Mâm cúng mùng Năm

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 11/06/2016 08:24

Tết Đoan Dương, Đoan Ngọ, Tết giết sâu bọ hay cúng mùng Năm là những tên gọi khác nhau cho cùng một ngày lễ cúng vào giờ Ngọ (giữa trưa) ngày mùng Năm tháng 5 âm lịch trong văn hóa Á Đông từ xưa, ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc từ truyền thuyết thờ cúng Khuất Nguyên trầm mình vì không khuyên can được Sở Vương. Nhưng trong văn hóa Việt Nam, theo nhà văn Toan Ánh (tác giả Nếp cũ) và các nhà nghiên cứu văn hóa thì ngoài ngày Diệt trừ sâu bọ, đây còn là ngày giỗ Quốc Mẫu Âu  Cơ được truyền lại từ ca dao xưa:

Tháng Năm ngày tết Đoan Dương
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây còn là ngày Vía Bà, nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu trên núi Bà Đen mang dấu ấn rất riêng…

Ảnh: Phương Thảo
Ảnh: Phương Thảo

Sinh thời, ông cụ tôi cũng như nhiều người lớn ở vùng Điện Bàn thường đặt mâm cúng trên bàn thờ tổ tiên với đầy đủ lễ vật như các lễ cúng thông thường gồm “hương đăng, vàng mã, thanh chước, hoa quả…” (tức hương đèn, giấy vàng bạc, nước lạnh, hoa quả, trầu cau - rượu) và có thêm vài chục bánh ú tro từ Hội An, dĩa đường cát trắng, xôi chè, miếng mít chín. Mâm cúng mùng Năm thường vừa chay vừa mặn, món mặn ở miền Trung thường là thịt vịt luộc chấm mắm gừng, cháo vịt, mắm ớt. Bên ngoài cửa thường treo thêm một bó lá hỗn hợp hái ngay trong vườn vào giờ trưa như lá tre, chanh, sả, tía tô, lá gừng… gọi là để trừ ma quỷ. Đúng giờ Ngọ, sau lễ cúng người lớn thường nấu nước với các loại lá trên, đặc biệt là lá tre, lá sả để tắm cho trẻ con phòng trừ rôm sảy, ung nhọt, vì thời gian này tiết trời rất nóng.

Mâm cỗ và lễ cúng mùng Năm thuần Việt vì vậy cũng đã giản lược đi rất nhiều nghi thức nếu so với cộng đồng người gốc Hoa ở các làng Minh hương.

Ngày nay, ở thành phố đã xuất hiện nhiều cơ sở dịch vụ chuyên cung cấp mâm cúng cho các gia đình với đầy đủ lễ vật và cả… mẫu văn cúng! Nhưng tôi thấy lễ cúng mùng Năm ở nông thôn có ý nghĩa hơn vì mỗi gia đình tự tay sắm sửa mọi lễ vật. Cảnh sau khi cúng, trẻ con, người lớn ra giữa sân mở to mắt nhìn thẳng lên mặt trời, chớp 7 hoặc 9 cái (tùy theo nam hay nữ) để phòng đau mắt, hay bắt con thằn lằn lội qua thau nước lá trước khi tắm rất vui nhộn.

Mặc dù trong văn hóa Việt có nhắc đến giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ vào ngày mùng Năm tháng 5, nhưng trong nhiều bài văn cúng của các nhà nghiên cứu văn hóa và phong thủy hướng dẫn, tôi chưa thấy nội dung này, mà chỉ toàn vái chín phương Trời, mười phương chư Phật, bổn cảnh thành hoàng, thổ công, thổ địa, táo quân và tổ tiên các đời để cầu mong bình an, thịnh vượng cho con cháu, bản gia và cầu cho mùa màng không hạn ách, thiên tai…

Thiết nghĩ, các nhà nghiên cứu phong tục nên bổ sung nội dung văn cúng Quốc Mẫu (cũng như Giỗ Tổ Hùng Vương mùng Tám tháng 3) để làm đậm nét thêm cái riêng của văn hóa Việt Nam.

CHÚT KÝ ỨC

Ông Nguyễn Văn Bá (91 tuổi, TP.Tam Kỳ): Tôi nhớ nhất là thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám (1945), lúc đó người dân quê tôi nói riêng và ở Quảng Nam nói chung, bà con ăn Tết Đoan Ngọ to lắm. Hầu như nhà nào cũng tổ chức gì đó, dù lớn hay nhỏ vào ngày này. Nhà có điều kiện thì làm lớn, linh đình còn bình thường thì cũng làm đơn giản, nhưng không ai không làm. Nói chung, tôi hình dung ngày Tết Đoan Ngọ ngày trước giống như ngày Tết Nguyên đán của chúng ta, hay như ngày giỗ, kỵ của mỗi gia đình. Ai cũng mong cho đến ngày đó, mà đặc biệt là tụi con nít, rất mong đến ngày đó để được ăn một bữa ngon. Ngày xưa đói khổ lắm, nên trông cho đến ngày tết để được ăn bữa cho đàng hoàng, cho no. Tôi nhớ ngày đó là được ăn cơm trắng, không phải độn khoai, sắn, rồi có miếng thịt heo nữa.

Càng về sau thì tôi thấy mọi người không đặt nặng việc ăn Tết Đoan Ngọ nữa. Như nhà tôi bây giờ cũng chẳng cúng kiếng gì vào ngày này. Nhưng tôi vẫn thấy hiện nay người dân còn giữ nhiều tập tục giống trước, nhất là việc mua lá mùng Năm cho gia đình uống.

Bà Trần Thị Thanh (gần 70 tuổi, quê Tiên Phước): Hồi xưa, Tết Đoan Ngọ thì tụi trẻ con là mừng nhất vì được ăn ngon, ăn no khác ngày thường. Thường thì cả xóm chung nhau giết heo, giết gà để ăn tết. Mẹ tôi cũng dẫn tôi lên núi để hái lá mùng Năm về phơi khô cho cả nhà uống. Do đó mà đến giờ tôi vẫn biết tên từng loại lá. Nói chung thì đến ngày đó, nhà ai có cái gì là dùng cái đó, có gà, vịt chi thì làm thịt cho con cháu ăn một bữa, còn không có thì thôi. Nhưng phải công nhận ngày Tết Đoan Ngọ ngày trước vui thật, như ngày tết mình rứa. Bây giờ thì khác nhiều. Như nhà tôi đây, hàng ngày vẫn tìm lá mùng Năm để uống cho khỏe chứ không nhất thiết phải vào ngày Tết Đoan Ngọ mới tìm mua. Giờ con cái nó cũng chẳng thiết tha gì cái ngày ni. Dường như cuộc sống vật chất đủ đầy nên chuyên ăn uống bây giờ không đặt nặng như trước. Bởi thế nên ngày Tết Đoan Ngọ với gia đình tôi bây giờ cũng không khác gì ngày rằm, mùng Một hàng tháng. Tôi vẫn chuẩn bị hoa quả để cúng ông bà tổ tiên nhưng nếu nói đúng nghĩa “ăn” Tết Đoan Ngọ thì không hẳn… VINH ANH (thực hiện)

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mâm cúng mùng Năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO