Nụ cười đã nở, dù lo toan còn bộn bề nằm lại khi cơn lũ ngay trước thềm tháng Chạp đi qua. Sau nhiều lắm những mất mát chẳng thể đo đếm bằng vật chất, tôi vẫn thấy lấp lánh một sự đợi chờ an yên trong mắt họ, khi nhắc về cái tết đang đến rất gần…
Nắng ở Đông Bình
Nắng đã lên. Sau những ngày mưa dầm dề thối đất, rồi thì ông trời cũng ngưng trút nước xuống Đông Bình, ốc đảo nhỏ nhoi nằm lọt thỏm giữa bốn bề sông nước của xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên). Tôi đi qua con đập mới vừa được đắp lại, những bao cát còn dựng ngổn ngang. Bờ đập mới vừa làm xong được đúng một ngày, mớ cọc tre đóng xuống vẫn còn xanh. Phía lòng sông, dăm ba chiếc máy hút cát đắp bờ còn nằm nguyên đó, với mớ ống hút loằng ngoằng vắt qua thân đập. Chiếc xe máy nhảy chồm trên những bao cát, “công trường” còn bề bộn, nhưng với người dân Đông Bình, đã là một niềm vui lớn. Lần thứ ba trong năm, cả làng dồn công đắp đập. Vì lũ.
Con đập mới qua thôn Đông Bình đã được đắp trở lại, sau nhiều ngày dài chia cách do lũ. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Ghé vào làng, tôi gặp bà Lê Thị Kéo, vẫn đang thoăn thoắt rọc cắt những sợi cói thừa trong tấm chiếu vừa dệt. Nhà bà Kéo ở ngay cổng làng, cũng là nơi các chị, các bà trong thôn dùng nấu cơm cho đội quân đắp đập suốt mười ngày ròng. “Năm nào có lụt, là năm đó dân làng kêu nhau gánh gồng đắp sửa. Trôi lại đắp. Người ta kêu dân Đông Bình “to đầu”, cứ quanh năm đắp đập, chống trời, chống nước. Mà biết sao được, có mỗi con đường độc đạo, không làm thì lấy đâu dân đi. Sá gì chú!” - bà Kéo cười. Tôi nhìn bờ đập, tưởng “sá gì” thật. Nhưng có ở đây vào những ngày đắp đập, mới thấy cái sự “to đầu” của dân Đông Bình. Nước có nơi sâu gần 7 thước, cả thân đập dài gần 300 mét. Nước sông, độ lũ mới rút, còn cuồn cuộn xói vào tận chân đập, bóc dỡ hết cả bờ bê tông, huống chi mớ cọc tre bao cát dân làng gò lưng đóng, đắp. Không chỉ một, mà tận ba lần, trong một năm, cả làng oằn lưng với những bao cát để đắp sửa con đường độc đạo. Cả làng chừng hơn 300 hộ, nhìn đâu cũng thấy toàn người già, vậy mà làm bất chấp mưa lũ, bất chấp nền nhà mình đang còn lấm lem bùn non để đi đắp đập.
Màu xanh đã trở lại trên làng rau Bàu Tròn. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Ông Đỗ Ngọc Nga (43 tuổi), dẫn chúng tôi trở ra đập, chỉ vào đống bao cát ngổn ngang còn nằm lại, nói nội tiền mua bao đựng cát đã ngốn ngót nghét gần 50 triệu đồng. Đó là chưa tính mỗi hộ phải đóng góp cho thôn 20 bao đựng cát. Mỗi ngày, có gần 200 lao động túc trực từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, ăn uống ngay trên “công trường”, với sự hỗ trợ của 7 máy hút cát từ lòng sông. Tiền vật liệu, tiền thuê máy hút cát, rồi tiền thức ăn nước uống cho những người đắp đập, cả làng đồng lòng gom góp. Những người con xa quê tít tận Nha Trang, Vũng Tàu, nghe tin trôi đập, cũng í ới gọi nhau gửi tiền về quê. Kẻ ít người nhiều, góp của, góp công, rồi thì sức nước cũng thua sức người. Mười ngày ròng, Đông Bình được nối liền, thôi lụy những chuyến đò giang. “Bữa lũ, trong xóm này có tới 4 cái đám tang. Mà khổ, nước bao vây tứ bề, chỉ có cách dùng ghe chở tít qua bên kia sông mà táng vì đất này thấp quá, không làm gò mả chi được. Có bà cụ kia mất, phải để ở nhà 10 ngày trời chờ nước rút bớt mới đẩy ghe đi chôn. Rứa mới nói, không có cái đập ni, khổ không để đâu cho hết. Mấy bà, mấy cô trong thôn ni cũng nhờ có cái đập mà qua được bên kia Hội An, làm thời vụ, kiếm ít tiền trang trải tết này” - ông Nga nói. Rồi ông kể, tiền góp làm đập cũng là nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện cho mỗi hộ 500 nghìn đồng, rồi ai cũng đồng lòng trích lại. Sau lũ, lại gượng dậy, như con đập kia cứ lở lại liền, bất chấp những nghiệt ngã của đất trời mùa lũ. Đập vừa xong, cũng là bữa nắng đầu tiên trên đất Đông Bình. Nắng trời, mà lấp lánh niềm vui của người dân ốc đảo…
Nảy mầm trên đất phù sa
