“- Những tên đểu phải ở một mình với đất chắc sợ lắm phải không bố?
- Không, có lẽ phải sống một mình với lương tâm thì bọn chúng thấy còn sợ hơn, con ạ!” (Trên mảnh đất người đời - Anatoli Stepanovich Ivanov)
Đó là cuộc đối thoại trong tiểu thuyết, còn cuộc đời thì sao? Chuyện “ăn đất” còn diễn ra ở nhiều nơi với nhiều cấp độ mà những sai phạm về quản lý đất đai vẫn tiếp tục nóng trên nghị trường Quốc hội. Ngay tại buổi thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội vào sáng 25.5, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) thẳng thắn nêu ý kiến:
“Nhân dân rất bất bình, thậm chí là phẫn nộ, bởi nguồn lực cực lớn của đất nước là đất đai đang được sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí. Những lô đất vàng, đất bạc rơi vào các doanh nghiệp bạch tuộc. Họ không đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà chỉ sang nhượng dự án, hoặc phân lô bán nền, làm thất thu ngân sách nhà nước” (theo Zing.vn). Có lẽ những câu chuyện “ồn ào” từ Đà Nẵng, Đồng Tâm, Đồng Nai, đến Thủ Thiêm mới đây, là những minh chứng cụ thể cho lời ông Vượt. Ngay ở những nơi dự định thành lập đặc khu kinh tế, đất đai sốt giá đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, và Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đã cảnh báo hiện tượng đầu cơ đất tại các đặc khu sắp thành lập.
Nói về các “doanh nghiệp bạch tuộc” thì khó mà đòi hỏi lương tâm của họ khi lợi nhuận quá lớn nhờ thâu tóm đất đai, kinh doanh bất động sản. Thậm chí có đại biểu Quốc hội lên tiếng, rằng “một số doanh nghiệp có dấu hiệu là sân sau của các quan chức cùng cộng sinh, thâu tóm chiếm đoạt đất đai bằng nhiều thủ đoạn, mưu mô, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, chuyển nhượng dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất”. Với các đặc khu dự định thành lập, theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thì gần đây UBND các tỉnh này đã chỉ đạo tạm dừng cấp giấy quyền sử dụng đất cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ra đời; song thực tế có thể những thương vụ chuyển nhượng ngầm vẫn diễn ra, và nếu để đối tượng ngầm thôn tính hết đất thì tới khi đặc khu được lập “sẽ không còn đại bàng đến, mà chỉ còn chim sẻ, chim sâu”.
Vì có hiện tượng như vậy, nên tính toán giao đất cho nhà đầu tư vào đặc khu kinh tế tới 99 năm, hay giảm xuống còn 70 năm, cũng khiến nhiều nhà phân tích lo ngại. Đặc biệt, theo đại biểu Dương Trung Quốc, quy định trên chỉ có lợi cho các nhà đầu tư bất động sản, thậm chí là đầu cơ đất, còn “các nhà đầu tư công nghệ cao không cần thuê đất đến 99 năm, cái họ cần là môi trường đầu tư sạch, hạ tầng tốt, giao dịch sòng phẳng, minh bạch”. Ông Quốc cũng nói rõ, 3 địa điểm (Vân Đồn, Bắc Vân phong, Phú Quốc) được chọn thí điểm làm đặc khu kinh tế là 3 “mặt tiền” của đất nước với Biển Đông, do vậy ông “rất muốn đại biểu các tỉnh có đặc khu như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang thông tin xem bao nhiêu nhà cửa, đất đai ở đây đã được người Trung Quốc mua”.
Điều ông Quốc lo ngại không phải là viễn tưởng, vì theo Carrie Law - Giám đốc điều hành (CEO) đại lý bất động sản trực tuyến Juwai.com, “nhu cầu mua bất động sản Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc trong quý I/2018 đã tăng hơn 300% so với quý đầu năm ngoái. Dù vẫn nằm ở top dưới trong danh sách ưu tiên so với Thái Lan hay Malaysia, nhu cầu tại thị trường này đang tăng nhanh” (VnEconomy.vn).
Không riêng ông Dương Trung Quốc, một số đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về thời hạn giao đất đến 99 năm, bằng cả 3 - 4 thế hệ đời người, trong khi vòng đời của sản phẩm, chu kỳ sản xuất thời 4.0 chỉ cần vài chục năm. Kiểu giao đất như “hình thức nhượng địa” kéo theo hệ lụy tiêu cực về quản lý khi dự án phá sản, chuyển nhượng, thậm chí còn nảy sinh phức tạp về tình trạng “di dân”.
Việc thành lập và vận hành các đặc khu kinh tế có thành công hay không còn phụ thuộc vào năng lực quản lý, xử lý các mối quan hệ với thế lực tài chính, các nhóm lợi ích... Và, để tạo ra điểm đến cho các nhà đầu tư, theo các chuyên gia, cần nhiều hơn các yếu tố về thể chế chính trị ổn định, nền tảng kinh tế vĩ mô và tiềm năng phát triển kinh tế, chứ chưa hẳn là cần ưu đãi đặc biệt về thuế và thuê đất.
Đất đai là tài sản thiêng liêng truyền thừa của cha ông để lại cho muôn đời con cháu. Hương hỏa đó gắn với chủ quyền đất nước, dân tộc, và gắn với thân phận cuộc đời mỗi người. Vì thế, những quyết sách liên quan đến sử dụng đất đai – tư liệu sản xuất đặc biệt – cần phải được cân nhắc hết sức cẩn trọng và toàn diện về mọi mặt. Không nên để tầm nhìn hạn chế một đời mà “thử nghiệm” trao tài sản đất đai vốn không sinh nở, để nhiều đời sau gánh hệ lụy tiêu cực vì ràng buộc pháp lý “lợi bất cấp hại” cho chính mình.
NGUYỄN ĐIỆN NAM