng nói.