Sẽ hỗ trợ kịp thời để bà con đón tết Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, chính quyền đã có hướng dẫn cụ thể cho người dân khắc phục hậu quả bão lụt, tái sản xuất, trong đó có đầy đủ những nội dung tư vấn cây trồng phù hợp, kỹ thuật canh tác… Ngoài ra, huyện đã ứng kinh phí khoảng 11 tỷ đồng phân bổ cho các địa phương bị thiệt hại nhằm hỗ trợ bà con chịu ảnh hưởng của các đợt mưa lụt vừa qua. Đồng thời Ủy ban MTTQ huyện đã và đang tiếp nhận, phân bổ nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ để nhân dân có điều kiện đón tết. |
Rời Đông Bình, chúng tôi ngược lên làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) dưới chân cầu Quảng Huế. Dấu vết của đợt lũ còn sót lại, là mớ rều rác và thân đu đủ tả tơi chất đống ven đường. Phù sa quánh đặc lối đi. Nhưng dưới cánh đồng, từng luống đất đã lại lên với những mầm xanh của đậu tây, của ớt, của bắp đang nhú dần từ đất. Và giàn khổ qua “may mắn” còn sống sót sau đợt lụt. Trên những hạt phù sa đong đầy nước mắt của dân Bàu Tròn, màu xanh trở lại. Dù trước đó, hai đợt lụt đã nhấn chìm toàn bộ giống má, rau màu của bà con trong nước bạc, nhấn chìm luôn cả mùa vụ đợi chờ nhất trong năm: mùa rau tết… “Biết rứa, nhưng giờ hổng lẽ để đất không. Đất ở Bàu Tròn ni quanh năm không nghỉ, người cũng ráng gồng theo đất. Khó quá, thì ra đại lý mua nợ giống, nợ phân, đến hồi tháng 3 bán bắp, bán rau mà trả lại. Như sào đất ni, tôi xuống hai đợt giống, trôi hết rồi.
Vụ rau tết trôi qua, không chỉ vốn liếng, mà nguồn thu nhập của dân Bàu Tròn để sắm sửa cho ngày tết cũng không còn. Tết buồn ngỡ chừng treo trước ngõ. Nhưng họ không bỏ ruộng đồng. Sau những ngày dài mưa gió, người người đổ ra đồng, lên lại từng luống đất, sửa sang giàn khổ qua đã bị thối gốc phân nửa do nước lũ. Lặng lẽ và cần mẫn. Trên những hạt phù sa đong đầy nước mắt của dân Bàu Tròn, màu xanh trở lại. |
Giờ trồng cũng không kịp tết, nên thôi, thả mấy hột bắp vớt vát vụ mùa” - ông Phan Văn Đùng, người dân Bàu Tròn nói. Vụ rau tết trôi qua, không chỉ vốn liếng, mà nguồn thu nhập của dân Bàu Tròn để sắm sửa cho ngày tết cũng không còn. Tết buồn ngỡ chừng treo trước ngõ. Nhưng họ không bỏ ruộng đồng. Sau những ngày dài mưa gió, người người đổ ra đồng, lên lại từng luống đất, sửa sang giàn khổ qua đã bị thối gốc phân nửa do nước lũ. Lặng lẽ và cần mẫn. Tôi gặp chị Lê Thị Hường, đang tỉ mẩn thụ phấn cho giàn khổ qua còn sót lại sau đợt lũ. “Tám sào đất chỉ còn được vài giàn khổ qua ni, mất hết hơn nửa thu hoạch. Bù lại, giá khổ qua năm ni tăng cao, cũng còn được chút ít đón tết. Nhưng dù sao nhà mình cũng may mắn hơn, nhiều nhà mất trắng” - chị Hường cười không thành tiếng. Những trái khổ qua còn sót lại lủng lẳng trên giàn, đủ để chờ đợi tết. Trên phần đất kế bên, anh Huỳnh Bá Tâm đang dựng lại những giàn đậu tây cho vụ mới, mầm giống đã bắt đầu nhú khỏi đất. Nhìn khắp một vùng đất rộng ven sông, đâu đâu cũng thấy dáng người. Và màu xanh, của rau trái nẩy mầm, của sự hồi sinh.
Chủ tịch UBND xã Đại An - ông Đỗ Văn Hòa cho hay, dù thiệt hại nặng trong lũ, nhưng người dân ở các thôn trong xã đã tìm cách khôi phục sản xuất. Một số nhà hảo tâm tìm đến giúp đỡ người dân vùng lũ, kịp thời động viên họ lúc khó khăn. “Đợt lũ, hơn 1.300 hộ ở Đại An bị thiệt hại, với tổng diện tích chừng 233ha hoa màu. Lũ rút, bà con đổ ra đồng kiểm tra lại cây trồng, chăm sóc số rau màu còn sống, đồng thời tái sản xuất ở những diện tích bị mất trắng. Trước những khó khăn của bà con, xã cũng đã đề xuất huyện nhanh chóng có phương án hỗ trợ. Những hoạt động vui chơi, giải trí trong dịp tết cũng đã được xã đề nghị cắt giảm, dành kinh phí giúp đỡ cho những hộ nghèo, hộ khó khăn đón tết” - ông Hòa nói.
Tết đang đến rất gần. Đi qua những ngày lũ, niềm hy vọng lại được nhen nhóm trên những cánh đồng, trong từng thôn, từng ngõ, bằng sự bền bỉ của những người dân quê chịu thương chịu khó, bằng niềm tin đón đợi một năm mới an lành.
Tết mà, buồn đâu có được…
Ghi chép của THÀNH CÔNG