Cận tết, trên các tuyến đường lên vùng cao, biên giới, rộn ràng những chuyến hàng tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Ông Thìn cõng gà vịt lên nóc Măng Lùng xã Trà Linh phục vụ dân bản đón tết. Ảnh: Tuấn Tú |
Cõng hàng lên nóc
Mỗi độ tết đến, đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, Mơ Nông ở huyện Nam Trà My lại có phong tục cúng gà, vịt để dâng lên thần linh. Nắm bắt nhu cầu thiết yếu đó, các tiểu thương đã mang gà, vịt lên tận các bản làng bán cho bà con dân bản. Những ngày này, ông Nguyễn Thìn (xã Bình Trị, Thăng Bình) đều đặn mỗi ngày chở theo một giỏ gà và một giỏ vịt thẳng hướng huyện Nam Trà My. Khởi hành từ 3 giờ, đến trung tâm huyện trời cũng vừa sáng, nghỉ ngơi ít phút, ông tiếp tục chở hàng lên trung tâm xã Trà Linh. Từ đây, ông gửi xe rồi gánh hàng đi bộ lên thôn 2, đến tận nóc Măng Lùng - điểm dừng chân cuối cùng. Nóc Măng Lùng là một trong những nóc cao nhất của xã Trà Linh, quanh năm sương mù bao phủ, đường sá đi lại khó khăn. Để lên được nóc Măng Lùng, ông Thìn phải gửi xe tại trung tâm xã sau đó gánh bộ suốt một quãng đường dài trơn trượt, dốc dựng đứng, đi nhanh phải hơn 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ông Thìn chia sẻ: “Đã 3 năm rồi, cứ đến tháng chạp, ngày nào tôi cũng vượt hơn 250km đường cả đi lẫn về đưa gà vịt lên các thôn, nóc của xã Trà Linh bán. Mỗi chuyến gánh một giỏ gà, một giỏ vịt, hôm nay có thêm mấy chú heo con vì bà con trên này dặn mua lên để họ nuôi, vì thế bình thường gánh khoảng 50 con gà, vịt thì hôm nay chỉ gánh lên 30 con”. Ông Thìn còn cho biết, bán hàng cho bà con ở đây chỉ lấy giá rẻ vì người dân còn nghèo. Nhiều khi bà con không có tiền, ông còn cho ghi nợ, hoặc trao đổi những mặt hàng nông sản như chuối mốc, rau rừng...
Cũng như ông Thìn, nhiều người khác hằng ngày vẫn vượt hàng trăm cây số mang gà, vịt và hàng tết lên với các thôn, nóc xa xôi của huyện Nam Trà My. Phần đông dân bản ở đây không có điều kiện ra trung tâm xã, huyện mua nhu yếu phẩm cho ngày tết, bởi vậy, sự có mặt của các tiểu thương như ông Thìn khiến bản làng trở nên vui nhộn. Ông Hồ Văn Ron ở nóc Măng Lùng cho biết: “Trước đây, dân bản muốn mua hoặc bán cái gì phải lội xuống chợ xã, mua mặt hàng có giá trị thì phải xuống chợ huyện, xa lắm, đi mỏi cái chân. Giờ có mấy người cõng hàng lên bán tận nhà thế này thì mừng lắm. Cần mua thứ gì cũng có thể đặt họ chuyến sau mang lên”.
Góp chút hương xuân
Những chiếc xe máy chất đầy bánh kẹo, hạt dưa rồi quần áo, giày dép… được những phụ nữ đưa đi khắp thôn bản, từ thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) đi Tắk Pỏ, Trà Linh (Nam Trà My), hay thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) lên các xã biên giới Đắc Pring, Đắc Pre từ thị trấn Prao (Đông Giang) đi các xã Tr’Hy, A Xan, Ga Ry (Tây Giang). Cứ mờ sáng các chị lại bắt đầu cuộc hành trình chinh phục những con đường dốc đá, bùn lầy, đến xế chiều lại thồ chuối, rau rừng lao dốc trở về đồng bằng.
Vùng cao được góp thêm chút hương xuân từ những chợ di động như thế này. Ảnh: Thiên Nga |
Chị Lê Thanh Thủy (ở huyện Đông Giang) hơn 4 năm nay, ngày nào cũng vượt đường trơn lầy lội để lên xã biên giới A Xan của huyện Tây Giang bán hàng. Khác với ngày thường, những ngày cuối năm trong giỏ hàng của chị có thêm mứt, hạt dưa, bánh kẹo… Chị bảo: “Đồng bào dân tộc Cơ Tu đời sống giờ đã khá hơn trước rồi. Bây giờ ngày tết họ cũng mua sắm bánh mứt, hạt dưa, cá hộp... xôm tụ lắm”. Khi đến với các bản làng, bán hàng xong, cuốn sổ ghi chép của chị Thủy lúc nào cũng có một dãy dài các mặt hàng dân bản dặn mua cho chuyến sau. Những ngày cận tết, cuốn sổ của chị càng có thêm nhiều mặt hàng, kể cả bình hoa, chén bát, xoong nồi…
Mang hàng tết lên cánh Trà Bui, Trà Dương, Trà Nú của huyện Bắc Trà My, chị Nguyễn Thị Dung (ở Tiên Phước) cho biết đồng bào ở đây còn khó khăn nên chủ yếu giao dịch theo kiểu “hàng đổi hàng”. Biết được giờ giấc chị Dung lên đến nơi nên bà con thường mang hàng chờ sẵn bên đường để đổi lấy bánh kẹo, muối, thịt. Bởi vậy, lúc về xe chị Dung bao giờ cũng chở nặng hơn khi lên vì còn phải đèo thêm chuối, rau rừng, ốc bươu… Nhiều lúc đang chở hàng nặng mà xe bị lủng lốp hoặc bị hỏng máy thì chỉ có “khóc”. Nhớ nhất là những lần bị tai nạn do đường xấu lại có nhiều đoạn quanh. Có lần chị Dung bị ngã xe khiến chân bị bong gân nặng phải ở nhà dưỡng thương cả tháng trời.
Mặc dù vậy, chị Dung, chị Thủy cùng nhiều phụ nữ khác vẫn miệt mài mang chợ lên vùng cao, giáp tết xe hàng càng thêm nặng. “Bà con nơi đây thật thà và quý mến mình lắm! Ngày bình thường không lên còn được, những ngày này mà không mang hàng lên là đã phụ sự yêu mến của họ” - chị Thủy bộc bạch.
TUẤN TÚ - THIÊN NGA