Từ ngày núi lở nhà sập, những phận đời gieo neo của đồng bào nóc Ông Tuân (thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) tưởng chừng phủ vùi tăm tối theo họa núi đè. Nhưng từ những chông chênh, có biết bao bàn tay chìa ra tương trợ, gieo lại niềm tin cuộc sống cho đồng bào.
Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 giúp dân san nền để dựng nhà tại Khe Chữ.Ảnh: C.N |
Trong những túp lều
Khe Chữ hun hút xa. Mưa dội xuống con đường đất, quệt những hố bùn sâu ngập gối. Đánh vật với hàng chục lần trượt ngã sấp mặt, chúng tôi mới vào đến làng. Khuất sau màn mưa là những túp lều lúp xúp, chen chúc nhau giữa cánh đồng. Nơi đó, có gần 100 hộ dân đang nương nhờ dưới mái bạt.
“Sợ lắm!”. Già Nguyễn Hồng Lư vừa nói vừa vén áo lên chỉ dải băng còn quấn quanh ngực vì bị thương sau lần núi lở. Trận núi đè kinh hoàng đầu tháng 11 vừa rồi, đất đá xô đổ nhà, gỗ rơi vào đầu, vào người già Lư, mà ông bảo là tưởng rằng trời sập. Tai họa ập đến, 4 người của nóc bị đất đá chôn vùi mất mạng, niềm lo thì cứ kéo dài, dù đã hơn một tháng trôi qua. Ám ảnh in hằn trong giọng kể run run, trong ánh mắt còn phảng phất nỗi kinh hoàng của ông già. Rồi tháo chạy. Không chỉ nóc Ông Tuân mà nóc Ông Dương, nóc Ông Trung, bà con cũng theo cuộc di dân bắt buộc, cõng được những gì có thể, về nơi này - Khe Chữ, nơi trước đây vốn chỉ có 2 lán trại để canh rẫy và 1 ngôi nhà kiên cố. Giã từ làng cũ, giã từ những căn nhà, bà con sống tạm ở Khe Chữ “như thời đói khổ”, với những căn lều chỉ đủ chỗ cho nhiều nhất là 3 tấm chiếu. Căn lều già Lư chỉ có 2 gia đình, với 6 người, đã khổ sở vì chật chội, tạm bợ. Có những lều đến 4 gia đình cùng sống, đêm nằm không còn khoảng trống để trở mình.
Nhiều căn lều có đến 3, 4 hộ cùng ở chung. Ảnh: C.N |
Thiếu nước sạch, người dân gom góp tiền đi mua ống dây, kéo nước từ khe phía xa về chia nhau sử dụng. Nhiều gia đình phải dè sẻn từng giọt nước mưa hứng được. Heo gà quẩn quanh, dẫm nhoẹt đám đất quanh những túp lều, vốn là mảnh ruộng. Mưa, nước đọng, thành thử ai muốn đi lại đều phải lội trong lớp nước nổi váng phèn. Chật chội, vệ sinh không đảm bảo, chuyện sinh hoạt hàng ngày đều theo cách tạm bợ. Họ đã sống như thế, suốt 4 tuần, và chưa dừng lại.
Chúng tôi đi thăm những túp lều. Mưa mờ đục. Không đi làm, họ ngồi ở ô cửa lều nhìn ra màn mưa. Không gì u buồn hơn những ánh mắt từ ô cửa ấy. May mắn, là hàng loạt đoàn cứu trợ liên tục tìm đến giúp đỡ. Chăn màn, quần áo, thức ăn, đủ để không lo đói, không lo rét. Nhưng làm sao có thể không buồn? Chị Hồ Thị Ngang, người ở nóc Ông Tuân nói rằng cứ ở ngày nào hay ngày đó, chứ nhà cửa đã nằm dưới đống đất đá khổng lồ kia. Hành trang chỉ gói gọn trong chiếc gùi. May mắn lắm thì còn ít gạo, ít lúa từ nhà cũ làm tài sản. “Người lớn còn chịu khổ được, chớ mấy đứa nhỏ cũng phải khổ theo, tội lắm. Nhìn kìa, mưa gió thế này, ở trong lều như này, biết làm sao?” - chị nói, mà cảm giác như chị cũng đang hỏi chính mình, khi trước mắt vẫn là những toan lo. Ừ thì không đói, không rét, nhưng rõ ràng ai cũng ngán ngẩm cảnh tạm bợ hiện tại. Nhiều gia đình, vẫn chưa biết mảnh đất mình sẽ được bố trí để dựng nhà ở đâu, giữa Khe Chữ này.
