Ẩm thực

Mâm cúng rằm tháng Bảy

NHƯ HẠNH 18/08/2024 07:07

Người Quảng cúng rằm tháng Bảy có khác chi xứ khác không? Có lẽ tùy vào vùng miền mà phong tục, cách thức tiến hành để có mâm cúng rằm khác biệt.

cung-co-hon-thang-7-am-lich-1999k-heo-quay-mieng-2.jpg
Mâm cúng lễ "xá tội vong nhân". Ảnh: Minh họa

1. Những mùa Vu lan đi qua ngõ thơm lừng hương thị chín trên cây. Người xứ Quảng rục rịch lau dọn bàn thờ, bày mâm cúng rằm. Có lẽ do ảnh hưởng của Phật giáo, người Quảng thường coi rằm tháng Bảy là mùa Vu lan báo hiếu tổ lễ nên thường tổ chức ở các chùa.

Riêng ở mỗi gia đình đều sắp một mâm cơm chay và chưng mâm ngũ quả để cúng Phật và gia tiên chứ không cúng thức mặn như một số vùng ở miền Bắc.

Ngày trước, mâm cơm cúng rằm tháng Bảy đượm mùi chân quê. Các bà mẹ nông thôn luôn giữ công thức: ngoài cơm trắng ra thì mâm cơm cúng phải đảm bảo một canh, một kho, một xào, một luộc… Dĩ nhiên không thể thiếu món xôi chè quen thuộc trên mâm cúng rằm, mùng một mỗi tháng.

Tháng Bảy, mùa thu thường có những cơn mưa chiều tưới mát luống rau, giàn mướp trong vườn nhà. Những bà mẹ quê cứ thế mà hái đem vào xào nấu thành những món chay thanh tịnh để dâng cúng ông bà.

Một tô canh mướp hương nấu cùng nấm rơm ngọt thanh. Đậu đũa, đậu cô ve hay bông lý xào với đậu khuôn chiên vàng óng ả. Nồi mít non kho tương thấm đẫm mùi thiền, dĩa rau lang luộc xanh một màu cây cỏ… Chỉ chừng ấy thôi, nhưng mâm chay cúng gia tiên vào mùa Vu lan những ngày xưa cũ đã làm nên nét ẩm thực đượm mùi quê kiểng.

Bây giờ, cuộc sống khác xưa nhiều nên mâm cúng rằm tháng Bảy không còn mộc mạc như trước. Món chay được nấu bằng nguyên liệu nhập ngoại, hay được chế biến công nghiệp trở nên phong phú và hấp dẫn hơn và sang trọng hơn nhiều.

Thậm chí gia chủ bận bịu công việc không thể nấu nướng thì chỉ cần a lô là có nhà hàng ship đến tận nhà và kèm theo hướng dẫn cúng kiếng.

Biết như thế là thuận tiện, bớt đi thời gian bếp núc… nhưng vẫn nuối tiếc cái thời cùng bà và mẹ quây quần trong gian bếp nhỏ, nấu nướng, bày biện để dâng lên ông bà mâm cơm chay thanh khiết!

2.
Rất nhiều người nhầm tưởng lễ cúng Vu lan cũng là ngày xá tội vong nhân. Bởi cả hai đều có ngày lễ chính vào rằm tháng Bảy nhưng ý nghĩa của hai lễ này lại hoàn toàn khác biệt.

Nhiều vùng ở miền Bắc chú trọng lễ cúng xá tội vong nhân trong ngày rằm tháng Bảy thì ở miền Nam lại xem đây là ngày Vu lan báo hiếu.

Không biết có phải vì ở hai đầu đất nước mà ở Quảng Nam, trong ngày rằm tháng Bảy thì ngoài mâm cúng chay trên bàn thờ Phật và gia tiên thì ngoài trời sẽ dành riêng một mâm lễ để cúng vong nhân ngoài sân.

Có nhiều sự tích về ngày “xá tội vong nhân”, “tháng cô hồn” nên mâm lễ cúng cũng rất đặc biệt. Người ta thường nấu cháo trắng thật loãng (cháo hoa) bỏ vào tô to, cắm vào đó mấy cái muỗng để giữa mâm cúng. Trong khi ngoài một số vùng xứ Bắc thì thường múc cháo trải trên lá đa để âm linh dễ bề hưởng lộc.

Ngoài ra mâm cúng không thể thiếu khoai sắn, bánh kẹo, bắp rang (bỏng ngô), gạo muối và vàng mã. Đó những thứ thiết thực, có số lượng nhiều đặng dễ bề cấp cho nhiều vong linh cơ nhỡ.

Sau khi cúng xong, tất cả vật phẩm đều được rải ở ngã ba đường. Bởi theo tư duy hồn nhiên của người xưa, ngã ba là nơi có nhiều người đi qua lại, ắt hẳn sẽ có nhiều vong linh vãng lai…

Đôi lúc những bánh kẹo, thức cúng cô hồn lại trở thành bữa ăn của những người nghèo khổ lang thang. Nhiều người sau này thành danh đã kể lại quãng thời ấu thơ nhà nghèo, đói bữa đã từng dùng đồ cúng cô hồn để qua bữa…

Tục cúng âm hồn vào dịp rằm tháng Bảy xưa nay vẫn được người dân xứ Quảng coi trọng như một phần của đời sống tâm linh. Có thể xem đó là tập tục thắm đượm tình nhân đạo, nghĩa đồng bào và hội đủ ý nghĩa của một lễ hội dân gian mang màu sắc dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mâm cúng rằm tháng Bảy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO