Mạn tây Núi Thành hôm nay

ĐÔNG YÊN 24/04/2015 09:09

Vùng tây Núi Thành gồm các xã Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây, Tam Trà, Tam Thạnh và Tam Sơn. Sau chặng đường 40 năm xây dựng, vùng đất này đã có một diện mạo hoàn toàn mới.

Chuyển mình…

Vùng tây Núi Thành được biết đến là chiếc nôi cách mạng trong những ngày kháng chiến gian khổ. Cứ mỗi lần về đất này, tôi lại được nghe những câu chuyện hào hùng. Chủ tịch UBND xã Tam Trà Nguyễn Ngọc Mười kể: “Những năm kháng chiến chống Pháp, đồng bào ở Trà Thượng - Trà My (nay thuộc xã Tam Trà) đã nhiều lần đứng lên đánh địch. Còn thời kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi đóng quân của các đại đội V18, V20 Huyện đội Nam Tam Kỳ để làm bàn đạp tấn công địch ở đồng bằng”. Trong khi đó, xã Tam Thạnh lại là nơi mà Huyện ủy Nam Tam Kỳ từng đóng chân gần như liên tục trong kháng chiến chống Mỹ. Xuôi về vùng Tam Mỹ (nay là Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây), mảnh đất anh hùng này từng là nơi trọng điểm bình định của địch. Nhưng quê hương Tam Mỹ chưa bao giờ bị khuất phục.

Người dân vùng tây Núi Thành đã có những mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao. TRONG ẢNH: Kết hợp trồng lúa và mô hình trồng bông của ông Phạm Bé. Ảnh: Đ.Y
Người dân vùng tây Núi Thành đã có những mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao. TRONG ẢNH: Kết hợp trồng lúa và mô hình trồng bông của ông Phạm Bé. Ảnh: Đ.Y

Không biết bao lần về vùng tây Núi Thành nhưng tôi cũng không thể mường tượng nổi về những khổ nhọc như lời kể của Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tiến: “Những ngày sau giải phóng, muốn ngược lên vùng tây thì đi từ 4 giờ sáng đến 21 giờ tối. Đường lên luôn trong tình trạng bị tắc lại do lầy lội, nhất là mùa mưa. Còn dân cư thì thưa thớt vì lúc đó vùng này chủ yếu núi rừng hoang hóa”. Vậy mà giờ đây, lên vùng tây Núi Thành có thể theo tuyến Tam Anh Nam - Tam Thạnh hoặc từ ngã ba Tam Giang ngược lên theo tuyến ĐT617, đường nào cũng đã được nhựa hóa, rộng thênh thang. Dọc theo cung đường đó, những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát; nhiều đoạn như lạc vào chốn đại ngàn với những rừng keo, cao su nối tiếp uốn lượn, đẹp như tranh vẽ... Ông Nguyễn Ngọc Mười – Chủ tịch UBND xã Tam Trà cho hay, từ các nguồn vốn 134, 135, xã Tam Trà đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. “Từ Chương trình 134, chúng tôi hỗ trợ làm 244 nhà kiên cố cho nhân dân, đóng 49 giếng nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất… với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Rồi từ Chương trình 135 với nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng cùng với nhiều nguồn kinh phí khác, chúng tôi xây dựng trường học, trạm y tế xã, đường giao thông, đập dâng, kênh dẫn nước… Tất cả đã giúp cho Tam Trà mang một diện mạo mới như ngày hôm nay”.

Giấc mơ no ấm

Theo ông Nguyễn Ngọc Mười - Chủ tịch UBND xã Tam Trà, sau ngày giải phóng, Tam Trà chỉ có 5 thôn người Kinh và vùng Trà Thượng (Trà My) với dân số chỉ khoảng vài trăm hộ. Kinh tế chẳng có gì vì vùng này hoang hóa với rừng núi âm u. Người dân chỉ còn cách ngược đò Tam Sơn mang theo được ít lâm sản xuống Tam Kỳ bán rồi đổi nhu yếu phẩm mang lên. Trước đó thì không có thống kê nhưng vào năm 1994, Tam trà có 593 hộ với 2.581 nhân khẩu thì có đến 60,37% là hộ đói, hộ nghèo. Không chỉ riêng Tam Trà, cả vùng tây Núi Thành trước đây là một “vùng trũng” về kinh tế của Núi Thành. Năm 1994, xã Tam Mỹ có đến gần 60% số hộ đói nghèo, xã Tam Sơn có tỷ lệ hộ đói nghèo là khoảng 36% và xã Tam Thạnh là gần 35%.

Nhưng nay thì khác hẳn, nhiều xã vùng tây Núi Thành đã có bước chuyển dài về phát triển kinh tế khi có thêm nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Ông Phạm Bé (thôn Phú Quý 3, Tam Mỹ Đông, Núi Thành) cho biết, từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi và chủ trương dồn điền đổi thửa, việc sản xuất của người dân gặp nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả. “Từ việc địa phương hỗ trợ mô hình trồng bông bằng nguồn phát triển sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi trồng 4 sào bông các loại, mỗi vụ cũng thu về được trên chục triệu đồng. Kết hợp với việc trồng lúa, trồng rau màu nữa thì mỗi năm có thể thu đến gần 100 triệu đồng. Ở vùng tây này, do điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, có nhiều gia đình phát triển mô hình kinh tế kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu”.

Giấc mơ thoát nghèo của nhân dân vùng tây Núi Thành giờ đang dần trở thành hiện thực. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, và phát huy thế mạnh trồng rừng, rất nhiều người dân ở vùng đất khó khăn này đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, nhiều gia đình đồng bào người Co bản địa đã biết tận dụng lợi thế tự nhiên, đầu tư triển khai nhiều mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả, nhiều hộ thoát nghèo bền vững từ mô hình kinh tế hộ, chăn nuôi, trồng rừng. Theo thống kê, những năm qua tỷ lệ hộ nghèo ở vùng tây Núi Thành giảm dần như xã Tam Mỹ Đông năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,95%, xã Tam Mỹ Tây tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 5,95%, thu nhập bình quân đầu người cho cả vùng đã đạt khoảng 23,5 triệu đồng/năm…

ĐÔNG YÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mạn tây Núi Thành hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO