(QNO) - Trăn trở câu chuyện phát triển kinh tế gắn với giữ gìn bản sắc đồng bào Ca Dong, chị Hồ Thị Ngọc Huyền (xã Trà Dơn, Nam Trà My) đã khởi nghiệp bằng nghề làm món thịt heo gác bếp.
Kinh doanh đặc sản địa phương
Thịt heo gác bếp là món ăn truyền thống của đồng bào Ca Dong ở Nam Trà My. Từ thuở sơ khai, họ đã nghĩ ra cách xông khói tất cả các loại thịt thú săn bắt được để bảo quản được lâu.
Qua thời gian, cuộc sống dù đã có nhiều thay đổi, nhưng ở một số làng vùng sâu, người Ca Dong vẫn lựa chọn phương pháp này để bảo quản thịt, thường là thịt heo đen, heo nhà.
Chị Hồ Thị Ngọc Huyền cho biết nhiều làng, nóc ở xã Trà Dơn nằm sâu trong núi, không có điện, đường. Trong khi gia súc, gia cầm sinh trưởng tốt, người dân sống chủ yếu là tự cung tự cấp.
"Khi số lượng vật nuôi nhiều, họ phải làm thịt để ăn hằng ngày. Ngoài các kiểu chế biến đơn thuần như luộc, nấu, xào, thì phần lớn thịt được mang đi gác bếp, để dùng dần, nhất là vào mùa đông" - chị Huyền nói.
Thịt heo gác bếp thường có màu đỏ hoặc hồng tùy vào thời gian gác bếp, thịt có hương thơm đặc trưng của thịt heo đen, mùi khét nhẹ của khói, đặc biệt là ít béo hơn so với cách chế biến thông thường. Người ta thường ăn trực tiếp, hoặc xào, nấu với các loại rau rừng.
Xuất phát từ suy nghĩ muốn giữ gìn bản sắc truyền thống của người Ca Dong, về thịt heo gác bếp nói riêng và món thịt gác bếp nói chung. Trong khi số heo người dân ở Trà Dơn nuôi khá dồi dào, lại không tìm được đầu ra ổn định.
Cạnh đó, nhận thấy trên địa bàn huyện Nam Trà My chưa có cơ sở sản xuất thịt heo gác bếp truyền thống, nên chị Huyền đã mạnh dạng thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Nghĩ là làm, đầu năm 2022 chị Huyền bắt tay vào làm thịt heo gác bếp, bán cho người dân trong xã dùng vào dịp Tết. Được ủng hộ, lần đó chị đã bán ra hơn 50 kg thịt khô.
Định hướng lâu dài
Dù làm số lượng lớn, nhưng chị Huyền cố gắng làm thịt heo gác bếp theo kiểu truyền thống, vì đó là yếu tố chính để gìn giữ hương vị của món ăn.
Theo chị Huyền, bí quyết để có món thịt heo gác bếp ngon, ngoài việc lựa heo đạt chuẩn (chủ yếu là heo đen, heo người dân trong làng nuôi), chị còn kỹ càng trong khâu vệ sinh giết mổ. Thịt được rửa sạch với muối, thái sợi mỏng, dài, sau đó hong trên bếp lửa. Củi quế là nhiên liệu chính để tạo khói, nhằm tăng hương vị và tạo màu tự nhiên cho thịt.
Qua ba năm kinh doanh, thương hiệu thịt heo gác bếp của chị Huyền được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Với mỗi ký thịt heo gác bếp, chị Huyền bán ra thị trường từ 500-600 ngàn đồng/gói/kg, trung bình mỗi tháng bán ra 20kg, doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm.
Hiện chị Huyền đã đăng ký thương hiệu thịt heo gác bếp Huyền Thắng, cơ sở tại thôn 1, xã Trà Dơn. Không dừng lại ở đó, chị Huyền đang tính đến phương án sản xuất sản phẩm OCOP thịt heo gác bếp vào năm 2025.
"Trước khi làm thịt heo gác bếp, tôi đã thành lập hợp tác xã, chuyên sản xuất tinh dầu quế Trà My, bột quế và sâm Ngọc Linh. Nhưng vì điều kiện máy móc hạn chế và hệ thống điện không ổn định, nên phải tạm dừng. Bây giờ cơ sở sẽ tập trung phát triển sản phẩm thịt heo gác bếp, mở rộng thị trường cho sản phẩm này" - chị Huyền cho hay.
Hiện nay, ngoài bán cho người dùng trong xã, huyện, chị Huyền còn đăng tải sản phẩm trên mạng xã hội, tham gia giới thiệu, bày bán sản phẩm thịt heo gác bếp tại các phiên chợ sâm Ngọc Linh và tham gia chuyến xe khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức tại Bắc Trà My.
Cơ sở của chị cũng góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, thông qua việc thu mua heo sạch và thuê nhân công làm trực tiếp tại cơ sở.
Chị Huyền cho biết sẵn sàng tham gia các hội chợ ở các thành phố lớn nếu có đủ điều kiện. Với đặc thù là sản phẩm truyền thống, chế biến đơn giản nên ảnh hưởng ít nhiều đến thời gian bảo quản, sử dụng.
Nếu áp dụng theo quy định để đáp ứng tiêu chí sản phẩm OCOP, sẽ mất thêm nhiều thời gian và công sức, nhưng chị sẽ quyết tâm làm để đưa đặc sản Nam Trà My vươn xa hơn nữa trong tương lai, để người dân địa phương quý trọng, gìn giữ cách làm ra món ăn này.