Mảnh đất dai dẳng ung thư

ĐOÀN ĐẠO 29/09/2018 06:49

(QNO) - Ngồi giữa bữa giỗ của một gia đình họ Nguyễn ở thôn Lạc Sơn (xã Quế Minh, Quế Sơn), tôi hỏi chuyện ung thư, họ kể, họ đếm về những trường hợp mà giọng nói chẳng lạc đi như thể chuyện ung thư không xa lạ gì nữa, có ập đến với ai ở làng này thì đó là “nghiệp” trong sinh - lão - bệnh - tử.

Người dân thôn Lạc Sơn khá hoang mang vì ngày càng có nhiều người trong thôn còn trẻ nhưng đã bị ung thư. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO
Người dân thôn Lạc Sơn hoang mang vì ngày càng nhiều người trẻ trong thôn mắc ung thư. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

1. Mâm giỗ có hơn 10 gia đình, những trung niên kể về hàng chục trường hợp bị mắc ung thư trong dòng họ, kể thêm những người bị ở quanh làng suốt chục năm qua. Gần nhất là bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (62 tuổi) bị ung thư mạch máu sau vùng gáy cổ.

Mái tóc - thứ quý giá của phụ nữ cũng rụng xuống hết, bà Hằng lấy mũ chụp che kín mỗi khi có khách, hay ra đường. Còn thân thể cũng bắt đầu sụt ký làm gầy gò hơn dáng người đàn bà thôn quê. Bên chiếc mẹt để đếm chia thịt heo cho bà con sau đám giỗ, bà Hằng lặng lẽ nói: “Tuổi này rồi thì chẳng còn sợ gì chuyện chết sống, chỉ sợ mình nằm xuống một chỗ phiền tội cho người thân chăm sóc”.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng bị rụng hết tóc do ung thư mạch máu. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO
Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng mắc bệnh ung thư mạch máu. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Kế cạnh đó, chị Dương Thị Loan cũng lo toan về người chồng đang đau ốm liệt giường. “Ảnh và tôi không biết gì về các triệu chứng ung thư giai đoạn đầu. Sau thấy ảnh đau quá mới đi khám thì phát hiện ung thư thực quản. Chạy chữa khắp nơi, giờ ảnh chỉ còn mỗi da bọc xương” - chị Loan nói, mà đôi mắt ngân ngấn khi nghĩ về một tương lai xám xịt. Ở đó, gia đình chị mất một người thân, con cái sẽ khổ theo vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền.

Rời bữa giỗ của gia đình họ Nguyễn, câu nói của một vị trung niên cứ ám ảnh: “Trong bán kính 500m này, hai bàn tay 10 ngón đếm không hết số người bị ung thư. Đó, phía sau nhà bà Hằng cũng có người bị, 200m phía kia là nhà ông Lợi cả cha mẹ cũng mắc ung thư mất hồi xưa…”.

2.Men theo những con đường bê tông, thôn Lạc Sơn trầm buồn, vắng người. Ông Nguyễn Danh - Trưởng ban Công tác Mặt trận của thôn bảo, một ít đi làm, sắp trẻ thì bỏ quê đi mưu sinh, còn lại… ra nuôi người ung thư ở Đà Nẵng, Huế.

Cái quán tạp hóa của bà Nguyễn Thị Lan mở cửa sau cả tháng đóng im ỉm. Con trai bà là anh Lê Thanh Hùng (48 tuổi) nằm ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã nhiều tháng. Vợ con và bà Lan thay nhau ra chăm anh Hùng. Hết tiền thì họ lủi thủi trở về nhà. Mới hai tháng điều trị nhưng của cải chẳng còn, 70 triệu đồng từ tích cóp, vay mượn cũng hết nhẵn.

“Nó (anh Hùng) giờ chẳng thiết ăn uống. Tôi về nhà đợt này nghỉ ngơi đôi hôm vì sức già không ở nổi, với về để chạy vạy tiền mang ra cho vợ chồng nó chữa bệnh nhưng không biết có mượn được ai nữa không” -  bà Lan thở dài.

Hiện tại, ngoài ông Nguyễn Nên thì còn 5 người tại thôn Lạc Sơn đang điều trị ung thư giai đoạn cuối. Và toàn xã Quế Minh có khoảng 50 người mắc các căn bệnh về ung thư. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO
Hiện tại ngoài ông Nguyễn Nên thì còn 5 người dân thôn Lạc Sơn đang điều trị ung thư giai đoạn cuối. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Ông Nguyễn Danh nhẩm đếm, 10 năm trở lại đây cũng đã có tới mấy chục trường hợp mất vì bệnh ung thư. Từ đầu năm đến nay thôn có 3 người mất, hiện còn 6 trường hợp ung thư còn sống. “Tôi nghĩ là nhiều hơn con số này vì nhiều gia đình họ không nói ra, chỉ im lặng đưa người thân đi chữa bệnh, về mất họ phát tang thì mình cũng ngại chẳng dám hỏi...” - ông Danh nói.

Người dân thôn Lạc Sơn càng lo lắng hơn khi những trường hợp ung thư ở thôn đều có độ tuổi khá trẻ, tầm 30 đến 50 tuổi chiếm đa số. Và họ hoang mang vì chẳng biết đâu là nguyên nhân gây bệnh ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây. Không nhà máy, xí nghiệp, Lạc Sơn vẫn là mảnh đất chỉ có ruộng và núi, cây cối bao quanh với màu xanh ngút ngàn.

3. Không tự tìm thấy nguyên nhân, dân Lạc Sơn nghi ngờ. Họ “đổ” cho cái đồn Mỹ - ngụy đóng trên ngọn đồi sát nách làng. Họ bảo chắc chắn do thuốc nổ của mìn, pháo, lựu đạn… chôn dưới đất ngấm vô mạch nước ngầm khiến dân làng bị nhiễm độc tố.

Ông Lê Văn Lợi - người dân trong thôn nói: “Từ khi cha mẹ mất vì ung thư rồi thấy quanh thôn nhiều nhà bị quá, tôi cũng nghi ngờ do nguồn nước mà ra nên chuyển sang dùng nước đóng chai để nấu ăn, uống hằng ngày. Mấy lần tiếp xúc cử tri chúng tôi đều đề nghị kiểm tra nguồn nước nhưng chưa thấy trả lời”.

Ông Lê Văn Lợi (giữa) nhận định do thuốc nổ chôn ở đồn Mỹ Ngụy trên đồi Lạc Sơn khiến nguồn nước của thôn bị nhiễm độc tố. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO
Ông Lê Văn Lợi (giữa) nhận định do thuốc nổ chôn ở đồn Mỹ - ngụy trên đồi Lạc Sơn khiến nguồn nước của thôn bị nhiễm độc tố. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Ông Võ Thanh Hường - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Minh xác nhận, cử tri thôn Lạc Sơn nhiều lần kiến nghị chuyện tìm kiếm nguyên nhân gây ung thư nhiều ở thôn này, gần nhất là cách đây hơn một tháng trong lần đại biểu HĐND tỉnh về tiếp xúc cử tri.

“Người dân cũng kiến nghị nên xây dựng một hệ thống nước sạch để họ an tâm. Mà không riêng gì Lạc Sơn, cả xã này đang xôn xao chuyện ung thư. Dẫu chưa có thống kê cụ thể nhưng cả xã Quế Minh có khoảng 50 trường hợp đang điều trị vì ung thư, 9 tháng đầu năm thì đã có 9 người chết, Lạc Sơn là thôn bị nhiều nhất” - ông Hường nói.

ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mảnh đất dai dẳng ung thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO