(QNO) - Trong khi các nhà đàm phán về biến đổi khí hậu chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng vào tháng 11 tới tại Dubai, thế giới đang trải qua những ngày nhiệt độ tăng kỷ lục từ đất liền cho đến đại dương.
Nhiệt độ trên biển, đất liền đạt kỷ lục
Các chuyên gia khí hậu cho biết, mục tiêu duy trì sự nóng lên toàn cầu trong dài hạn ở mức 1,5 độ C đang vượt quá tầm với. Các quốc gia không thể đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng hơn bất chấp nhiều tháng nắng nóng kỷ lục trên đất liền và trên biển.
Khi các đoàn đàm phán về chống biến đổi khí hậu đến từ khắp nơi trên thế giới nhóm họp tại Bonne (Đức) vào tháng 6 vừa qua để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai thuộc Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) vào tháng 11 tới, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Tiến sĩ Sarah Perkins-Kirkpatrick - nhà khí hậu học tại Đại học New South Wales của Australia cho biết: "Chúng ta đã hết thời gian vì thay đổi cần có thời gian".
Nhiều nơi trên thế giới bao gồm hai nhà phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ oằn mình chống chọi nhiệt độ đã phá vỡ kỷ lục của tháng 6.
Nhiệt độ trung bình tại các khu vực của Bắc Mỹ cao hơn khoảng 10 độ C so với mức trung bình theo mùa trong tháng 6.
Các đám cháy rừng bao phủ Canada và bờ Đông Mỹ trong khói mù nguy hiểm với lượng khí thải các bon ước tính ở mức kỷ lục 160 triệu tấn.
Ấn Độ - một trong những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhất ghi nhận số ca tử vong tăng đột biến do nhiệt độ cao kéo dài và nắng nóng khắc nghiệt làm dấy lên lo ngại rằng mùa hè chết chóc có thể trở thành thông lệ nếu thế giới không hành động nhanh và hiệu quả.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhận định, các quốc gia đồng ý tại Paris vào năm 2015 để cố giữ mức tăng nhiệt độ trung bình dài hạn trong khoảng 1,5 độ C, nhưng hiện có 66% khả năng nhiệt độ trung bình hằng năm sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C trong ít nhất một năm từ nay đến năm 2027.
Con đường đến Dubai
Các chuyên gia về khí hậu cho biết mức độ và tần suất của thời tiết khắc nghiệt đang gia tăng. Năm nay sẽ chứng kiến những đợt hạn hán nghiêm trọng trên khắp thế giới cũng như một cơn lốc xoáy hiếm gặp và chết người ở châu Phi.
Tuy nhiên, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cảnh báo về "sự thiếu động lực đáng lo ngại" trong các cuộc đàm phán về khí hậu ở Bonne vừa qua với rất ít tiến bộ đạt được đối với các vấn đề chính như nhiên liệu hóa thạch và tài chính trước các cuộc đàm phán về khí hậu COP28.
Cố vấn cấp cao về khí hậu của Greenpeace tại Bắc Kinh - ông Li Shuo cho biết: "Chúng ta đang thực sự đi đến thời điểm của sự thật… Tôi hy vọng rằng sự thật tuyệt đối sẽ giúp thế giới thay đổi động thái".