Màn trình diễn của "các nhà khoa học nhỏ tuổi"

XUÂN PHÚ 30/01/2020 14:21

Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh (HS) cấp trung học toàn tỉnh năm học 2019 - 2020 tổ chức vào dịp cận Tết Canh Tý khá bận rộn song đã “trình làng” được nhiều “nhà khoa học nhỏ tuổi” với những dự án mang tính nhân văn và thiết thực với cuộc sống.

Trần Ngọc Thắng bên dự án “Cơ chế lái cho người khuyết tật tay” tại cuộc thi. Ảnh: X.P
Trần Ngọc Thắng bên dự án “Cơ chế lái cho người khuyết tật tay” tại cuộc thi. Ảnh: X.P

Đậm tính nhân văn

Cách đây vài năm, dự án “Thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braille cho người khiếm thị” của Võ Trung Thiên Tường (HS Trường THPT Lý Tự Trọng - Thăng Bình) được trao giải nhất lĩnh vực và giải nhì toàn quốc bởi đã thuyết phục ban giám khảo không chỉ ở tính thực tiễn mà còn tính nhân văn khá cao.

Năm nay, một lần nữa ở cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh xuất hiện dự án dành cho người khuyết tật và cũng đã được Ban giám khảo trao giải nhất cùng tấm vé đi tranh tài tại cuộc thi quốc gia, đó là “Cơ chế lái cho người khuyết tật tay” của Trần Ngọc Thắng (HS Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Tiên Phước).

Khi mà rất nhiều người trong giới trẻ hiện nay dường như ít quan tâm đến những người chung quanh thì ý tưởng sáng chế ra một thiết bị để hỗ trợ người khuyết tật của một cậu học trò lớp 12 thật đáng khâm phục.

“Hiện nay người khuyết tật chân đã có xe lăn hỗ trợ song người khuyết tật tay không có phương tiện di chuyển nào. Vì vậy, dự án này hướng đến việc hỗ trợ cho những người không may mắn có thể điều khiển phương tiện giao thông như xe lăn nhờ cơ chế dùng lưng lái bằng cảm biến góc nghiêng MPU” - Thắng chia sẻ.

Kết quả, cuộc thi có 5 giải nhất, 12 giải nhì, 29 giải ba. Trong những dự án giành giải nhất, có 3 dự án thuộc về HS Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tam Kỳ là Đoàn Phương Ý Như và Nguyễn Trọng Nghĩa, Phạm Gia Huy và Trịnh Quang Anh, Lê Thị Dạ Thảo và Nguyễn Đặng Quốc Hưng; 2 dự án còn lại thuộc về Nguyễn Văn Huân và Phạm Tăng Huy (Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông - Hội An), Trần Ngọc Thắng (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Tiên Phước).

Giải nhất năm nay còn được trao cho 4 dự án khác; trong đó, dự án “Ứng dụng mạng nơron sinh đối kháng để tự động tạo ra các bài tập đọc hiểu học thuật” của Đoàn Phương Ý Như và Nguyễn Trọng Nghĩa (HS Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tam Kỳ) được chọn đi thi toàn quốc cho thấy học trò đã bắt nhịp với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0.

Điều đáng nói nữa trong cuộc cạnh tranh ở cuộc thi năm nay là, một số dự án của HS cấp THCS nhưng cạnh tranh sòng phẳng so với các anh chị cấp THPT về yếu tố chuyên môn.

Chẳng hạn, dự án “Sử dụng trọng lượng của người đi tiểu để dội nước cho bồn tiểu nam” của cậu học trò lớp 8 Võ Minh Thông (Trường THCS Lý Tự Trọng - Tiên Phước) đạt giải nhì, hay một dự án cũng được trao giải nhì là “Bộ đôi sản phẩm tập thể dục được tái chế từ xe đạp cũ, có chức năng tích lũy nguồn điện” của Nguyễn Viết Pháp và Nguyễn Văn Thịnh (HS Trường THCS Tam Lộc - Phú Ninh).

Truyền cảm hứng

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Văn  Chính, đây là sân chơi trí tuệ, bổ ích dành cho HS trung học được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích HS trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống; góp phần thúc đẩy việc đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, phát triển năng lực HS. Đây cũng là cơ hội để HS trung học thể hiện năng lực và niềm đam mê học tập, nghiên cứu, sáng tạo; khả năng giao tiếp, thuyết trình hùng biện; tăng cường trải nghiệm sáng tạo. Qua đó giúp ngành tuyển chọn các dự án xuất sắc trao giải và tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc.

Cuộc thi năm nay có tổng cộng 164 dự án thuộc 5 lĩnh vực nghiên cứu của 53 đơn vị với 220 HS dự thi. Qua vòng chấm sơ tuyển, 82 dự án của 132 HS được chọn trưng bày, dự thi chung kết cấp tỉnh; trong đó 50 dự án cấp THPT và 32 dự án cấp THCS.

Ông Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT cho rằng, điều này cho thấy phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong HS đã có sự phát triển khá mạnh so với các năm trước đây, như năm học 2014 - 2015 có 22 dự án của 5 đơn vị, đến năm học 2018 - 2019 có 157 dự án của 49 đơn vị. Không chỉ tập trung ở các địa phương đồng bằng, năm nay cuộc thi còn nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều đơn vị trường học đến từ miền núi như Trường THCS Trà Cang hay Trường PTDTNT Nam Trà My, PTDTNT Phước Sơn, hoặc Trường THPT tư thục Hà Huy Tập.

“Thành công của cuộc thi không chỉ ở số lượng đề tài mà là sự nhiệt tình, tính chủ động, sự say mê với nghiên cứu khoa học của HS. Chính sự nhiệt tình, tự tin, nhiều công trình khoa học của các em đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học, các thầy cô và HS” - ông Nam chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Màn trình diễn của "các nhà khoa học nhỏ tuổi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO