Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 đã khai mạc vào tối 25.11 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Đây là thước đo đánh giá quá trình đầu tư phát triển thể thao thành tích cao qua chu kỳ 4 năm của các địa phương, đơn vị. Cũng như các kỳ đại hội trước, mục tiêu “sạch” và không bệnh thành tích được nêu ra tại đại hội lần này nhằm hướng đến một sân chơi đúng nghĩa, phản ánh được mặt bằng chất lượng nền thể thao và cổ vũ, động viên phong trào trên cả nước.
Nguyễn Thị Ánh Viên không phải là VĐV để thi đấu và giành nhiều huy chương tại Đại hội TD-TT toàn quốc. Ảnh: Internet |
Diễn ra 4 năm một lần, Đại hội TDTT toàn quốc là cuộc chơi của tất cả vận động viên (VĐV) trong cả nước nên VĐV tập trung tại đội tuyển quốc gia sẽ được về thi đấu trong màu cờ sắc áo địa phương. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi trong nhiều nội dung thi đấu có sự góp mặt của các VĐV tên tuổi, đẳng cấp quốc gia, thậm chí quốc tế, từng chinh chiến và gặt hái thành công như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) hay Thạch Kim Tuấn (cử tạ) đối đầu với những đối thủ vô danh. Nhưng câu chuyện đáng nói ở đây, đó là cuộc chơi liệu có công bằng khi một số VĐV được đầu tư trọng điểm từ ngân sách quốc gia, tập huấn cả năm trời ở nước ngoài để giành huy chương quốc tế lại được các địa phương, đơn vị đăng ký thi đấu cả chục nội dung tại đại hội nhằm mục đích kiếm huy chương?
Đã từng xảy ra những cuộc tranh luận giữa các nhà quản lý, nhà chuyên môn về việc kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên gom huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2014 khi mang về 17 HCV cá nhân và 1 HCV đồng đội ở môn bơi lội. Hay chuyện khi gặp Tiến Minh - tay vợt hàng đầu thế giới và có thời điểm xếp hạng 4, nhiều VĐV đã chủ động xin bỏ cuộc vì biết dù cố gắng bao nhiêu cũng sẽ thất bại. Tình trạng đó sẽ mang đến một hình ảnh đại hội chạy theo thành tích và khiến cho các VĐV, địa phương khác không mấy hào hứng khi tham gia. Đại hội kỳ này, số lượng nội dung mà kình ngư số một Việt Nam tham gia cũng sẽ không ít hơn cách đây 4 năm. Trong khi đó, 2 năm gần đây, Ánh Viên thi đấu thất bại ở cả Asiad lẫn SEA Games. Như vậy, vấn đề đặt ra là việc cô tiếp tục được kỳ vọng giành “vàng” ở một giải đấu như đại hội có nên khuyến khích và có cần thiết phải mang “dao mổ trâu để đi giết gà”?
Đại hội TDTT của nhiều tỉnh, trong đó có Quảng Nam, điều lệ quy định những VĐV có đẳng cấp kiện tướng và cấp I không được tham gia. Điều này nhằm mục đích tạo sân chơi bình đẳng cho VĐV ở các địa phương vốn không được đầu tư đào tạo bằng ngân sách tỉnh. Một số môn, mỗi VĐV chỉ được đăng ký không quá 2 nội dung cũng nhằm tạo điều kiện cho nhiều VĐV khác được thi đấu, góp phần phát hiện tài năng và phát triển phong trào. Tất nhiên, đại hội cấp tỉnh không thể so sánh với toàn quốc khi tham gia đại hội toàn quốc hầu hết là VĐV thành tích cao được đào tạo, huấn luyện tập trung tại các trung tâm, trường năng khiếu TDTT. Thế nhưng, nếu quy định hạn chế số nội dung mỗi VĐV tham gia sẽ công bằng hơn và góp phần cổ vũ cho các VĐV khác thi đấu.
Một VĐV được đầu tư tiền tỷ suốt mấy năm trời ăn tập tại Mỹ như Nguyễn Thị Ánh Viên chắc chắn không phải để giành huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc và thành tích đó cũng chẳng nói lên điều gì đối với cô gái vàng bơi lội Việt Nam. Không thể trách bản thân VĐV, cũng khó trách đơn vị chủ quản khi đăng ký nhiều nội dung. Lỗi ở đây là do ban tổ chức đại hội, dù kêu gọi không chạy theo thành tích song lại tạo ra lỗ hổng để các địa phương, đơn vị mang căn bệnh thành tích, làm thui chột phong trào trên cả nước.
AN NHI