(QNO) - Ngày 14.6 tới, lễ hội “Áo dài Hội An - Danh thắng Việt Nam” sẽ diễn ra tại sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An. Đây là câu chuyện kể về tình yêu áo dài theo cùng giá trị của những danh thắng Việt Nam đã được công nhận là Di sản thế giới.
Tổng đạo diễn chương trình lễ hội “Áo dài Hội An - Danh thắng Việt Nam”, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng: “Khi trình diễn 17 bộ sưu tập với hình ảnh các danh thắng Việt Nam tại sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An chắc chắn tà áo dài sẽ có thêm giá trị mới. Đó cũng là diện mạo mới thật sinh động, thật duyên dáng, thật mới lạ trên hành trình sáng tạo, nâng tầm và khẳng định giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam”.
Ý tưởng xuyên suốt là 17 di sản và danh thắng Việt Nam từ Hoàng thành Thăng Long, vịnh Hạ Long, di tích Tràng An, thánh địa Mỹ Sơn, chùa Cầu - Hội An, Phong Nha - Kẻ Bàng, cồng chiêng Tây Nguyên... Việc đưa danh thắng Việt Nam lên 17 bộ sưu tập áo dài hội tụ tại sân khấu Ký ức Hội An là cuộc “ra quân” đầu tiên sau dịch Covid-19.
Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, việc chọn sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An vì xuyên suốt show diễn này là hình ảnh các cô gái trong tà áo dài. Từ những ấn tượng đã có đó, việc làm mới và nhấn mạnh áo dài là chủ thể của lễ hội “Áo dài Hội An - Danh thắng Việt Nam” sẽ đưa người xem đi từ quá khứ đến hiện tại và những câu chuyện áo dài cho tương lai.
Với sự sáng tạo linh hoạt của tập thể các biên đạo và 17 nhà thiết kế hứa hẹn sẽ mang lại một không gian nghệ thuật độc đáo… minh chứng sức sống mãnh liệt của chiếc áo dài Việt Nam.
Hội An là nơi hiếm hoi còn gìn giữ gần như trọn vẹn những giá trị cổ kính của hàng trăm năm trước dù trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Chính điều đó khiến Hội An trở nên khác biệt và người dân nơi đây có quyền tự hào với bạn bè quốc tế về những giá trị vô giá của mình.
Nhà thiết kế Chula với bộ sưu tập “Phố cổ Hội An” cho rằng, di sản phố cổ Hội An là “một thực thể sống” gồm hai mặt giá trị cụ thể. Một bên là những giá trị văn hóa bề nổi đang được bổ sung, thay đổi thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu cần có của một thành phố du lịch. Một bên là cuộc sống thực của người dân phố Hội ngay trong lòng di sản.
Tại buổi trình diễn, trên nền nhạc Chămpa, nhà thiết kế Cao Duy sẽ có bộ sưu tập “Thánh Địa Mỹ Sơn” dựa trên ý tưởng của một quần thể kiến trúc đền đài bí ẩn. Đó không chỉ lưu giữ lại được những dấu tích cổ xưa của một nền văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật vô cùng độc đáo.
Theo dòng ký ức, chiếc áo dài sẽ lần lượt gắn bó với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Và hoa hậu Việt Nam 2010, nhà thiết kế áo dài Ngọc Hân với bộ sưu tập “Nhã nhạc cung đình Huế” kết hợp vơi họa sĩ Phạm Trinh đã tạo nên một nét rất đặc biệt.
Theo đại diện Công viên Ấn tượng Hội An và show diễn Ký ức Hội An, ý nghĩa và vai trò của áo dài trong show diễn Ký ức Hội An đã được khẳng định. Vì thế việc tổ chức lễ hội “Áo dài Hội An - Danh thắng Việt Nam” ngay chính tại sân khấu Ký ức Hội An là minh chứng về nguồn gốc, vẻ đẹp, giá trị của áo dài. Giá trị Việt Nam, văn hóa Việt Nam tiềm tàng trong nghệ thuật, trong thiết kế thời trang vĩnh cửu.
Ngoài sự tham gia trình diễn của 200 diễn viên của Nhà hát Ký ức Hội An và khoảng 30 người mẫu chuyên nghiệp, lễ hội còn có sự góp mặt của danh ca hải ngoại Elvis Phương.