Mầm mống bạo lực

C.N 19/09/2019 11:20

Không biết vô tình hay hữu ý, các vụ chồng đánh vợ dã man như kẻ thù (như các clip tung lên mạng) đều xảy ra trước mặt con cái của họ. Vừa đau đớn về thể xác, những người vợ, người mẹ ấy, hẳn sẽ “đau” hơn về tinh thần, “đau” vì đầu óc non nớt của các con mình đã bị bóng đen của bạo lực phủ lên. Vụ nữ công an lăng mạ nhân viên ở sân bay cũng diễn ra trước mặt cô con gái bé nhỏ của chị ấy. Cháu bé hẳn sẽ bị ám ảnh bởi những từ ngữ và hành động được xem là “hung hăng” của mẹ mình.

Trong một clip được ai đó “vô ý” tung lên mạng, có đứa trẻ thản nhiên khi xem cha đánh mẹ mà không biểu hiện sự hoảng sợ. Do chưa đủ lớn để nhận biết hay vì quá quen thuộc với cảnh bạo lực nên đứa trẻ ấy xem đó là chuyện bình thường? Theo các chuyên gia tâm lý, những đứa trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh cha bạo hành mẹ khi còn nhỏ, hoặc chính trẻ bị bạo hành, thì bạo lực xem như đã “thấm” vào tiềm thức của trẻ, mà đôi khi, mầm mống của bạo lực bắt nguồn từ đây. Những đứa trẻ sống trong gia đình bất hòa, lục đục, bạo lực triền miên, chắc chắn sẽ dễ bị stress, bị trầm cảm. Những đứa trẻ chứng kiến cô giáo đánh đập bạn mình ngay trong lớp học, cũng sẽ hoảng sợ và trở nên thiếu tự tin. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất: 87,5%, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần: 89,4%, gây tan vỡ gia đình: 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội: 89%.

Không hiểu tại sao, khi cuộc sống ngày càng sung túc hơn, hệ thống pháp lý ngày càng chặt chẽ, đầy đủ và nghiêm minh hơn (Việt Nam đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và các quy định khác) mà đời sống gia đình ngày càng bất an, bạo lực xảy ra ngày nhiều hơn, số vụ vi phạm pháp luật cũng ngày càng nhiều và tính chất nguy hiểm, tàn nhẫn, hung ác của sự việc cũng tăng hơn. Đã có một số thảm án xảy ra giữa những người thân trong gia đình. Trong số những người chồng bạo hành vợ, có những người có địa vị, có học thức, và tất nhiên có hiểu biết nhất định về pháp luật. Đấy là mới chỉ đề cập bạo lực về mặt thể xác, còn nhiều vụ bạo hành về mặt tinh thần (“chiến tranh lạnh”, lăng mạ, sỉ nhục bằng nhiều hình thức...), cũng để lại di chứng nặng nề cho người bị bạo hành và những vụ này thường diễn ra “ngấm ngầm” trong nhiều gia đình.

Xã hội ngày càng phát triển, cũng đồng nghĩa với việc con người phải chịu nhiều áp lực về công việc, về cuộc sống, về tình cảm, về các mối quan hệ, về cơm áo gạo tiền nói chung. Với những người không có khả năng vứt hết áp lực ở bên ngoài trước khi trở về nhà, thì sẽ chuyển áp lực lên các thành viên trong gia đình. Và cái nghèo, cái cùng quẫn cũng làm nảy sinh bạo lực, vì người trong cuộc không biết xoay xở ra sao, đành “trút giận” vào người trong nhà... Vì thế, bạo lực cứ mọc mầm mống để rồi cứ “phát triển vượt bậc” so với sự tiến bộ của xã hội như ta đang thấy!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mầm mống bạo lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO