Mang phố về làng

PHI KHANH 28/07/2018 13:24

Năm mươi tuổi, chị chưng hửng khi nghe anh bàn “Già là mình về quê sống nghe em”. “Bao nhiêu, gọi là già?”. “Thì con cái lấy vợ lấy chồng hết”. Quá bất ngờ, dù biết xa quê, chồng chỉ trung thành với mấy món ăn xứ Quảng, và luôn đau đáu quê nhà, thì ngày về chỉ còn là thời gian. Thiếu gì người già về quê sống quãng đời còn lại. Chị thấy hết, biết hết, nhưng không nghĩ “ngày” của mình lại đến vội như vậy.
Vợ chồng chị xa quê đã ba mươi năm. Anh nói “Nửa đời gửi thân phận xứ người, ngoảnh lại thấy thời gian trôi nhanh quá”.

Làng quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Khi người trẻ rời làng, bước chân ra phố lập nghiệp, là mang theo sự quyết tâm, bền bỉ, dù cực khổ mấy cũng ráng bám phố, hy vọng đổi đời. Làm việc bất chấp thời gian, ví như có tăng ca thì càng khoái, hay phải bán cho hết chỗ hàng này mới chịu. Rồi về, cơm nước xong xuôi, vợ chồng tranh thủ chở nhau băng qua những hàng cây đêm, khi phố đã lên đèn, hóng chút gió ngọt ngào phố thị, để cân bằng cuộc sống. Chị ngồi sau xe, kể những vui buồn một ngày Sài thành, nhưng bao giờ cũng chen lấn câu chuyện quê nhà.

Cuộc sống phố xá cứ thế trôi đi năm này năm khác, rồi con cái ra đời, nhọc nhằn, hạnh phúc đan xen như một bản tình ca lúc dịu êm, khi ai oán. “Vậy mới là cuộc sống”, câu nói cũ rích, như một lời giải thích đơn giản, dễ hiểu, để dìu người ta đi qua những khúc quanh cuộc đời, mà ở đó có cả tình yêu thương và trách nhiệm.

Rồi cũng tới ngày về quê chớ sao. Nhà cửa, đã có con cái tiếp quản. Nhưng ra đi hào hứng bao nhiêu, ngày về lại lần lữa bấy nhiêu. Bởi dù sao, đất Sài thành đã cưu mang anh chị, thì đâu thể dễ dàng rời bỏ. Ba mươi năm đã quen với những ngóc ngách, hẻm hóc, giọng nói cũng “lai” đi ít nhiều. Nói từ giã, sao nghe nhẹ tênh vậy? Ngày ra đi, chỉ đôi bàn tay trắng, cùng với sức trẻ, sự quyết tâm. Để ngày về, chị đã có trong tay mọi ước ao thời tuổi trẻ: con cái học hành đến nơi đến chốn; nhà cửa, xe cộ đủ đầy, tiền bạc cũng rủng rỉnh. Và dĩ nhiên, về quê, là mang theo đất trời phương Nam cùng về. Chỉ mới hình dung ngày về, chị đã nghe trong người muốn bệnh. Mới thấy, Sài thành cũng là một phần máu thịt trong chị rồi.

Về quê, đơn giản là nhấc chân lên xe, như đã bao lần về. Mà sao lần dự định này, chị nghe đôi chân như đeo chì, nặng nề kinh khủng. Nếu ra đi “vạn sự khởi đầu nan”, thì ngày về chẳng có gì trắc trở. Xây mới lại ngôi nhà trú nắng trú mưa, chị thừa sức làm. Trồng lại vạt rau trước nhà, để được ăn rau sạch như ao ước bấy lâu, cũng dễ như trở lòng bàn tay. Nói chung, mọi thứ quê mình, cái gì cũng thân thuộc, cần gì đã có hàng xóm hỗ trợ. Chỉ ngại một điều, sẽ có những đêm quay quắt nhớ mảnh đất 30 năm gắn bó, nhớ tiếng rao đêm, những tạp âm ngày cũ, những nỗi nhớ kiểu gì cũng khiến chị thắt lòng.

Với chị, phố là nơi tạm dừng chân, cái “tạm” 30 năm, đủ để lưu giữ thật nhiều khoảnh khắc, để mỗi khi nhớ phố, thì “bày” phố ra mà… “thịt”. Làng là nơi trở về. Sẽ thảnh thơi gắn bó với làng, bởi chị đã mang phố về cùng. Tuổi già của chị, may mắn có phố có làng, để thấy cuộc đời này rộng lớn, đáng giá, và thi vị biết bao. Ngày về đã sắp, chị dặn lòng đừng lăn tăn nữa. Cứ về đi.

PHI KHANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mang phố về làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO