Trong vòng nửa tháng trở lại đây, do mặn liên tục xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ cao khiến trạm bơm điện Tứ Câu không thể vận hành hoặc hoạt động rất cầm chừng.
|
Nhiều cánh đồng ở xã Điện Ngọc cày xong để đó vì thiếu nước. Ảnh: Văn Sự |
Ruộng lúa chờ nước
Chỉ tay về phía mấy sào ruộng trơ trơ đất cục, bà Trần Thị An ở thôn Tứ Ngân (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) cho biết: “Để chủ động cắt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ, cuối tháng 4 dương lịch tôi đã thuê người cày phơi ải cả 3 sào đất. Theo khung thời vụ do ngành nông nghiệp huyện đưa ra thì ngày 26.5 vừa rồi gieo sạ toàn bộ diện tích đó bằng giống lúa ngắn ngày Bio 404. Thế nhưng, suốt nửa tháng nay mặn thường xuyên án ngữ trước miệng bể hút với nồng độ cao khiến trạm bơm Tứ Câu không thể vận hành. Trạm bơm đứng bánh, kênh trơ đáy, đồng ruộng khô khốc, vì vậy hơn 10kg giống lúa mua về vẫn chưa thể ngâm ủ để gieo sạ được”. Không riêng gì bà An, ở xã Điện Ngọc này, nhiều cánh đồng cũng chưa thể gieo sạ vì thiếu nước.
86ha lúa ở xã Điện Nam Bắc đứng trước nguy cơ khô hạn nặng Chiều qua 28.5, ông Nguyễn Văn Đức – Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn cho biết, trong vòng một tuần trở lại đây mặn cũng thường xuyên xâm nhập sâu vào bể hút của trạm bơm điện Cẩm Sa với nồng độ khoảng 1,6 phần nghìn khiến mỗi ngày đêm công trình này chỉ vận hành được 12 - 14 tiếng đồng hồ. Ông Đức nói: “Hiện nay, toàn bộ 86ha đất sản xuất lúa của nông dân xã Điện Nam Bắc do trạm bơm Cẩm Sa đảm nhận cung ứng nước đã cơ bản gieo sạ xong. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới mặn vẫn cứ liên tục tấn công vào bể hút với nồng độ vượt mức cho phép thì chắc chắn số diện tích lúa vừa nêu sẽ bị thiếu trầm trọng nguồn nước tưới”. |
Khoảng 7 giờ sáng qua 28.5, nồng độ mặn đo được tại bể hút của trạm bơm Tứ Câu là hơn 2 phần nghìn, vì thế công trình thủy lợi này phải tiếp tục ngưng hoạt động. Theo ngành chuyên môn, khi nồng độ mặn ở dưới mức 0,8 phần nghìn thì mới được vận hành máy để bơm tưới. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Đình Hải – Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, hơn 10 ngày qua mặn liên tục xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ vượt mức cho phép rất nhiều lần khiến trạm bơm Tứ Câu không thể hoạt động. Ông Hải nói: “Theo kế hoạch thì đến ngày 31.5 phải tổ chức gieo sạ xong 230ha đất canh tác lúa ở nhiều nơi trên địa bàn xã Điện Ngọc. Tuy nhiên, do mặn thường xuyên xâm nhập, trạm bơm Tứ Câu không vận hành nên hiện nay tại địa phương này vẫn chưa có 1ha đất nào được xuống giống vì không có nước để đổ ải. Tình hình bây giờ căng lắm. Nếu mặn vẫn án ngữ với nồng độ cao thì hàng loạt diện tích đất sản xuất lúa của nông dân Điện Ngọc phải bỏ hoang trong vụ hè thu 2013 này”.
Đẩy nhanh tiến độ đắp đập ngăn mặn
Như chúng tôi đã thông tin, nhằm đảm bảo nguồn nước cho trạm bơm Tứ Câu và một số trạm bơm khác hoạt động ổn định, vừa qua ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền huyện Điện Bàn đã triển khai đắp đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt trên nhánh sông Vĩnh Điện (thuộc hệ thống sông Thu Bồn) với tổng kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thi công tuyến đập này khoảng một tháng. Thế nhưng, trước tình trạng mặn liên tục xâm nhập như vừa đề cập, các cơ quan liên quan đang quyết liệt chỉ đạo nhà thầu tập trung huy động tối đa nhân lực và phương tiện khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Theo ông Nguyễn Đình Hải, mấy ngày nay đơn vị thường xuyên có mặt tại đập bổi ngăn mặn để đôn đốc, thúc giục đơn vị thi công. Bây giờ, mục tiêu đặt ra là bằng mọi giá phải hoàn thành việc xây dựng đập trong vòng nửa tháng nhằm sớm ngăn mặn cho các trạm bơm trên nhánh sông Vĩnh Điện hoạt động, trong đó cấp thiết nhất là trạm bơm Tứ Câu. “Cần phải gấp rút hoàn thành công trình, nếu không thì e rằng hàng trăm héc ta đất sản xuất lúa ở xã Điện Ngọc sẽ phải bỏ hoang hoặc gieo sạ quá trễ lịch dẫn đến bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ngập úng nghiêm trọng vào thời điểm cuối vụ như đã từng xảy ra trong những năm trước” – ông Hải nói.
VĂN SỰ