Ngày 27.1 tới, tuyến
|
Đầu tư mua xe buýt mới tham gia trên tuyến Tam Kỳ - Đại Lộc. Ảnh: C.T |
Đáp ứng nhu cầu
Nhu cầu sử dụng xe khách của người dân các huyện phía tây của tỉnh để đến Tam Kỳ và ngược lại, nhất là cán bộ, nhân dân, sinh viên sinh sống tại địa bàn huyện Đại Lộc và vùng lân cận là rất lớn. Tuy nhiên, việc khai thác tuyến này thời gian qua chưa được các đơn vị, doanh nghiệp (DN) chú trọng đầu tư khai thác. Do đó, người dân phải sử dụng xe máy lưu thông rất vất vả, không đảm bảo an toàn giao thông (ATGT); hoặc bằng cách qua trung gian về quốc lộ 1 đón xe buýt hai chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng khiến tuyến này càng thêm quá tải.
Trước nhu cầu thực tế của người dân và thực hiện Quyết định số 37/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Quảng Nam, giai đoạn 2010 - 2020; Sở GTVT đã lựa chọn các DN vận tải có thương hiệu, tâm huyết tham gia khai thác trên tuyến là Công ty CP GTVT Quảng Nam và Công ty TNHH Vận tải Trần Hòa. “Sau khi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi từ phía huyện Đại Lộc, TP.Tam Kỳ và các đơn vị liên quan, mọi công tác chuẩn bị mở tuyến xe buýt nội tỉnh không trợ giá Tam Kỳ - Đại Lộc và ngược lại đã hoàn tất. Mỗi đầu địa phương sẽ có 7 xe buýt được đầu tư hoàn toàn mới, hiện đại đưa vào phục vụ trên tuyến” - ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Quản lý vận tải và công nghiệp (Sở GTVT) cho biết.
Lộ trình xe chạy phục vụ cán bộ và nhân dân đi lại làm việc, học tập được bắt đầu từ đường Lý Thường Kiệt (Tam Kỳ) - Lê Lợi - Nguyễn Du - Nguyễn Chí Thanh - Trưng Nữ Vương - Phan Bội Châu - quốc lộ 1 - thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn) - tuyến ĐT 609 - thị trấn Ái Nghĩa - cầu Hà Nha - UBND xã Đại Hồng (Đại Lộc) và ngược lại. Đây cũng là tuyến xe buýt nội tỉnh thứ ba (tính cả hai tuyến Tam Kỳ - Núi Thành, Tam Kỳ - Hiệp Đức) hoạt động trên địa bàn tỉnh theo cơ chế không trợ giá. Sự ra đời xe buýt Tam Kỳ - Đại Lộc sẽ hình thành mạng lưới tuyến xe buýt liên hoàn, nối liền các vùng, miền của tỉnh; tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao lưu hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Những năm gần đây, ngành GTVT có những bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Trong đó, loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt ngày càng nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của người dân. Theo thống kê, 5 tuyến xe buýt đang khai thác trên địa bàn tỉnh đón bình quân 15 nghìn lượt khách đi lại trong ngày. Ông Trần Thanh An, Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng sự phát triển các tuyến xe buýt sẽ tạo dần thói quen cho người dân lưu thông trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sự phát triển phương tiện cá nhân tham gia giao thông, góp phần đảm bảo ATGT và hạn chế tai nạn giao thông, hình thành và nâng cao “văn hóa giao thông” không chỉ nơi đội ngũ lái, phụ xe, nhân viên phục vụ mà còn ở phía hành khách.
Là DN đầu tư trên tuyến, Công ty CP GTVT Quảng Nam đã chuẩn bị chu đáo các khâu từ nhiều ngày qua. Theo ông Ông Văn Dũng - Đội trưởng Đội xe khách (Công ty CP GTVT Quảng Nam), công ty mua sắm 7 xe buýt đời mới B50 đạt tiêu chuẩn, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe để quản lý đội ngũ tài xế, nhân viên phục vụ. Trước khi chính thức tác nghiệp, họ được tham gia một số khóa tập huấn nghiệp vụ, nắm bắt những khâu phục vụ đảm bảo chu đáo - văn minh - lịch sự - an toàn đúng với tiêu chí của vận tải hành khách công cộng. Đầu tư phát triển xe buýt là chiến lược trọng tâm của công ty. Từ việc khai thác trên tuyến Tam Kỳ - Đại Lộc, đến nay, DN đã tham gia tổng cộng 5 tuyến nội tỉnh và liên tỉnh liền kề với tổng cộng 35 xe.
Ông Dũng cho biết thêm, lãnh đạo Sở GTVT đã quán triệt hai DN phải thường xuyên giáo dục, nhắc nhở đội ngũ lái, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe và tại hai đầu tuyến thực hiện đúng các quy định về hoạt động vận tải bằng xe buýt của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trước hết là tuân thủ quy chế tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nội tỉnh trên địa bàn Quảng Nam. Cụ thể, chấp hành đúng giờ giấc đi và về theo lịch trình, biểu đồ chạy xe; dừng đón, trả khách; thực hiện niêm yết lộ trình, giá cước, trả vé cho hành khách; trang phục của các lái, phụ xe, nhân viên đúng quy định đã được Sở GTVT phê duyệt; thái độ phục vụ nhã nhặn thể hiện tính văn minh, lịch sự…
CÔNG TÚ