An dân
Đêm xuống, Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân Nguyễn Thanh Luận họp dân. Nhà của ông cũng ở nóc Ông Tuân. Gia đình, con cháu cũng theo cuộc di dân của cả làng đến Khe Chữ. Cũng không thể nhớ đây là lần họp dân thứ mấy của lãnh đạo xã với dân. Bởi trong muôn trùng gian khó trước mắt, chuyện an dân cũng cần kíp như lo cái ăn, cái mặc cho bà con. Lo lắng, băn khoăn, những câu hỏi về chuyện an dân lại một lần nữa được đặt ra. Nhiều người trong số họ không chờ đến cuộc họp, mà vừa thấy ông Luận về Khe Chữ, đã đến hỏi về bố trí đất đai, về nơi sản xuất, việc di dời nhà cửa… Vừa giải thích, vừa vận động, vừa ổn định tư tưởng, sự kiên trì của ông Bí thư Đảng ủy xã như một niềm xác tín rằng, địa phương đang chạy đua với thời gian để ổn định sớm nhất cuộc sống cho dân. Ông Luận cho chúng tôi biết, có khoảng 100 hộ dân di dời đến Khe Chữ, thì hiện tại đã có 30 nền nhà được san phẳng, gắn tên. Những hộ có người chết, người bị thương, hộ khó khăn, gia đình chính sách được ưu tiên cấp đất, san nền trước. Số còn lại, chắc chắn sẽ được bố trí đủ đất dựng nhà. Có 4 căn nhà đã được dựng khung, lợp tôn, và hàng trăm người lính đang đổ mồ hôi xuống “đại công trường Khe Chữ”, cùng với máy xúc hoạt động liên tục, đang là câu trả lời tốt nhất. Và người dân vẫn mong rằng họ sẽ kịp có đất, kịp dựng nhà ăn Tết máng nước, một lễ hội quan trọng của bà con Ca Dong những ngày đầu năm mới.
Nguồn nước nhỏ kéo về từ khe suối dùng chung cho 6 túp lều. |
Sáng hôm sau, chúng tôi theo ông Luận về nhà, vốn là trại để ở lại làm ruộng, giờ thành chỗ sống chung cho 4 hộ. Riêng các hộ dân khác, lúc di dời về Khe Chữ đã được chính quyền hỗ trợ bạt để dựng lều, đồng thời cấp gạo, nhu yếu phẩm đủ dùng trong thời gian chờ dựng lại nhà cửa. Họ dựng lều trên đất ruộng của ông Luận. Bếp đỏ lửa, phả hơi ấm cả căn nhà sàn nhỏ. Ông Luận kể, trước khi chọn Khe Chữ làm chỗ dừng chân cho 144 hộ dự kiến ban đầu, xã đã tổ chức liên tiếp 3 cuộc họp. Chính quyền lắng nghe dân. Khe Chữ là do dân chọn. Xã cũng đã mời các ban ngành của huyện về khảo sát từ lời đề nghị của dân và được đồng ý. “Nơi này là mặt bằng tốt nhất mà Trà Vân đang có. Địa hình bằng phẳng, xa đồi dốc, có nguồn nước từ suối, lại nằm ngay cạnh đường Đông Trường Sơn đang mở. Trước đây, nơi này chỉ có vài hộ ở tạm để sản xuất, nhưng bây giờ Khe Chữ sẽ là làng mới. Tương lai, việc đi lại cũng sẽ thuận tiện hơn. Nơi này cũng không xa khu sản xuất cũ, do đó bà con đều có thể trở lại nương rẫy cũ để làm ăn. Trước mắt, bà con vẫn phải sống trong lều bạt, nhưng chúng tôi đang tích cực phối hợp, sớm triển khai mọi giải pháp để tiến độ đạt kế hoạch đề ra, phấn đấu đảm bảo ổn định cho dân về nhà ở trước Tết Nguyên đán” - ông Luận nói.
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và các nhà hảo tâm, người dân đủ lương thực để ở tạm chờ dựng nhà cửa. Ảnh: C.N |
Trời lại mưa. Nhưng phía những túp lều, khói nghi ngút bay lên, như xua bớt cái lạnh giá của vùng cao. Con trai ông Luận lấy thêm củi từ giàn, đun nồi canh nóng đang bốc hơi nghi ngút, sẵn sàng cho bữa sáng. Ông Luận bảo, từ khi 4 nóc nhà được dựng và lợp tôn, bà con cũng bớt dần những lời thì thào khó khổ. Vì họ biết, sau những nóc nhà đó, sẽ đến lượt mình. Sự đợi chờ nào cũng ít nhiều mệt mỏi. Nhưng từ một niềm tin đang được thắp, từ những nền nhà đã thành hình, họ có quyền hy vọng. Bếp lửa còn đỏ, nhà còn gạo, còn củi, và phía kia, những người lính đang miệt mài bám trụ, niềm hy vọng lớn dần…
_______
Bài 2: Đi theo con chữ
Khi đất đá phủ vùi, trường học cũng cùng chung số phận với bao ngôi nhà nơi này. Trẻ em rời trường, thầy cô giáo lại khăn gói đi theo học sinh tìm về Khe Chữ.
Ghi chép của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC