Có câu chuyện kể trên mạng: Dối Trá và Sự Thật cùng nhau đi tắm. Tắm xong, Dối Trá khoác áo của Sự Thật bỏ đi. Sự Thật không tìm thấy áo của mình nhưng nhất định không chịu mặc đồ của Dối Trá. Kể từ đấy, người ta chỉ nhìn thấy Dối Trá khoác tấm áo của Sự Thật mà không thể chấp nhận một Sự Thật trần trụi.
Thử nghĩ đây có phải nguyên cớ để những thói dối gạt vẫn tồn tại trên đời hay không?
Không phải vậy thì vì sao việc làm hàng giả, trò gian lận thương mại càng ngày càng gia tăng và thêm tinh vi, xảo quyệt?
Như báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố vừa qua, có nêu con số: 6 tháng đầu năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 88.564 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 7.950 tỷ đồng từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và truy thu thuế, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở trong nước mua các nguyên phụ liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, chất lượng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công, pha trộn, dán nhãn mác nhái các thương hiệu và cung cấp ra thị trường hàng giả, hàng nhái. Phải nói đây chính xác là trò xiếc, trò đổi áo của Dối Trá.
Đó là đổi áo, đánh tráo trong buôn bán, còn đổi - áo - chữ nghĩa thì tạm gọi là trò xiếc chữ. Không hiểu vì sao trong cái năm con Gà này lại có nhiều chuyện gà mờ về chữ nghĩa bị phanh phui ra thế? Này nhé, hàng loạt vụ nhà quan đã giải trình về nguồn gốc tài sản là các trang trại, biệt thự “khủng”, cứ mượn mấy từ ngữ như đi buôn chổi đót, buôn lá chít, nuôi heo, nấu rượu, làm giá đỗ... để trần tình. Ai tin? Mới đây, có vụ nhà máy nhiệt điện xin nhấn chìm cả triệu khối bùn thải xuống biển Bình Thuận thì lại gọi đó là... khối vật chất. Quả là họ biết diễn đạt rất... triết học (!). Trò xiếc chữ nghĩa này bị dư luận la ó chưa dứt lại phát hiện thêm sự mạo danh một số nhà khoa học trong hồ sơ “dự án nhấn chìm bùn” của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Rồi đến báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng bị nghi ngờ. Vụ khủng hoảng truyền thông kéo dài khi các phát ngôn loanh quanh mà sự thật rất mù mờ.
Từ bao giờ có trò xiếc chữ? Chắc là lâu lắm rồi, có từ thời Dối Trá khoác chiếc áo của Sự Thật ra đi. Nhiều người biết nhưng sao thói ăn gian nói dối vẫn có đất sống? Chúng ta biết ngôn ngữ là những thứ dễ bị lợi dụng nhất vì lời nói không mất tiền mua; với kẻ bất lương, lời nói cũng có thể giúp che đậy hay ngụy trang cái trống rỗng, cái lừa mị hay hiểm độc bên trong của họ.
Trò xiếc chữ tạo chiếc áo mù mờ, ngụy biện, lấp liếm, không chỉ ở các câu chuyện vừa kể mà còn có rất nhiều trong các báo cáo... láo. Ví như một đơn vị làm ăn thua lỗ, nợ nần, mà họ cứ viết rằng làm ăn “không tương xứng với kỳ vọng hay kế hoạch”, là “đạt thành quả hạn chế”. Hay, thay vì nói toạc ra trong cơ quan có chuyện tranh giành, đấu đá, người ta viết “đoàn kết nội bộ chưa thật chặt chẽ”... Kết quả của trò xiếc chữ là các bản báo cáo luôn tràn ngập những từ và cụm từ “lấp lánh lá ngụy trang” như: đồng thời, bên cạnh đó, song song, tuy nhiên, mặc dù,v.v. xen kẽ giữa nội dung thành tích mờ nhạt với hạn chế, thiếu sót, những điều sai quấy.
Hại thay là việc làm trò xiếc với chữ nghĩa lâu năm như thế, đến một lúc chính những “diễn viên” xiếc ấy cũng tỏ vẻ không biết mình dối mình, hoặc che đậy tinh vi hơn (!).
Rộng ra xã hội, dối trá làm nên những cái “bánh vẽ” để lừa mị người đời, mà dù có biết nó đang làm xiếc, người ta có lúc cũng phải thỏa hiệp:
“Chưa cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối đêm vui...”.
(Bánh vẽ - Chế Lan Viên)
Đáng cảnh báo thêm, tốc độ lan truyền của màn xiếc chữ ngày nay có sự trợ giúp của truyền thông bùng nổ càng nhanh hơn. Và theo đó, những lời nói dối có thể chạy khắp thế giới trước khi sự thật kịp đi giày.
NGUYỄN ĐIỆN NAM