Mãn đình hồng thắm mãi

DUY HIỂN 20/11/2015 15:18

Ngày ấy, thế hệ học trò chúng tôi phần lớn đều thiếu thốn. Nữ sinh chẳng thướt tha áo dài, học sinh nam cũng chẳng đồng phục. Ai có gì mặc nấy. Bọn tôi là con nông dân vùng phía tây và tây bắc Tam Kỳ, buổi làm ruộng, buổi đi học. Có đứa cày ruộng xong đã xế trưa, nuốt vội miếng cơm rồi tất tả đến lớp, chân vẫn còn lấm bùn. Có đứa không có xe đạp phải cuốc bộ từ sớm, dọc đường bạn bè gặp đâu chở đấy. Nhớ những mùa đông lạnh buốt mà cả bọn hầu như chỉ phong phanh những manh áo mỏng, lạnh quá cứng cả bàn tay, phải hà hơi lên những ngón tay tê buốt mới viết được. Nhìn cái cảnh thiếu thốn của đám học trò nghèo nông thôn chúng tôi, các thầy cô xuýt xoa thương lắm. Mà phần lớn thầy cô lúc ấy cũng chẳng khá giả gì. Nghèo khó vậy nhưng hầu hết học trò đều không hư hỏng, quậy phá. Tuyệt nhiên không có học trò uống rượu, chứ đừng nói đến cần sa, thuốc phiện. Đôi khi ai đó bị Cờ đỏ bắt vì tội hút thuốc lá và bị nhà trường nêu tên trong buổi chào cờ là đã cảm thấy xấu hổ lắm rồi. Khi con người còn biết xấu hổ thì họ khó rơi vào sa ngã.

Hội ngộ thầy và trò nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ). Ảnh: ĐÌNH QUÂN
Hội ngộ thầy và trò nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ). Ảnh: ĐÌNH QUÂN

Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua nhưng nhiều  thầy cô Trường THPT Trần Cao Vân vẫn để lại trong tâm trí chúng tôi những ấn tượng không phai mờ về nhân cách của những người làm công việc “trồng người”. Chủ nhiệm lớp tôi năm đầu cấp là cô Xuân Lan. Cô vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn về, mà bọn chúng tôi nhiều đứa do chiến tranh phải học muộn nên tuổi học trò không cách xa cô giáo là mấy. Thế nhưng cả lớp đều răm rắp vì tính cô rất nghiêm. Nghiêm mà rất tình cảm. Cô đã biến những giờ sinh hoạt lớp cuối tuần thành những cuộc gặp gỡ thật đầm ấm. Chất giọng truyền cảm, lối kể chuyện sinh động khiến chúng tôi luôn chờ đợi đến thứ Bảy để  được nghe cô đọc truyện ngắn trên báo Văn nghệ hay kể chuyện phim. Có hôm câu chuyện dang dở khiến bọn học trò chúng tôi nóng lòng đợi đến thứ Bảy tuần sau. Hồi đó sách báo, phương tiện nghe nhìn không ê hề như bây giờ. Có lần cô kỳ công vào tận rạp Hòa Bình mua vé cho chúng tôi xem phim Thầy lang - một bộ phim của Ba Lan rất hay và đang sốt vé. Có hôm cô lại hát cho cả lớp nghe…

Tôi nhớ mãi thầy Thuyên - người đã dẫn dắt chúng tôi bước vào rất nhiều tiết địa lý đầy khám phá lý thú. Thỉnh thoảng thầy lại chia lớp tôi thành mấy nhóm. Mỗi nhóm thuyết trình một đề tài, tư liệu tự tìm kiếm lấy với sự gợi ý của thầy. Thực ra, với điều kiện sách báo tham khảo thiếu thốn như lúc ấy, đây quả là công việc hóc búa nhưng cách dạy này lại giúp chúng tôi năng động hơn và có kiến thức rộng hơn. Thỉnh thoảng trong giờ dạy, thầy lại bất chợt đưa ra một nhận xét, tỉ như: “Trong khi ở Nhật Bản, người ta dạy con em họ rằng nước Nhật tài nguyên nghèo nàn, mọi người phải cố lao động sáng tạo thì chúng ta vẫn lặp đi lặp lại rằng nước ta rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”, hay như: “Chúng ta cứ toàn chê chủ nghĩa tư bản nhưng các chủ tư bản vẫn biết tặng quà cho công nhân của mình trong ngày sinh nhật của họ”. Bây giờ những kiểu lập luận như thế cũng bình thường nhưng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi tư duy bao cấp, ý thức hệ “phe ta - phe địch” vẫn chủ đạo trong đời sống xã hội thì đấy là những tư tưởng hết sức cởi mở, đổi mới. Tôi nhớ thầy Tâm dạy lịch sử với những câu chuyện ngoài đề hấp dẫn; thầy Thu dạy văn lôi cuốn chúng tôi bằng giọng bình văn trầm ấm. Những tiết giảng của thầy đã thúc đẩy thêm niềm say mê học văn của tôi.       

Và để lại trong tôi một hình ảnh thật sâu đậm là thầy Thuận dạy Toán. Ấn tượng bởi phong cách hiền từ và phương pháp sư phạm rất dễ hiểu của thầy. Và ấn tượng trong tôi còn bắt nguồn từ một câu chuyện khác. Hồi ấy, cũng đã có chuyện dạy thêm học thêm. Hơn nữa chúng tôi ở vào năm cuối cấp, rất cần học thêm để củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học. Chúng tôi học thêm môn toán với thầy Thuận. Nhà thầy nằm ở con phố nhỏ của Tam Kỳ, trước sân trồng rất nhiều chậu mãn đình hồng. Mùa xuân hoa mãn khai, đỏ hồng cả góc sân. Nhà thầy rất nhiều sách. Dạy thêm chúng tôi, nhưng hầu như thầy không “bắt bí” hay lôi kéo học trò theo cái kiểu ra đề kiểm tra bằng bài toán đã dạy thêm. Hết tháng học đầu tiên, khi tôi nộp học phí thì thầy nói: ‘Thôi khỏi, em là con liệt sĩ”. Giọng thầy Thuận rất khẽ khàng, nhưng tôi bàng hoàng đến lặng cả người. Thầy không chủ nhiệm lớp tôi, làm sao thầy biết rõ hoàn cảnh gia đình tôi như vậy. Đến bây giờ tôi vẫn không lý giải được điều thắc mắc ấy. Thầy đã dành cho tôi một sự quan tâm đặc biệt như thế giữa lớp lớp học sinh thầy dạy. Thầy chuyển ra Đà Nẵng đã lâu nhưng mỗi khi đi qua con phố - nơi từng có ngôi nhà nhỏ của thầy trong tôi như lại hiển hiện những bông hoa mãn đình hồng tươi thắm.

DUY HIỂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mãn đình hồng thắm mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO